Dồn sức cho Hà Nội dập dịch

03/02/2021 04:48 GMT+7

Làm việc với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc ông “rất quan tâm và hết sức quan ngại”, “rất lo lắng” với diễn biến dịch của Hà Nội , đồng thời khuyến cáo Hà Nội phải quyết liệt hơn, đặc biệt với việc cách ly, truy vết và xét nghiệm.

Tuy nhiên, hiện Hà Nội đang gặp phải vướng mắc chưa tháo gỡ được trong cả 2 nội dung này.

Hà Nội ghi nhận ca Covid-19 thứ 21, là công chứng viên ở Cầu Giấy

Coi F1 như trường hợp nghi nhiễm, cách ly nghiêm ngặt F2

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, qua giải trình tự gien và phân tích tình hình dịch tễ, vụ dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn với Đà Nẵng. Thứ nhất là tốc độ lây nhiễm rất cao. Thêm vào đó, bệnh cũng diễn biến khó lường hơn khi một số bệnh nhân rất trẻ nhưng đã có dấu hiệu chuyển nặng - là điều khiến Bộ Y tế “đang rất quan ngại”.

Chúng ta phải hành động rất quyết liệt, không phải quyết liệt là đủ, mà còn phải rất nhanh, nếu không vi rút sẽ lây nhanh hơn hành động của chúng ta

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Thứ hai, chu kỳ lây nhiễm trước đây khoảng 4 - 5 ngày, nhưng lần này chỉ 1 - 2 ngày, gần như là xóa chu kỳ lây nhiễm. Thứ ba là thời gian khởi phát rất nhanh. Trước đây dịch ủ bệnh 5 - 7 ngày, giờ đến ngày thứ 2 đã có dấu hiệu. Như vậy, nghĩa là khả năng nhân lên của vi rút và khả năng đào thải mầm bệnh là rất cao. “Trong mấy ngày (từ 27.1 đến 1.2) mà đã lên đến chu kỳ lây nhiễm thứ 4 rồi. Điều này phải hết sức quan tâm và cần quyết liệt hơn. Trước đây dịch lây theo kiểu từ người này sang người khác, nhưng bây giờ không như thế nữa. Trên một chuyến xe mà 10/11 người bị lây nhiễm. Hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây là 4 - 5, giờ lên tới 10, khả năng vượt 10. Chúng ta phải hành động rất quyết liệt, không phải quyết liệt là đủ, mà còn phải rất nhanh, nếu không vi rút sẽ lây nhanh hơn hành động của chúng ta”, Bộ trưởng Y tế nhìn nhận.

Sáng 3.2: Thêm 9 ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

Dồn sức cho Hà Nội dập dịch
Với tình hình trên, ông Long cho rằng Hà Nội phải hết sức tăng tốc, phải huy động tất cả các lực lượng và phải giao ban hằng ngày với tất cả các quận, huyện, các khu vực. Hai giải pháp chính ông Long khuyến nghị Hà Nội là phong tỏa và xét nghiệm đều phải làm ở mức cao hơn.
Theo ông Long, khi phát hiện ca bệnh, Hà Nội phải phong tỏa một mức độ nhất định (tùy vào điều tra dịch tễ), lấy mẫu toàn bộ xét nghiệm, có kết quả âm tính mới dỡ bỏ phong tỏa hoặc phong tỏa hẹp hơn. Như với xã Tiến Thắng (H.Mê Linh) có khoảng 12.000 dân, P.Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm) có khoảng 14.000 dân, khu vực H.Đông Anh có 22.000 dân, phải lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức. Như vậy mới chặn được dịch.
Ngoài việc đưa tất cả F1 đi cách ly tập trung, ông Long khuyến cáo Hà Nội phải coi F1 là các trường hợp nghi nhiễm. Khi truy vết F1, phải truy ngay F2 và coi F2 đó gần như F1, thì mới đẩy nhanh tốc độ lên, mới ngăn chặn được dịch. F2 có thể cách ly tại nhà, nhưng là “cách ly nghiêm ngặt”, chứ không phải cách ly theo khuyến cáo.

Hà Nội đóng cửa quán game, tiệm net phòng dịch Covid-19 từ ngày 2.2

Bác thông tin sân bay Nội Bài đóng cửa vì Covid-19

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng về việc sân bay Nội Bài phải đóng cửa vì Covid-19, chiều qua (2.2), Cục Hàng không VN cho biết sân bay Nội Bài vẫn đang khai thác bình thường, ổn định, không có chuyện đóng cửa. Các cán bộ, nhân viên tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên; trường hợp xảy ra nguy cơ, bố trí phương án phối hợp với cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm kịp thời, đầy đủ.    
Mai Hà
Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị Hà Nội khuyến cáo mạnh hơn, bắt buộc phải đeo khẩu trang với người dân toàn TP, hạn chế tụ tập đông người, khuyến cáo người dân hạn chế về Hà Nội và từ Hà Nội đi nơi khác, bởi hiện nay vi rút đã có thể lây qua không khí. “Đề nghị các đồng chí cân nhắc cho mấy quận huyện phải áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng, giãn cách mức độ nhẹ hơn, nhưng không thể không thực hiện giãn cách, không nên chờ chỉ đạo. Nếu không, chúng ta có thể không chặn được tốc độ lây nhiễm”, ông Long nói.

