Đón tết nóng - lạnh ở 2 miền Nam - Bắc

25/01/2022 06:26 GMT+7

Những ngày cận tết, Biển Đông có thể đón áp thấp nhiệt đới. Những ngày tết, rét đậm, rét hại xuất hiện ở khu vực Bắc bộ, trong khi miền Nam nắng nóng, riêng ĐBSCL đón đợt xâm nhập mặn cao.

Đó là những xu thế thời tiết thủy văn đáng chú ý trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần mà Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia mới công bố.

Băng giá có thể xuất hiện ở vùng núi cao trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần

Đậu Tiến Đạt

Vùng núi có thể có băng giá

Dự báo khoảng ngày 26 - 27.1, một vùng áp thấp trên vùng biển phía nam Philippines đi vào vùng biển phía đông của khu vực nam Biển Đông và có khả năng mạnh lên. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, “vùng áp thấp khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới hoạt động chủ yếu ở trên khu vực giữa Biển Đông, sau đó di chuyển lên bắc Biển Đông và tan dần trên biển, ít có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta”.

Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, vùng áp thấp khó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nhưng nó sẽ gây thời tiết xấu cho vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ. Vì vậy, ngư dân đánh bắt thủy sản chuyến cuối năm cần lưu ý đề phòng. Các tỉnh ven biển phía nam từ Bình Thuận - Cà Mau có thể có mưa giông.

Đáng chú ý, miền Bắc sẽ đón một đợt gió mùa đông bắc mạnh, gây rét đậm, rét hại ở vùng núi kéo dài liên tục trong những ngày tết. Đợt không khí lạnh này bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ nước ta từ đêm 28 rạng sáng 29.1 (nhằm ngày 26 - 27 tháng chạp). Bà Lan nhận định: Đợt không khí lạnh này sẽ thay đổi toàn bộ tình hình thời tiết cả nước hiện nay.

Cụ thể, từ đèo Hải Vân trở ra sẽ bị ảnh hưởng bởi rét đậm, còn các vùng núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Đồng Văn (Hà Giang) có thể xuất hiện băng giá, sương muối. Các khu vực còn lại thông thường các năm xuất hiện mưa phùn hay mưa xuân, nhưng năm nay có thể xuất hiện mưa giông là một hình thái thời tiết xấu kèm theo giông lốc, nên người dân cần chú ý.

Phía nam đèo Hải Vân, từ ngày 28 tết đợt không khí lạnh kéo giảm nhiệt độ Nam bộ từ se lạnh đến dịu mát. Đặc biệt, không khí đêm giao thừa ở các tỉnh phía nam rất dễ chịu, nhiệt độ thấp nhất vào sáng sớm khoảng từ 20 - 21 độ C, ban ngày cao nhất từ 32 - 33 độ C, thời tiết rất phù hợp cho các hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, khu vực Nam bộ lại đối mặt với một vấn đề khác là độ ẩm không khí thấp, vào ban ngày chỉ khoảng 35 - 40%. Điều này tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao vì đây là thời điểm người dân thường cúng bái và đốt vàng mã.

Đợt xâm nhập mặn cao ở ĐBSCL

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay mực nước các trạm trên sông Mê Kông biến đổi chậm, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,17 - 1,72 m. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang thấp hơn tháng 1.2021 nhưng đang có xu thế tăng dần và đạt độ mặn cao nhất vào những ngày cuối tháng, giáp Tết Nguyên đán. Chiều sâu ranh mặn 4‰ (độ mặn ảnh hưởng không tốt cho cây trồng) tại sông Tiền khoảng 15 - 20 km, sông Hậu khoảng 35 - 40 km; ranh mặn 1‰ tại sông Tiền là 20 - 25 km, sông Hậu là 40 - 45 km. Mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 1 - 2. Khuyến cáo các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi thủy triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh. Trong thời kỳ xu thế mặn tăng cao từ 30.1 - 4.2 (28 tháng chạp đến mùng 4 tết), các địa phương cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm nay cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ cuối tháng 1. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và tháng 3. Có thể xuất hiện các đợt mặn đáng chú ý: từ 13 - 17.2, từ 26.2 - 5.3 và từ 14 - 19.3. Trên các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn xâm nhập mặn cao vào tháng 3 và 4 với các đợt: từ 14 - 19.3, từ 28.3 - 3.4, từ 12 -17.4.

Khu vực Bắc bộ: 27 tết chuyển rét đậm, rét hại, thấp nhất 5 độ C

Từ ngày 24 - 27.1 (22 - 25 tháng chạp), đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, trưa chiều hửng nắng. Nhiệt độ cao nhất 22 - 26 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi trên 26 độ C; nhiệt độ thấp nhất 16 - 20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Từ ngày 28.1 - 2.2 (26 tháng chạp đến mùng 2 tết), có mưa, mưa rào và có nơi có giông. Từ ngày 29.1 (27 tết) trời chuyển rét và rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ cao nhất 15 - 20 độ C, nhiệt độ thấp nhất 11 - 15 độ C, vùng núi 7 - 10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C.

Ngày 3.2 (mùng 3 tết) ít mưa, trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ cao nhất 15 - 18 độ C, thấp nhất 12 - 15 độ C, vùng núi 8 - 11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 7 độ.

Từ ngày 4 - 6.2 (mùng 4 - mùng 6 tết), nhiệt độ có xu hướng tăng dần, thời tiết phổ biến ít mưa, trời rét, vùng núi rét đậm. Nhiệt độ cao nhất 17 - 20 độ C, thấp nhất 13 - 16 độ C, vùng núi 10 - 13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Khu vực Nam bộ từ 24.1 - 6.2 (22 tháng chạp đến mùng 6 tết) ít mưa, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất 30 - 33 độ C; thấp nhất 21 - 25 độ C.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.