Dọn rác bằng cả sự nhiệt tình và hiểu biết

21/03/2019 20:48 GMT+7

Tình nguyện dọn rác nơi công cộng, theo các bạn trẻ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì ngoài sự nhiệt tình, mỗi bạn trẻ cần trang bị cho mình sự hiểu biết để công việc vừa an toàn, hiệu quả bền vững.

Theo chị Châu Ngọc Cẩm Vân, Phó bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, người có kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường, những chiếc kim tiêm nguy hiểm xuất hiện nhan nhản trong các bãi rác, do đó, khi dọn rác bạn trẻ cần phải có bảo hộ đúng cách và hết sức cẩn thận, không thể liều mạng xông vào.

Cẩn trọng với dọn rác trên kênh rạch

Chị Cẩm Vân nhấn mạnh, việc vớt rác trên kênh dễ mà rất khó. Hơn 10 năm tổ chức hoạt động tổng vệ sinh dọn dẹp rác, chị Vân và các tình nguyện viên chỉ dọn rác trên bờ và dọc bờ sông, kênh rạch, chưa bơi ra giữa sông vớt rác bao giờ.
“Khi làm công tác tổ chức, sự an toàn của người tham gia là điều quan trọng nhất. Và giao thông đường thủy thì phức tạp và nhiều rủi ro, không giống như đường bộ chúng ta cứ thấy đèn xanh thì chạy xe, đèn đỏ thì dừng lại. Nếu chúng ta đang chèo thuyền, có một cano nào vượt qua, khiến lật ghe, thuyền thì hậu quả ai gánh chịu? Theo quan điểm cá nhân tôi, nên để các đơn vị chuyên nghiệp vớt rác trên kênh, trên sông làm là phù hợp nhất, chúng ta hãy tiếp sức cho họ bằng cách ngăn chặn và nhắc nhở bất cứ ai thả rác xuống sông, cống rãnh và những khu vực gần kênh rạch. Dám nói, dám nhắc là điều dũng cảm và ý nghĩa nhất chúng ta có thể làm bất cứ lúc nào, khi thấy điều sai trái”, chị Vân góp ý.
Người dân địa phương cùng các tình nguyện viên tham gia dọn rác là một phương án hiệu quả để nơi đó sạch bền vững K.C
Theo chị Vân, giấy phép hữu hiệu nhất cho các buổi dọn rác chính là sự phối hợp: “Nếu dọn rác nhỏ lẻ thì bạn có thể cùng bắt tay nhau làm, nhưng nếu quy mô lớn hơn, giải pháp dễ nhất là tìm một đơn vị ở địa phương, hay đơn vị có liên quan để cùng phối hợp. Khi đó, đơn vị này cùng triển khai, tháo gỡ khó khăn, kết hợp nguồn lực, giám sát sau khi bàn giao hiện trường, tiện cả đôi đường”.

Dọn rác xong bỏ đi đâu?


Chị Bùi Thị Thủy, CEO của Green & Book Ambassadors; sáng lập dự án Thử thách dọn rác mỗi ngày cho hay, nếu tại những địa phương có người thu gom rác, chị và các tình nguyện viên sẽ để rác tại nơi tập kết, có phân loại sẵn các loại chai lọ để người thu mua phế liệu dễ lấy. Nếu ở vùng chưa có người thu gom rác, sẽ kết hợp với đoàn thanh niên tại xã để thuê xe hoặc dùng xe máy chở rác tới bãi rác trong xã. “Nếu bạn có thể đến tận nhà máy xử lý rác, xin phép, tìm hiểu, cho tặng đồ tái chế, biết đâu bạn lại nảy sinh ý tưởng mới, cũng như dự định hợp tác lâu dài, hoặc đơn thuần truyền cảm hứng cho người gặp bạn”, chị Thủy nói.
Kinh nghiệm của chị Thủy là mua găng tay vải dùng nhiều lần, mua hoặc xin bao tải cũ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, khi mua hãy chia sẻ rằng mình đang đi thu gom rác, có thể sẽ được tặng miễn phí.
Chị Cẩm Vân cho rằng các bạn trẻ nên xin hoặc tái sử dụng những bao tải cũ để đi gom rác, tránh tình trạng đi mua túi ni lông mới hay bao tải mới, rất lãng phí, phát sinh thêm rác. Đồng thời, các tình nguyện viên nên lưu ý về những bao rác sau khi thu gom xong, cần phải để đúng vị trí tập kết rác để nhân viên dọn rác mang đi. Tuy nhiên, vì phát sinh số lượng rác lớn hơn ngày thường, họ sẽ phải thu dọn lâu hơn, vất vả hơn, các bạn trẻ có thể gửi thêm một ít tiền gọi là cảm ơn công sức mọi người cùng chung tay.
Các bạn trẻ dọn rác trên bãi biển Hội An (Quảng Nam)  Diễm Thi
Chị Giang Thị Kim Yến, 35 tuổi, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, tình nguyện viên nhặt rác đưa ra kinh nghiệm của mình, đó là trước mỗi sự kiện nhặt rác ở mỗi địa phương, sẽ có thành viên là “đại sứ”, người này sẽ chọn địa điểm, tạo sự kiện trên Facebook để mời các bạn trẻ là người nước ngoài, học sinh sinh viên, các bạn đoàn viên thanh niên nơi đó cùng tham gia, nếu tập trung đông người sẽ cử người xin phép UBND cấp phường/xã, quận... Sau đó, “đại sứ” này cũng cần tìm chỗ tập kết rác trước giờ nhặt rác khoảng 30 phút. Nơi tập kết rác không phải nơi người dân đang sinh hoạt, buôn bán. Để chủ động, tiết kiệm thời gian cho buổi nhặt rác, các bạn trẻ nên chuẩn bị trang phục, dụng cụ, bao tải đựng rác trước 2 ngày.
“Để tái sử dụng và tiết kiệm, chúng tôi thường đi xin bao tải đựng rác ở các tiệm bán nước đá, tiệm xi măng, tiệm bán gạo, nếu không có, chúng tôi thường mua bao tải cũ ở các cửa hàng bán dụng cụ đồ nghề đánh cá hay bán dây thừng, bạt, bao tải. Với các loại bao cũ chỉ từ 3 đến 5.000 đồng/cái. Với bao tay, các bạn nên mua loại bằng vải dùng nhiều lần, 5.000 đồng/đôi để tiết kiệm chi phí...”, chị Yến nói.
Chị Kim Yến đưa ra lời khuyên với các tình nguyện viên dọn rác, vì đi tới nơi đông người nên không mang theo tư trang, giấy tờ quan trọng hay nhiều tiền, tốt nhất nên mang theo túi đeo phía trước người. “Các bạn trẻ nên tự mang theo nước uống bằng bình của mình, tránh tiêu thụ thêm chai nhựa khi mua, vì một chai nhựa mất hơn 450 năm mới phân hủy...”.