“T.Ư sẽ dành công suất xét nghiệm cho Hà Nội”

Tuy khuyến cáo như vậy, nhưng hiện cả cách ly và xét nghiệm Hà Nội đều đang gặp khó khăn. Từ 28.1, khi dịch bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã nêu việc toàn TP chỉ có Bệnh viện Công an TP thực hiện việc cách ly dân sự với F1 với 88 chỗ, nhưng gần như đã đầy ngay trong ngày đầu tiên. Sở đề nghị TP cho triển khai các cơ sở cách ly dân sự khác, đề phòng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Tuy nhiên, cho đến hôm 2.2, Hà Nội cũng chưa triển khai được thêm cơ sở cách ly dân sự nào.

Người Hà Nội sáng đi làm, chiều về thấy quê nhà bị phong tỏa vì Covid-19

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo mua vắc xin phòng dịch cho toàn dân thủ đô

Chiều 2.2, Thường trực Thành ủy Hà Nội có buổi làm việc về phòng chống dịch bệnh. Cho rằng một số nơi cấp ủy, chính quyền triển khai chưa đủ nhanh, chưa đủ quyết liệt, cá biệt có nơi còn chủ quan, chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm của chủng vi rút mới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã yêu cầu chính quyền Hà Nội phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Các khuyến cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đều được ông Huệ yêu cầu thực hiện, bao gồm truy vết nhanh hơn, khoanh vùng rộng hơn, có thể thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, thực hiện xét nghiệm phạm vi rộng hơn, bao gồm F1, F2, người đi về từ vùng dịch, người nghi ngờ có rủi ro cao, y bác sĩ, nhất là các nơi tiếp xúc F0, F1. Ông Huệ cũng yêu cầu thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và Cảng vụ hàng không miền Bắc để xét nghiệm cho toàn bộ 3.200 người cụm cảng hàng không Nội Bài.
Ông Huệ yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP và tư lệnh các ngành, quận, huyện... “chủ động ra quyết định, không phải chờ cấp trên”; cần thiết lập ngay khu cách ly Tứ Hiệp, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội và nghiên cứu đến khả năng chuẩn bị Bệnh viện Bắc Thăng Long, bệnh viện dã chiến... “Phấn đấu trước 23 tháng chạp phải rà soát, xét nghiệm và có kết quả toàn bộ F1, kể cả người đi về từ vùng dịch, sớm mở rộng xét nghiệm các trường hợp F2 và nhân viên sân bay Nội Bài”, ông Huệ nhấn mạnh, đồng thời giao UBND TP làm việc với Bộ Y tế và báo cáo Chính phủ về mua vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân thủ đô, ưu tiên cho những người có rủi ro cao.
Tại cuộc giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 1.2, lãnh đạo nhiều quận, huyện đã kêu khó trong việc đưa các F1 đi cách ly tập trung và việc được trả kết quả xét nghiệm chậm. Lãnh đạo Q.Nam Từ Liêm cho biết quận có 29 trường hợp đã xác định là F1 mà chưa được chuyển đến cách ly vì hết chỗ. Lãnh đạo H.Mê Linh cũng đề nghị bố trí sớm địa điểm để đưa F1 đi cách ly được kịp thời.
Về kết quả xét nghiệm, cả H.Mê Linh, Q.Hai Bà Trưng, H.Thạch Thất... đều đề nghị CDC Hà Nội trả kết quả sớm hơn, để giải phóng tâm lý cho các F1, cũng như để địa phương có biện pháp ứng phó phù hợp. H.Mê Linh đề nghị cho xét nghiệm toàn bộ người dân ở 4 khu vực liên quan đến thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, để phát hiện kịp thời các trường hợp dương tính; nhưng chưa được Hà Nội đáp ứng.
Về xét nghiệm, sau khi làm việc với Hà Nội, Bộ Y tế đã hứa “T.Ư sẽ dành công suất xét nghiệm cho Hà Nội”, không chỉ 40.000 mẫu, mà cứ lấy được bao nhiêu mẫu, phân bổ về các cơ sở, thì các cơ sở do Bộ Y tế quản lý như Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư... sẽ hỗ trợ xử lý. Tuy nhiên, việc điều phối mẫu là rất quan trọng, để quay vòng được nhanh, thì phải do Hà Nội thực hiện.

Bộ trưởng Y tế 'đề nghị Hà Nội triển khai ngay bệnh viện dã chiến'

Bên cạnh việc giao cho Bệnh viện Bạch Mai giúp Hà Nội triển khai bệnh viện dã chiến, lần đầu tiên kể từ khi dịch xuất hiện ở Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phải đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn “hằng ngày ghé qua sở chỉ huy của Hà Nội”, chỉ định thêm một số cán bộ “nằm ngay ở đấy” để giúp Hà Nội phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Y tế cũng khuyến cáo Hà Nội nên có hợp tác với tư nhân để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm như Hải Dương. “Hà Nội phải làm được 100.000 mẫu một ngày thì chống dịch mới nhanh được. Chúng ta phải thừa nhận, dịch hoàn toàn khác với lần trước, khác hẳn với Đà Nẵng. Đà Nẵng chúng tôi rất tự tin nhưng lần này chúng tôi rất quan ngại”, Bộ trưởng Y tế nói và bày tỏ mong mỏi cùng với Hà Nội nỗ lực sẽ bảo vệ được thủ đô an lành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.