Dự kiến đón tàu metro từ đầu năm nhưng lịch tàu cập bến liên tục phải lùi lại do đại dịch Covid-19. Sau rất nhiều nỗ lực của các đơn vị, sáng qua (8.10), đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức cập cảng TP.HCM.
Tàu về
Những ngày đầu tháng 9, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) liên tục cập nhật hình ảnh lãnh đạo ban trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị đón tàu metro tại depot Long Bình, Q.9. Thông tin đoàn tàu metro đầu tiên sẽ về tới TP.HCM vào đầu tháng 10 nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả báo giới và người dân TP bởi sau 14 năm lận đận nay mới thấy hình hài con tàu. Vì thế, mỗi bước tiến, mỗi hạng mục của tuyến metro số 1 đều mang đến sự háo hức cho toàn TP.
|
Thực ra, đoàn tàu đã được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của nhà thầu Hitachi thực hiện các công đoạn kiểm tra kỹ thuật lần cuối cùng tại Nhật Bản trước khi vận chuyển về Việt Nam từ đầu tháng 4. Theo dự kiến ban đầu, vào quý 2, hệ thống đầu máy, toa xe sẽ về tới TP.HCM và thời gian vận hành chạy thử đoạn Bình Thái - depot Long Bình sẽ tiến hành ngay sau đó vào tháng 8. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hệ thống tàu metro và các chuyên gia nước ngoài không thể về Việt Nam đúng hẹn, khiến tiến độ chạy thử tàu phải lùi lại.
Lịch tàu cập bến được thông báo là 8 giờ nhưng chưa tới 7 giờ sáng, rất nhiều phóng viên báo đài đã có mặt tại cảng Khánh Hội (Q.4) làm thủ tục “check in” vào trong chờ tàu. Khoảng 30 công nhân cùng đội ngũ kỹ sư và hơn 10 chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại cảng từ rất sớm để kiểm tra, chuẩn bị công tác tháo dỡ. Các đoàn xe siêu trường siêu trọng của Công ty Gemadept Logistics - đơn vị được giao vận chuyển đoàn tàu về khu vực depot Long Bình - cũng được điều động đầy đủ.
Đúng 8 giờ, con tàu Bayani dài 120 m lừng lững xuất hiện, phía trước là tàu lai dắt. Hàng trăm ống kính máy ảnh, điện thoại hướng về phía con tàu. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc cảng Sài Gòn, cho biết tàu này có quốc tịch Philippines, xuất phát từ cảng tại Nhật Bản chở theo 620 tấn hàng thiết bị gồm 75 kiện, trong đó có 3 toa tàu của dự án metro số 1. Tàu được lai dắt đón ở gần cầu Phú Mỹ, chạy dọc theo luồng sông Lòng Tàu gần 15 km để về tới cảng Khánh Hội.
Việc neo đậu nhanh chóng được tiến hành. Các công nhân, kỹ sư lập tức chuẩn bị “đồ nghề” sẵn sàng bốc dỡ. Ngáng chuyên dụng, cần cẩu tàu “khổng lồ”… đã vào sẵn vị trí. Kiện hàng đầu tiên được dỡ xuống là những cuộn dây cáp cỡ lớn. “Đến dây cáp dỡ tàu cũng phải đi theo nguyên đai nguyên kiện từ bên Nhật qua. Kỹ thật!”, mọi người tấm tắc.
