Ngày 2.7, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam đã sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh nhờ đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, được sự ủng hộ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân. “Đây là thành công rất lớn của chế độ ta”, Thủ tướng nói.
|
Không để “làn sóng covid-19 thứ 2” vào Việt Nam
Thủ tướng nhấn mạnh ảnh hưởng của Covid-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý 2. Tháng 6, chúng ta chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua, tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế.
Kịp thời tháo “nút thắt” giải phóng mặt bằng
Khẳng định cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã” gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Thủ tướng yêu cầu phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “ba con ngựa kéo” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý vấn đề giải ngân vốn đầu tư vì tới nay giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, kết quả giải ngân mới đạt 33%, giải ngân vốn ODA rất thấp, chỉ 10%.
Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KT-XH hậu Covid-19Đề xuất giải pháp phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng làm trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng có đề xuất tương tự là thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KT-XH hậu Covid-19 để phát triển, phục hồi kinh tế có hiệu quả hơn như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.Ủng hộ đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng việc có một ban chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng đứng đầu sẽ thống nhất hành động, phối hợp của cả hệ thống, đồng thời kết nối được hoạt động chống dịch với hoạt động khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo này có thể thông qua các đề án, giải pháp phát huy hiệu quả các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế.
Về đề xuất thành lập Ban chỉ đạo, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ thảo luận thêm ngay sau phiên họp của Thường trực Chính phủ sau hội nghị.
|
“Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi vì cơ chế trước đây là phải trình Quốc hội, nay Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ điều hành vấn đề này”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh Chính phủ sẽ coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, ngành, địa phương; không để tình trạng sau hội nghị về thì tình trạng trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư tiếp tục tái diễn.
|
Có thể nâng trần nợ công thêm 2 - 3%
Một giải pháp cũng được Thủ tướng nhấn mạnh là vận dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo Thủ tướng, khác với các nước, dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam khá lớn. Vấn đề là cần có chủ trương điều hành linh hoạt để kích thích tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát miễn giảm tất cả loại phí, lệ phí liên quan dịch vụ công. Ông cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ theo quy định, trong đó có việc vay từ các tổ chức quốc tế, phát hành trái phiếu chính phủ, các nguồn hợp pháp khác, kể cả dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết.
Thủ tướng phân tích các nước bình quân chi ra cho gói tài khóa này là 10% GDP, với GDP của Việt Nam khoảng 300 tỉ USD thì gói này phải vào khoảng 30 tỉ USD, nhưng chúng ta mới chi hơn 14.000 tỉ đồng. Do đó, Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế để có nguồn kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết. “Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%, nợ công có thể nâng lên 2 - 3% nữa để chính sách tài khóa rõ nét hơn. Từ mức nợ công 64,8% GDP trước đây, chúng ta đã giảm còn 57% nay ta tăng thêm 2% là 59% GDP, thì quản lý nợ công chưa phải vấn đề lúc khó khăn này”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tạm dừng, miễn đóng BHXH. Công đoàn xem xét miễn giảm 2% phí công đoàn trong năm nay hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Kích thích tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội xuất khẩu
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Ông dẫn chứng, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước thì vừa qua số xe bán ra những ngày vừa qua tăng 30 - 40%. “Chúng ta kích thích thị trường trong nước với giải pháp cụ thể, nếu không thì mất thị trường trong nước”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết. “Phải tháo gỡ vướng mắc bất cập, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh, không để quy trình, thủ tục gây khó doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông nói và lưu ý các ngành, địa phương không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu năm 2020.
Cắt giảm thủ tục hành chính, phát triển kinh tế ban đêm...
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp và đề nghị các bộ, ngành địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần cơ chế khuyến khích nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội, bất động sản, tạo điều kiện cho người dân làm nhà ở. “Nếu địa phương nào biết chỉ đạo, đó không chỉ là nguồn giải quyết đời sống mà còn góp phần tăng trưởng. Có địa phương cả năm không có dự án nào khởi công trong khi nhu cầu rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị triển khai các biện pháp thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư nhân lực, nguồn lực vốn FDI, phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. “Nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... nếu không tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và những điều kiện thu hút khác. Cho nên các đồng chí tập trung bàn giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư kể cả trong nước và quốc tế vào Việt Nam”, Thủ tướng lưu ý.
Bình luận (0)