Đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược

24/01/2018 09:00 GMT+7

Đại tá, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Vũ Tang Bồng khẳng định dù có những tổn thất lớn nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ.

Ông nói: Trước hết, Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện chính trị có tầm vóc lớn, đánh dấu một bước ngoặt của chiến tranh. Nhưng cũng đặc biệt lý thú: trong 50 năm trở lại đây, đó là sự kiện gây tranh cãi. Có người gọi là cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Có người gọi đó là cuộc tổng tiến công. Có người thì gọi là tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Có người gọi là tập kích chiến lược. Người gọi tổng công kích, tổng khởi nghĩa là căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị T.Ư 14, tên đó được ban hành phổ biển cho các cấp ủy Đảng.
Ở hướng đô thị chúng ta hy vọng nổi dậy. Thậm chí ở địa phương cấp thành phố như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng đã đề ra kế hoạch chỉ cần bộ đội áp vào, hiệu lệnh nổ súng thì ngay lập tức sẽ có 5.000 quần chúng cách mạng gồm sinh viên, học sinh ập đến hỗ trợ. Nhưng trên thực tế thì lại không như vậy. Chỉ có nổi dậy ở một số vùng nông thôn như Bến Tre, Mỹ Tho, một số thôn, ấp vùng Ninh Thuận, nên cứ lăn tăn tên gọi là như thế.
Sau này, theo Nghị quyết T.Ư đánh giá thắng lợi, sự kiện được gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”. Ban tổng kết chiến tranh có ra sách, phần chống Mỹ cũng gọi đó là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Dù cách gọi còn gây tranh cãi nhưng các đánh giá đều thống nhất về tầm vóc của thắng lợi Mậu Thân.
Nhưng cũng có ý kiến đặt ra là chúng ta thiệt hại rất lớn trong chiến dịch này, thưa ông?
Đánh giá một chiến dịch, chiến cục, tất nhiên yếu tố thiệt hại các bên rất quan trọng. Học giả nước ngoài nói ta thua về quân sự nhưng thắng về chính trị. Các học giả và một số tướng chóp bu của phe diều hâu Mỹ nói họ không thua ở chiến trường nhưng thất bại ở các phòng họp.
Lần đầu tiên cuộc chiến tranh VN được các phóng viên chiến trường tường thuật hằng ngày, hằng giờ và người ta tiếp cận được ngay. Kể cả việc tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia (VN Cộng hòa), gí súng bắn chết chiến sĩ biệt động của ta trên đường phố, gây kinh hoàng cho nước Mỹ, cũng được tường thuật. Người ta ngã ngửa, ôi thế ra mình bị Tổng thống và Bộ Quốc phòng Mỹ lừa dối. Vì trước đó, tướng William Childs Westmoreland báo cáo quốc hội rất lạc quan, rằng chỉ cần vài tháng sau là có thể rút quân Mỹ về rồi. Việc đánh ngay vào Đại sứ quán Mỹ, đánh ngay vào trung ương thần kinh Mỹ và VN Cộng hòa khiến người ta choáng váng và thấy bị lừa dối. Tướng Westmoreland sau đó cũng nói muốn giữ được miền Nam thì phải tăng thêm cho tôi 20 vạn quân. Mặc dù vậy, đợt thị sát của Bộ trưởng Quốc phòng sau đó cho thấy dù tăng 70 vạn quân cũng không thay đổi được hiện trạng.
Ở Mậu Thân dù có tổn thất lớn ở phía ta nhưng đó là một đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ.
Ông đánh giá như thế nào về tổn thất của Mậu Thân?
Có thể nói, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong lịch sử chiến tranh cách mạng VN từ chống Nhật, chống Pháp, chống Mỹ sau này chưa có một trận nào, hay một đợt phát động nào tổn thất nhiều như Mậu Thân.
