Long Kiểng thông xe cầu rộng mở - Nhà Bè rộng lối sáng tương lai
Đây là 2 câu thơ được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - Chủ đầu tư), "tức cảnh sinh tình" sau bài phát biểu nhiều cảm xúc tại buổi lễ thông xe cầu Long Kiểng sáng qua 8.9. Cây cầu nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 với tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng nhưng do kẹt mặt bằng nên suốt 10 năm sau đó vẫn chưa thể khởi công.
Phải đến tháng 8.2018, cầu Long Kiểng mới chính thức được đặt những viên gạch đầu tiên, trên cơ sở tiếp nhận mặt bằng giai đoạn 1 từ UBND H.Nhà Bè. Tuy nhiên, đến 20.12.2019, công trình lại phải "treo cẩu" khi mới xây xong vài mố trụ. Hai thập niên công trình đình trệ cũng là ngần ấy thời gian người dân phải di chuyển qua cây cầu sắt cũ nhỏ hẹp, xuống cấp, thường xuyên ùn tắc vào giờ tan tầm và tiềm ẩn rủi ro tai nạn.
Điểm lại từng cột mốc trong quá trình thực hiện dự án, ông Lương Minh Phúc chia sẻ: "Đã có hơn 30 cuộc họp giữa lãnh đạo TP, HĐND, các sở, ngành, chủ đầu tư với địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Riêng đồng chí Chủ tịch HĐND TP đã 4 lần trực tiếp kiểm tra, giám sát, thăm hỏi người dân và động viên các đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án. Ngày 8.9.2022, cách đây đúng 1 năm, cũng tại đây đã diễn ra lễ bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để tiếp tục triển khai dự án với mục tiêu quyết tâm hoàn thành cầu Long Kiểng trong thời gian sớm nhất. Lời hứa xây dựng cầu Long Kiểng đã được hoàn thành và chúng tôi coi đây như một món quà để gửi tặng, tri ân bà con H.Nhà Bè đã cùng ủng hộ, sát cánh vì thành công của dự án".
Cụ già U.90 thỏa lòng sau hơn 20 năm chờ cầu Long Kiểng thông xe
Trước khi tham dự lễ khánh thành, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã tới tận nhà thăm cụ bà Lâm Thị Nga (86 tuổi, nhà ở ngay chân cầu), người mà bà Lệ từng gặp cách đây gần 3 năm khi đi khảo sát công trình. Khi đó, cụ Lâm Thị Nga tâm sự chỉ mong được sống đến ngày hoàn thành cầu Long Kiểng.
"Đến giờ phút này, tôi vẫn nhớ mãi lời chia sẻ của má Lâm Thị Nga. Lúc cầu được thông qua, má mới ngoài 60 tuổi, nay đã gần 90 tuổi - cái tuổi xưa nay hiếm. Sáng nay, khi tôi tới thăm má, má nói cầu hoàn thành đã giúp người dân được thuận lợi trong sinh hoạt, các cháu học sinh đến trường dễ hơn và không còn nơm nớp lo sợ khi đi qua cầu cũ. Má Nga cũng mong ước Đảng và nhà nước tiếp tục xây dựng nhiều cây cầu ý nghĩa như vậy", Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ kể lại và khẳng định sự kiện thông xe cầu Long Kiểng là niềm vui, niềm hạnh phúc của tất cả người dân Nhà Bè.
Tăng tốc loạt công trình trọng điểm
Cầu Long Kiểng thông xe không chỉ giải phóng một công trình "đắp chiếu" mà còn phần nào hỗ trợ hạ nhiệt cho giao thông khu vực phía nam TP.HCM. Mật độ dân cư tăng chóng mặt trong khi hạ tầng ì ạch, chỉ 1 - 2 cây cầu, tuyến đường gánh lượng xe "khổng lồ" mỗi ngày đã bóp nghẹt giao thông khu vực phía nam. Từ chỗ được mệnh danh là "khu nhà giàu", khu Nam dần trở thành nỗi ám ảnh của người dân bởi nỗi khổ mang tên kẹt xe. Không chỉ trục huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ (nối Q.7, H.Nhà Bè với Q.4) hằng ngày chứng kiến hình ảnh dòng xe chôn chân kéo dài hàng ki lô mét, xe máy, ô tô, xe tải chen nhau hỗn loạn nhích từng chút qua từng ngã tư mà 2 trục đường chính còn lại nối với trung tâm TP gồm Nguyễn Tất Thành - Huỳnh Tấn Phát và Phạm Hùng cũng đã quá tải trầm trọng.