Dù đã được thông báo trước là công tác dỡ hàng sẽ diễn ra trong khoảng 6 giờ đồng hồ, nhưng khâu chuẩn bị được thực hiện vô cùng kỹ lưỡng. Gần 2 giờ đồng hồ trôi qua, toa tàu metro vẫn chưa được bốc lên khỏi boong tàu. Giữa cái nắng chói chang của trời Sài Gòn vào giờ trưa, các kỹ sư, công nhân vẫn luôn tay, luôn chân chạy lên, chạy xuống trong sự háo hức đến sốt ruột của mọi người. Gần 11 giờ, chiếc cần cẩu bắt đầu nhúc nhích, kéo lên toa tàu màu xanh hy vọng. Những tiếng ồ à hân hoan xen lẫn những nụ cười. Từ lãnh đạo cảng Sài Gòn, bộ đội biên phòng, công nhân viên và các phóng viên... ai cũng lấy máy ảnh “tự sướng” với toa tàu đầu tiên của tuyến metro. Chiếc cần cẩu từ từ hạ toa tàu xuống khung xe kéo đã cố định trên cảng, phía dưới là rất nhiều kỹ sư cân chỉnh, điều chỉnh cho tàu vào đúng vị trí. Toa tàu đầu tiên đã yên vị trên xe kéo khi đồng hồ gần điểm 11 giờ 30 phút.
Lăn bánh trong năm sau
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành bốc dỡ từ tàu xuống cảng, MAUR sẽ tiến hành các thủ tục liên quan việc kiểm tra, thông quan tại cảng. Dự kiến đêm nay (9.10), đoàn tàu sẽ xuất phát từ cảng Khánh Hội, di chuyển về khu vực depot (Q.9). Về đến depot, các đơn vị tiếp tục nâng hạ đoàn tàu vào vị trí đường ray để phục vụ công tác chạy thử và kỹ thuật thử nghiệm.
Có mặt tại cảng Khánh Hội, ông Hoàng Mai Tùng, kỹ sư điều phối dự án tuyến metro số 1, cho biết: Hiện nay, MAUR đang phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị TP.HCM, đơn vị tư vấn chung NJPT và Trường cao đẳng Đường sắt tiến hành đào tạo các nhân sự lái tàu, vận hành tàu để phục vụ công tác lái tàu trong tương lai cũng như tiến hành chạy thử trong thời gian sắp tới.
Công tác tiến hành thử nghiệm sẽ do nhà thầu chính Hitachi cùng một số nhân sự của ban thực hiện. Dự kiến từ nay đến cuối năm, MAUR sẽ thực hiện công tác vận hành thử đoàn tàu trong khu vực depot.
Trong đó có 2 nhiệm vụ chính: Chạy thử đoàn tàu, và kiểm tra, thử nghiệm 11 hệ thống hỗ trợ cho việc chạy tàu tại khu vực depot. 11 hệ thống hỗ trợ gồm hệ thống thông tin tín hiệu, các thiết bị ven đường, hệ thống cấp điện, cửa chắn ke ga, hệ thống điều khiển tàu tự động, hệ thống bảo vệ đoàn tàu và điều khiển tàu từ xa... Sau khi thử nghiệm trong depot, các đơn vị sẽ xem xét kết quả thử nghiệm, nghiệm thu, đánh giá rồi mới tiến hành thử nghiệm trên chính tuyến và trong đường hầm, dự kiến vào năm sau.
“Toàn tuyến metro số 1 có 51 toa tàu, được nhập về theo 17 đoàn tàu, mỗi tàu 3 toa. Theo kế hoạch, sau khi công tác kiểm tra, đánh giá nghiệm thu 3 toa đầu tiên, nhà thầu dự kiến sẽ trải dài nhập khẩu 48 toa tàu tiếp theo từ nay đến 2021 tùy theo tiến độ thi công dự án. Tới nửa đầu năm 2021, tương đối đầy đủ các toa tàu sẽ được nhập khẩu về để phục vụ công tác vận hành chạy thử cả trong depot và chính tuyến”, ông Tùng thông tin thêm.
Tuyến metro số 1 dài gần 20 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 46.300 tỉ đồng. Tuyến có tổng cộng 14 nhà ga (11 ga trên cao và 3 ga ngầm) bắt đầu từ depot Long Bình và kết thúc ở Bến Thành.
|
Bình luận (0)