Đơn vị tư vấn nhà hát 1.500 tỉ đến từ Đức, từng làm nhà Quốc hội

19/10/2018 09:26 GMT+7

Đơn vị tư vấn thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch đến từ Đức, từng thực hiện một số công trình tại Việt Nam như Trung tâm hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, tòa nhà Quốc hội, cảng Cái Mép…

Sáng 19.10, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết đã nhận báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP về các nội dung liên quan dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) từ Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP sau yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.

Báo cáo nêu mong muốn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP về xây dựng một công trình văn hóa chuyên ngành có giá trị tiêu biểu, kiến trúc hiện đại, gắn kết với công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo phục vụ dàn dựng và biểu diễn những chương trình nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Nghiên cứu chọn khu đất 23 Lê Duẩn

Năm 2008, UBND TP có ý kiến chỉ đạo về việc giao Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP nghiên cứu đề xuất quy mô nhà hát, đảm bảo tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế, là biểu tượng trung tâm văn hóa TP, dự kiến quy mô công trình phù hợp với vị trí và quy mô đất đã được xác định theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lúc đó (nay là Sở VH-TT) đã có nghiên cứu chọn các địa điểm xây dựng trong trung tâm, trong đó có khu đất 23 Lê Duẩn (Q.1) nhưng khu đất này không phù hợp do diện tích nhỏ.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà hát giao hưởng ở Q.2 Ảnh: Độc Lập

Năm 2010, UBND TP ban hành quyết định về giao kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2010 (đợt 1), trong đó có nhà hát được bố trí xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, năm 2011, Chính phủ có Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong đó tạm dừng bố trí vốn cho các dự án đầu tư công nên dự án tạm dừng thực hiện.

Đến năm 2012, UBND TP đã thống nhất việc bố trí nhà hát tại Công viên 23.9 (Q.1). Đồng thời, giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP (nay là Sở VH-TT) tham mưu UBND TP mời đơn vị tư vấn của Đức nghiên cứu thành lập thiết kế dự án (Công ty Busmann+Haberer, Muller, Inros Lackner AG). Đây là một đơn vị đã thực hiện một số công trình tại Việt Nam như Trung tâm hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, tòa nhà Quốc hội, cảng Cái Mép…

Từng chấp thuận xây hai nhà hát ở cả Công viên 23.9 lẫn Thủ Thiêm

Năm 2013, đơn vị tư vấn thiết kế dự án là Công ty Busmann+Haberer, Muller, Inros Lackner AG đã cùng Sở VH-TT và các hội, sở, ngành chuyên môn khảo sát địa điểm, đánh giá tác động, xác định ranh và giới hạn khu đất, thảo luận về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, tổng mức đầu tư, tiến trình thực hiện dự án để trình UBND TP phương án thiết kế sơ bộ công trình.

Sau đó, UBND TP đã thống nhất chọn vị trí khu đất có diện tích 1,2ha (rộng hơn 90m, dài 134m), giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão để xây dựng công trình nhà hát với 2 khán phòng chính sức chứa 1.200 chỗ và 500 chỗ.

Tiếp đó, ngày 4.5.2013, UBND TP giao Sở Quy hoạch kiến trúc khẩn trương trình duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ Công viên 23.9 và giao Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP tổ chức tọa đàm về vị trí xây dựng nhà hát. Sở VH-TT đã phối hợp với Liên hiệp tổ chức tọa đàm vào ngày 14.6.2013, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn.

Nhà hát Thành phố Ảnh: Gia Khiêm

Từ các ý kiến tại buổi tọa đàm, Sở VH-TT có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận xây dựng hai hà hát ở cả hai vị trí: công viên 23.9 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, tập trung xây dựng ngay nhà hát tại Công viên 23.9 hoàn thành trong năm 2015 và đầu tư xây dựng nhà hát thứ hai trong tương lai theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, sau khi luật Đầu tư công có hiệu lực từ năm 2014, dự án phải thực hiện lại từ đầu theo quy định, chủ đầu tư lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND TP, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại.

Tổng diện tích xây dựng khoảng 20.030m2

Năm 2016, UBND TP chỉ đạo, giao Sở VH-TT báo cáo đề xuất việc xây dựng dự án nhà hát tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đầu năm 2017, UBND TP giao Sở VH-TT chủ trì phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư TP, Hội Sân khấu TP và các đơn vị liên quan lựa chọn đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

Tiếp đó, Sở VH-TT đã chủ trì, tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý về mặt chuyên môn của các Hội Kiến trúc sư TP, Hội Mỹ thuật TP, Hội Sân khấu TP, các chuyên gia, nghệ sĩ, nhạc sĩ… đối với khái quát nhiệm vụ thiết kế công trình nhà hát tại Q.2. Các sở, ngành, ban quản lý, hội cũng đã góp ý.

Ngày 20.8.2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo gửi Hội đồng thẩm định TP về dự án. Ngày 14.9.2018, Hội đồng thẩm định TP có báo cáo về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà hát. Theo đó, kết luận dự án này đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Đến ngày 8.10, HĐND TP đã thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ với 2 khán phòng. Tổng diện tích xây dựng khoảng 20.030m2, phần ngoài trời khoảng 5.016m2 và có phần thiết bị đặc thù chuyên dụng của nhà hát.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho hay đây chỉ mới là chỉ số, số liệu sơ lược để Đoàn đại biểu Quốc hội TP nắm tổng quát về dự án nhà hát chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

“Đoàn đại biểu Quốc hội muốn nắm kỹ thông tin vì đây là dự án được quan tâm. Việc nắm kỹ thông tin dự án để nếu Quốc hội yêu cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ báo cáo. Ngoài ra trong kỳ họp Quốc hội tới, nếu các đại biểu Quốc hội đoàn khác quan tâm, chúng tôi cung cấp để đại biểu nắm về dự án”, ông Khuê nói và khẳng định dự án sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP theo dõi, giám sát kỹ. 

Vốn giải ngân theo từng năm

Về nguồn vốn, năm 2008, UBND TP chấp thuận chủ trương về việc tiến hành thủ tục bán đấu giá cơ sở nhà, đất số 23 Lê Duẩn (Q.1) để tạo nguồn thực hiện dự án.

Khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, gồm chi phí xây lắp 638 tỉ đồng, chi phí mua sắm thiết bị chuyên dùng 627 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án 13 tỉ đồng, chi phí đầu tư xây dựng gần 30 tỉ đồng, chi phí khác 62 tỉ đồng và chi phí dự phòng 137 tỉ đồng.

Về thời gian thực hiện và nhu cầu vốn, dự kiến thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2022. Năm 2018 thông qua chủ trương đầu tư. Năm 2019-2020 tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình và hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng công trình theo đúng quy định.

Năm 2020-2021 khởi công và thi công xây lắp phần bê thông cốt thép công trình. Năm 2021-2022, hoàn thiện công trình, lắp đặt thiết bị. Nhu cầu vốn tương ứng, năm 2018 là 0 đồng, năm 2019 khoảng 30 tỉ đồng, năm 2020 là 70 tỉ đồng, năm 2021 là 600 tỉ đồng và năm 2022 là 650 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.