Làm gì để những nơi được dọn rác sẽ sạch bền vững?

“Chuyện dọn sạch rác và sau đó bị tái ô nhiễm rất đau đầu, nên kinh nghiệm của chúng tôi là khi huy động lực lượng làm tổng vệ sinh, luôn đặt ra yêu cầu với đơn vị phụ trách địa phương là phải có sự tham gia và đồng tình của người dân ở ngay tại đó, xung quanh đó. Khi họ tham gia dọn thì họ sẽ ý thức hơn, và người dân ở xung quanh đó chứ không ai khác là người giám sát, thay đổi và giữ gìn thành quả sau khi dọn xong...”, chị Châu Ngọc Cẩm Vân nói.
Chị Giang Thị Kim Cúc, 31 tuổi, kinh doanh bất động sản và set up quán cà phê tại TP.HCM, tình nguyện viên nhặt rác với nhiều chiến dịch tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cho hay có thể vẽ tranh, trồng hoa... quanh nơi vừa dọn để mọi người thấy sạch đẹp và không tiếp tục làm bẩn.
Chị Đặng Diễm, Giám đốc Công ty du lịch DISAHA TRAVEL (36 Trần Cao Vân, thành phố Hội An, Quảng Nam), cho hay, chị thường xuyên tham gia nhặt rác và cũng mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp làm du lịch tại Quảng Nam và nhiều địa phương. Theo chị, khi việc làm tốt được lan tỏa, sẽ giúp cho phong trào nhặt rác được hưởng ứng mạnh mẽ.
"Tôi kêu gọi mọi người hạn chế dùng ống hút nhựa một lần, kêu gọi các nhà hàng biển cùng tham gia nhặt rác, hạn chế túi ni lông. Rất may mắn, ở Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, là nơi nói không với túi ni lông. Hội An cũng hiện có rất nhiều nhà hàng nói không với túi ni lông", chị Diễm nói.
Nhặt rác cũng cần sáng tạo
Chị Bùi Thị Thủy, người sáng lập dự án Thử thách dọn rác mỗi ngày, cho hay để có được nhiều hơn tình nguyện viên nhặt rác, đầu tiên, các bạn lên ý tưởng, chọn ngày, viết lên một bản kế hoạch ngắn. Sau đó, cứ mạnh dạn đi chia sẻ với các cá nhân, tổ chức khác, hẹn gặp và nói chuyện, nhấn mạnh sự chân thành, trung thực, biết ơn tất cả mọi người hợp tác.
“Khi đi dọn rác, việc sáng tạo liên tục là điều rất cần thiết, nó cũng giống như bạn đang khởi nghiệp hay làm bất cứ dự án nào vậy. Hãy cải thiện liên tục, và luôn tin bản thân rằng bạn luôn cố gắng, trân trọng sự đóng góp của mọi người dù nhỏ nhất, làm việc nhóm đầy tâm huyết và tốt, kết nối tình bạn thực sự trong nhóm, xác định rằng không chỉ là làm tình nguyện xong rồi thôi. Nói thì dễ, làm thì khó, nhưng nếu chúng ta cố gắng và có cái nhìn toàn diện, tìm được những cố vấn (mentor) thì con đường chinh phục thử thách sẽ tuyệt vời hơn với mọi người”, chị Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.