Tháng 4.2020, công trình nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hơn 830 tỉ đồng chính thức khởi công, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023 được kỳ vọng xóa ùn tắc khu vực này. Thế nhưng, quá trình thi công ì ạch, chậm trễ lại khiến dự án trở thành "thủ phạm" gây kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.
Ngày đêm mong ngóng ngày cầu Long Kiểng gần 600 tỉ ở Nhà Bè
Ông Lương Minh Phúc thông tin dự án đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng tốc, đồng loạt thi công nên các đơn vị sẽ tổ chức giao thông trên diện rộng và chiếm dụng thêm một phần của nút giao. "Phương án chiếm dụng song song 2 hầm chắc chắn sẽ gây ra ùn tắc giao thông ở khu vực này. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông theo dõi, điều chỉnh, phân luồng để tránh tối đa mức tác động tới đời sống của bà con. Chúng tôi cũng mong bà con thông cảm vì phương án thi công song song đồng loạt nhằm mục tiêu lớn nhất là sớm đưa dự án hoàn thành phục vụ bà con", ông nói.
Cũng theo ông Phúc, thời gian qua, TP.HCM đã mời gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm nhằm giải quyết giao thông vùng lõi địa phương như xây dựng mới cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương, mở rộng đường Lê Văn Lương… Đồng thời tái khởi động cầu Phước Long, tăng tốc đưa cầu Rạch Đỉa sớm về đích. Song song, tăng sự kết nối khu vực Q.7, H.Nhà Bè với trung tâm TP, với Cần Giờ, cũng như nghiên cứu mở hướng liên kết từ khu Nam đi các tỉnh Long An, Đồng Nai.
Cụ thể, Nghị quyết 98 đã mở hành lang pháp lý để TP.HCM có cơ chế thực hiện sớm được trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm), mở rộng cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và H.Bình Chánh), cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… Các dự án đang ở bước trình chủ trương đầu tư và tiến hành các thủ tục kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất với TP.HCM phương án xây cầu Phú Mỹ 2 nối H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua Q.7 (TP.HCM) và tỉnh Long An cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch giữa hai địa phương sao cho phù hợp và tăng sự kết nối. Đây cũng là một trong những đầu mối giao thông trọng điểm mà TP.HCM và tỉnh Long An đã ký kết để sớm triển khai và xây dựng.
"Sau khi các dự án hoàn thành, giao thông đô thị khu Nam TP.HCM chắc chắn sẽ lột xác. Đây đều là các dự án lớn, trọng điểm, góp phần tăng năng lực thông hành nội đô, cũng như tăng sự kết nối liên vùng giữa TP.HCM với các địa phương lân cận", ông Lương Minh Phúc nhận định.
Nhân rộng mô hình triển khai dự án cầu Long Kiểng
Từ kết quả thành công trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và hoàn thành dự án xây dựng cầu Long Kiểng, chúng ta có thể rút ra 4 bài học lớn cũng chính là 4 yếu tố quyết định thành công, đó là: Sự quyết tâm, quyết liệt, kiên trì, chi tiết và cụ thể của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là vai trò của Ban Chỉ đạo, Ban Bồi thường GPMB cùng sự kiên trì, vượt khó, tôn trọng lắng nghe ý kiến người dân; Sự chủ động, phối hợp, đeo bám, đồng hành của chủ đầu tư với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành, UBND, HĐND TP trong suốt quá trình bồi thường GPMB; Sự quan tâm hỗ trợ, kiểm tra, giám sát của HĐND TP, hướng dẫn chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của UBND TP, các sở ngành, các tổ công tác đặc biệt…
Và cuối cùng cũng là điều kiện quan trọng nhất, đó là sự chia sẻ, đồng hành, đồng thuận của bà con. Chúng tôi mong những bài học thành công từ công trình xây dựng cầu Long Kiểng sẽ được nhân rộng đến các địa phương trên toàn TP, để trong thời gian tới, Ban Giao thông sẽ tiếp tục được bàn giao mặt bằng và thi công, hoàn thành nhiều công trình đang phải dừng thi công để chờ mặt bằng như các cầu: Ông Nhiêu, Tăng Long ở Thủ Đức, cầu Bà Hom ở Bình Tân…; các tuyến đường như Tân Kỳ Tân Quý, Lương Định Của, Dương Quảng Hàm, tỉnh lộ 8… và một số công trình giao thông khác.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM
Bình luận (0)