Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết, từ 14 giờ hôm nay 5.9, đơn vị này đã vận hành mở cửa xả tràn hồ Núi Cốc để chủ động ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng của siêu bão số 3 (siêu bão Yagi), hạ dần mực nước trong hồ đón lũ, tạo dung tích phòng lũ.
Cụ thể, lúc 10 giờ ngày 5.9, mực nước hồ Núi Cốc ở cao trình +46,19 m. Bắt đầu từ 14 giờ, hồ Núi Cốc đã vận hành xả tràn với lưu lượng từ 30 - 150 m3/giây.
Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên cảnh báo, việc vận hành xả lũ qua tràn có khả năng ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân sản xuất, kinh doanh dọc hai bờ sông Công, gồm các xã, phường: Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức (TP.Thái Nguyên); Bình Sơn, Bá Xuyên, Châu Sơn, Thắng Lợi, Phố Cò, Mỏ Chè (TP.Sông Công); Minh Đức, Đắc Sơn, Vạn Phái, Nam Tiến, Trung Thành, Thuận Thành (TP.Phổ Yên).
Đơn vị này cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân phía hạ du từ sau tràn xả lũ hồ Núi Cốc có biện pháp phòng, tránh và chủ động trong sinh hoạt, hạn chế không hoạt động, sản xuất ở các bờ, bãi sát mép sông, đặc biệt lưu ý về an toàn giao thông khi mực nước sông Công có thể dâng cao.
Siêu bão số 3 (bão YAGI) mạnh cấp 16, sức gió giật trên cấp 17
Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên cũng đề nghị UBND các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên chỉ đạo UBND các xã có các ngầm, tràn qua sông Công phân công bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ tại các khu vực ngầm tràn, khu vực nguy hiểm, hướng dẫn người dân, cắm biển cảnh báo, rào chắn ở khu vực nguy hiểm.
Chính quyền các địa phương thông báo cho người dân những điểm có nguy cơ ngập úng để chủ động phòng tránh; không để người dân đánh bắt cá, tôm... ở hạ lưu tràn khi hồ Núi Cốc đang xả tràn.
Trước đó, ngày 3.9, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký ban hành công điện chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể; chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Các địa phương bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại địa phương mình.
Công điện nêu rõ, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và trước pháp luật nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
Bình luận (0)