Ngày 13.6, Quốc hội (QH) dành trọn 1 ngày để thảo luận tình hình KT-XH, ngân sách các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân.
Lùi tăng lương chỉ nên là giải pháp tình thế
Đồng tình với đề xuất chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1.7 để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiều ĐB cũng băn khoăn hiệu quả và tác động của chính sách này.
ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, đánh giá đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ vì đa số công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thực sự yên tâm về việc này.
“Lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua của người dân, thì việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Đồng thời, đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm sẽ bị giảm sút”, bà Xuân nói và cho rằng giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay là tiết kiệm chi tiêu, đầu tư công phải thật hiệu quả và chống lãng phí, thất thu, thất thoát trong mọi lĩnh vực.
Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chủ trương chưa tăng lương mặc dù còn băn khoăn nhưng sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, ông Thắng đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này, báo cáo rõ việc chưa tăng lương cơ sở sẽ kéo dài đến bao lâu và nguồn lực giành được là bao nhiêu, và sẽ sử dụng vào mục tiêu gì để ĐBQH cũng như người dân biết, chia sẻ và ủng hộ.
“Phải xem nguồn lực có được này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, nhưng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn”, ông Thắng nói, đồng thời đề nghị với những người hưởng lương hưu, cán bộ có công hoặc các nhóm đối tượng cụ thể quá khó khăn thì cần có chính sách khác phù hợp. ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) thì đề nghị thực hiện tăng lương theo lộ trình với người có công, đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí để đảm bảo an sinh xã hội.
Cần khoảng lặng để đánh giá hiệu quả chính sách
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Dân tộc QH, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách trợ giúp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh bị tác động mạnh bởi đại dịch, nhất là trong lĩnh vực hàng không, du lịch và các ngành liên quan đến xuất khẩu. “Cử tri mong muốn các chính sách, giải pháp của Chính phủ đã có rồi thì cần phải nhanh chóng đưa vào cuộc sống, ngay cả gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng”, ông Thành đề nghị.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cũng đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ khi chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt chính sách được ví như “máy trợ thở” cho DN đã được ban hành.
Tuy nhiên, ông So cho rằng việc 36.000 DN rút lui khỏi thị trường cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay. “Câu hỏi đặt ra liệu đơn thuốc hỗ trợ đã đủ liều, đúng và trúng? Giải pháp nào để DN có thể thay đổi tư duy, dám chấp nhận từ bỏ thói quen và cách vận hành cũ để thích nghi với phát triển trong tình hình mới”, ông So nêu và đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm tới chính sách dòng tiền, vì chỉ khi tiếp cận được dòng tiền thực DN mới kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phân tích để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cần các biện pháp nhanh, mạnh, dứt khoát, song cũng phải tính đến sự rủi ro, hậu quả của các giải pháp.
“Trong điều kiện gấp gáp hiện nay vẫn cần phải có khoảng lặng để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách. Khoảng lặng đó để xem chính sách có đạt mục tiêu không? Kết quả mang lại có vượt trội so với hậu quả tiêu cực của chính sách không?”, ông Hàm nêu. Khẳng định sẽ bấm nút thông qua việc giảm 30% thuế DN, thuế thu nhập cho các DN quy mô nhỏ như Chính phủ đề xuất, song ông Hàm băn khoăn không biết bao nhiêu phần trăm DN sẽ có lãi để hưởng chính sách này.
Tranh luận quyết liệt về các vụ án gây xôn xaoCác vụ án gây xôn xao dư luận thời gian gần đây như vụ Hồ Duy Hải (Long An), vụ ông Lương Hữu Phước ở Bình Phước tự sát sau khi tòa tuyên án… đã khiến các ĐBQH trong và ngoài ngành tòa án có cuộc tranh luận thẳng thắn trong phiên thảo luận ngày 13.6.
Ban đầu, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu việc một số vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi vấn trong các tầng lớp người dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án, cũng như vi phạm hoạt động tố tụng, như vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ bị cáo nhảy lầu tự tử ở trụ sở TAND Bình Phước ngay sau khi tòa tuyên án… Sau đó, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, đã có tranh luận, cho rằng khi xét xử thì HĐXX phải dựa vào hồ sơ, có những vụ án hồ sơ là cả xe ô tô, phải kiểm tra chứng cứ qua lời khai, tranh tụng tại tòa, rồi mới đưa ra được phán quyết đúng đắn.
“Chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra nhận định thì thiếu cơ sở”, ĐB Phong nói và cho biết, hiện nay rất nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước, đòi tam quyền phân lập nên phải hết sức cảnh giác.
Đến chiều, ĐB Hoàng Đức Thắng tiếp tục tranh luận với ĐB Phong, cho rằng "phát biểu của ĐB Phong vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là ĐBQH nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách ĐBQH". Bày tỏ đồng ý với ĐB Phạm Hồng Phong ở điểm “là đừng để lực lượng chống phá ta lợi dụng", ĐB Thắng cho rằng "vậy thì đơn giản là chúng ta không để họ có gì lợi dụng", “phải sửa mình cho tốt, không làm sai làm trái thì ai chống phá ta được?”.
"Khi làm đúng rồi thì người dân luôn bên ta”, ĐB Thắng chia sẻ và nói thêm: "Tôi tin rằng ngành tòa án không thể không có sai lầm, khuyết điểm, nếu không nói có cả vi phạm pháp luật". Do đó, ĐB Thắng nêu ra kiến nghị để ngành tòa án, cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại có đúng như dư luận hay không?
Cũng tranh luận với ĐB Phạm Hồng Phong, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng không công khai phê bình những khuyết điểm của mình vì sợ kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền là “tưởng lầm”, “là ốm mà sợ thuốc”. "Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít người ta cũng biết. Chúng ta học Hồ Chủ tịch chính là khi có khuyết điểm thì nêu ra, khi cho rằng có thể có khuyết điểm cũng nêu ra, để bàn bạc với nhau”, ĐB Nghĩa nói.
|
Giá thịt heo tăng cao, Bộ trưởng khuyến nghị đa dạng thực phẩm!Chiều 13.6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước QH về việc giá thịt heo cứ cao, bất chấp các chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Cường, do dịch tả heo châu Phi khiến đàn heo giảm đến 20%, cầu vượt cung, làm cho giá thịt tăng. “Tại Việt Nam, dịch tả heo châu Phi khiến cho xấp xỉ 6 triệu con heo bị tiêu hủy, giảm 20% về lượng. Chính điều này là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá vừa qua”, Bộ trưởng nói và cho biết, theo kế hoạch, đến quý 4 năm nay, hệ số đầu heo mới ngang mức 31 triệu con của thời điểm trước khi dịch xảy ra.
Chính phủ, Thủ tướng cũng đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang tập trung đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn để bình ổn giá, nhưng cũng phải thận trọng đề phòng dịch bệnh quay lại.
“Nhân diễn đàn này, đề nghị chúng ta tập trung khuyến cáo người dân lựa chọn các thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt heo cả. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá cũng vậy. Tôm cũng vậy. Trứng cũng vậy. Đều của nông dân ta cả. Chúng ta đa dạng các loại thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành nào”, Bộ trưởng Cường khuyến nghị.
Vũ Hân
|
Bình luận (0)