Theo số liệu thống kê của chính Ban tổng kết số liệu chiến tranh của Nam bộ tổng kết hậu cần kỹ thuật, thì tổn thất riêng năm 1968 cao hơn 9 năm trước đó. Nếu giai đoạn đầu kháng chiến, tân binh là lực lượng tại chỗ khá cao. Sang đến 1967 thì tỷ lệ tương đương nếu so với bộ đội miền Bắc vào Nam. Trước Mậu Thân, lực lượng tân binh tuyển được tại chỗ gần 25%, còn hơn 70% là từ miền Bắc đưa vào. Còn sau Mậu Thân, tỷ lệ tuyển tại chỗ chỉ chiếm gần 6%, còn 94% là đưa vào từ miền Bắc.
Quân giải phóng tại thành phố Sài Gòn - Gia Định. Ảnh Tư liệu TTXVN
Sau đợt 2 Mậu Thân thì phần lớn lực lượng phải sang bắc Campuchia, bộ phận còn lại phải ra Bắc. Một số chiến trường không thể nuôi được bộ đội nữa. Bao nhiêu công phu, xương máu, trí tuệ mới xây dựng được khối chủ lực thì đến lúc này buộc lòng phải giải tán các sư đoàn vì không đủ sức nuôi.
Những phong trào phản chiến sau Mậu Thân ngày càng nhiều và chính quyền Mỹ đã không lường được sức mạnh truyền thông. Ta chủ động đến đâu trong chiến lược truyền thông hay chỉ là tình cờ?
Tình cờ thì chắc chắn không phải, rõ ràng mình hiểu sức mạnh truyền thông. Nhưng thành chủ trương hay quyết sách thì hiện nay tư liệu chưa cho phép khẳng định. Tuy nhiên, chắc chắn ta đã tìm cách khuếch trương Mậu Thân. Tất nhiên, hệ thống truyền thông của ta còn yếu kém, so với các nước thì khó bằng. Do đó, ta có thể nhờ cung cấp thông tin cho truyền thông các nước, ví dụ Thái Lan, Nhật, Pháp, Thụy Điển. Cơ quan đại diện của ta có thể tổ chức họp báo, đưa tin. Chưa kể có những nhà báo vừa làm cho Anh, Mỹ vừa làm cho ta, điển hình là Phạm Xuân Ẩn.
Trên bàn ngoại giao, ý nghĩa của Mậu Thân như thế nào, thưa ông?
Trước hết, đòn đánh của ta khiến cho dư luận thế giới, đặc biệt là Mỹ hiểu rõ chiến tranh VN hơn. Trước đây, bộ máy tuyên truyền đồ sộ của Mỹ khiến đa phần người dân nước họ tin tưởng vào chính sách của quốc hội, tổng thống. Hiện tượng phản chiến còn xa lạ. Từ Mậu Thân, qua truyền hình họ biết mình bị lừa dối, thì đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược VN lên rất cao. Có tới 20 cuộc tự thiêu mà người đầu tiên là Morison. Sau đó là phong trào đốt thẻ quân dịch xảy ra phổ biến trong thanh niên Mỹ. Thậm chí có người sau này lên làm tổng thống như Bill Clinton cũng từng đốt thẻ quân dịch. Lần đầu tiên có 20 vạn người dân Mỹ mít tinh tuần hành phản đối chiến tranh.
Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ Mậu Thân 1968?
Bài học lớn nhất là đánh giá thực tiễn tình hình ở cấp lãnh đạo cao nhất từ T.Ư đến địa phương phải chính xác. Khi đánh Mậu Thân, không nổi dậy được ở đô thị là thế. Chúng ta sử dụng biệt động đánh đòn hiểm nhưng họ chỉ có vũ khí bộ binh. Nhiệm vụ của họ là đánh trận đầu rồi bộ đội chủ lực áp vào. Nhưng bộ đội không qua được 3 vành đai bảo vệ Sài Gòn.
Lâu nay, Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng, ở Mậu Thân thì VN thắng về chính trị nhưng thua về quân sự. Có người nói mỉa mai là VN thắng ở Washington DC nhưng thua ở miền Nam VN. Tuy nhiên, sự thật là nội bộ Mỹ rối tung, rối mù và VN giành được chiến thắng trong nội bộ nước Mỹ.
Nói thế để thấy trong chiến tranh, nhiều khi cũng không nói được thiệt hại, để phân biệt bên thắng, bên thua. Có thời điểm có chiến dịch bên này có thể thiệt hại hơn, nhưng quan trọng là cái đích đặt ra có đạt được hay không. Đạt được là chiến thắng. Chúng ta đã đạt được việc tạo bước ngoặt cho chiến tranh với Mậu Thân, hướng tới việc đánh đuổi Mỹ khỏi VN.
Đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.