Donetsk và Luhansk đã thay đổi ra sao?

23/02/2022 08:30 GMT+7

Sau khi đơn phương tuyên bố tách ra khỏi Ukraine vào năm 2014, hai vùng do lực lượng ly khai kiểm soát ở đông Ukraine mắc kẹt trong cuộc xung đột với các lực lượng vũ trang của Kiev.

Từ ly khai

Vùng Donbass ở miền đông nam Ukraine bao gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk có thủ phủ là 2 thành phố cùng tên. Đây là khu vực có trữ lượng than lớn và TP.Donetsk được xem là thủ phủ không chính thức của cả vùng Donbass, chứ không chỉ tỉnh Donetsk. Theo AFP, thành phố 2 triệu dân này còn là một trong số những trung tâm sản xuất thép chính của Ukraine. Trong khi đó, TP.Luhansk là một thành phố công nghiệp với 1,5 triệu dân và là thủ phủ của tỉnh cùng tên.

Năm 2014, sau cuộc biến động chính trị tại Ukraine và Crimea được sáp nhập vào Nga, lực lượng tại Donetsk và Luhansk thực hiện cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố thành lập “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng.

Bản đồ khu vực miền đông Ukraine và Nga

CBC News

Cuộc trưng cầu dân ý này không được Kiev và cộng đồng quốc tế công nhận. Trên thực tế, hai thực thể này chỉ kiểm soát một phần phía đông nam của hai tỉnh Donetsk và Luhansk, nhưng bao gồm cả hai thành phố là Donetsk và Luhansk.

Kể từ đó, hai vùng do phe ly khai kiểm soát ngày càng xích lại gần Moscow về nhiều mặt trong khi Kiev cắt đứt hỗ trợ tài chính. Sau sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin năm 2019, người dân tại Donbass được phép xin nhập quốc tịch Nga và cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev ngày 21.2 cho hay Moscow đã cấp 800.000 hộ chiếu cho cư dân vùng này. Cuối năm ngoái, Nga cũng dỡ bỏ lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước này với các vùng ở Donetsk và Luhansk. Những hành động này bị phía Kiev cực lực phản đối.

Donetsk và Luhansk: bạn biết gì về 2 vùng miền đông Ukraine?

Lãnh đạo của Donetsk hiện nay là ông Denis Pushilin, được bầu vào năm 2018 sau khi người tiền nhiệm Alexander Zakharchenko thiệt mạng trong một vụ nổ tại quán cà phê ở Donetsk. Ông Leonid Pasechnik là lãnh đạo của “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng.

Đến được Nga công nhận

Cuộc xung đột giữa hai lực lượng này và quân chính phủ Kiev từ năm 2014 đến nay khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng, theo Reuters. Những nỗ lực giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine dẫn đến thỏa thuận Minsk vào năm 2015. Theo đó, lực lượng ở miền đông được cam kết trao thêm quyền tự trị và các bên cam kết ngừng bắn. Tuy nhiên, các vụ pháo kích qua lại vẫn diễn ra thường xuyên và cả hai phe đều tố cáo nhau vi phạm.

Xung đột tái bùng phát giữa hai vùng này và quân chính phủ Ukraine từ giữa tháng 2.2022. Ngày 18.2, lãnh đạo hai vùng này ra lệnh sơ tán dân thường sang Nga và lệnh “tổng động viên” để chuẩn bị phòng thủ trước khả năng Kiev thực hiện hành động quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực.

Ngày 21.2, ông Pushilin và ông Pasechnik đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng Donetsk và Luhansk là cộng hòa độc lập nhằm ngăn chặn nguy cơ dân thường thiệt mạng, trong đó có công dân Nga đang sống tại các vùng này, theo TASS. Cùng ngày, Tổng thống Putin triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia để nghe ý kiến của các quan chức cấp cao về đề nghị và sau đó ký sắc lệnh chính thức “công nhận độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk”.

Nhìn lại khủng hoảng quan hệ Nga-Ukraine

Hiện chưa rõ phần lãnh thổ lãnh đạo Nga công nhận chỉ giới hạn trong vùng do phe ly khai kiểm soát hay tính luôn phân khu hành chính trước khi xung đột xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.