Đồng bằng sông Hồng chỉ tăng trưởng gấp 1,3 cả nước thì chưa thể tự hào

26/07/2022 19:39 GMT+7

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồn g chưa tương xứng với tiềm năng, vai vế cũng như sự đầu tư của cả nước cho vùng này.

Toàn "tài năng lỗi lạc" nhưng hóa ra vừa "lỗi" vừa "lạc"

Chiều 26.7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Ban chỉ đạo 54) và Tỉnh ủy Nam Định đã tổ chức Hội thảo Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Nguyễn Duy Hưng phát biểu đề dẫn hội thảo

gia hân

Phát biểu đề dẫn, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng và kinh tế biển là lĩnh vực rất quan trọng đối với đồng bằng sông Hồng.

Về hạ tầng giao thông của vùng, ông Hưng cho hay tới nay đã vượt rất xa so với mục tiêu của Nghị quyết 54. Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng đã có 8 tuyến cao tốc với chiều dài gần 500 km, 25 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 2.000 km, 4 cảng biển lớn và 3 sân bay quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Đặc biệt là giao thông vận tải chưa phát triển hài hòa, khi đường bộ, đường không phát triển khá tốt nhưng đường sắt, đường thủy chưa phát triển được nhiều.

“Phải tạo được sự đồng bộ, liên hệ hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng để tạo tiền đề cho đầu tư, thu hút đầu tư và phát triển. Đặc biệt là kết nối các đô thị và xây dựng các độ thị hiện đại, đô thị thông minh như ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…”, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá có một điểm rất rõ trong phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng là phát triển không đồng đều giữa các tỉnh. Trong khi một số tỉnh bứt lên rất nhanh thì một số tỉnh lại chậm.

Dẫn chứng Nam Định toàn “tài năng lỗi lạc” nhưng hóa ra "vừa lỗi vừa lạc", tỉnh này thuộc nhóm phát triển chậm nhất trong vùng, ông Thiên đặt câu hỏi: “Nguồn nhân lực ở đây theo nghĩa học vấn rất tốt nhưng tại sao không phát triển? Nó là nguyên nhân gì chứ không phải là do con người, không phải do lãnh đạo Nam Định?”.

PGS-TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo

gia hân

Cũng theo ông Thiên, vùng đồng bằng sông Hồng cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tầm vóc, vai về và sự quan tâm đầu tư của đất nước dành cho vùng này.

Vùng đồng bằng sông Hồng tăng trưởng 1,3 lần tăng trưởng cả nước thì "đáng xấu hổ" chứ không phải là đáng tự hào”, ông Thiên nói, và cho rằng cần có sự đánh giá rất nghiêm khắc.

Nhấn mạnh "nếu vẫn cứ hài lòng hoặc tạm hài lòng với sự phát triển của đồng bằng sông Hồng thì đất nước khó phát triển”, theo ông Thiên, việc đánh giá một cách nghiêm túc, với tầm nhìn đúng đắn, sẽ là cơ sở để xây dựng cấu trúc kinh tế - xã hội trong tương lai của vùng đồng bằng sông Hồng.

Hội đồng vùng "vui vẻ" nhưng không hiệu quả

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề liên kết và thể chế vùng. Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, mặc dù chúng ta quy hoạch cả nước thành 6 vùng, song có những vùng như miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa vào tới Bình Thuận thì "không rõ 2 tỉnh này liên kết với nhau như thế nào".

"Chúng ta cứ nói liên kết vùng rất hay nhưng không có hành động tương ứng", ông Hồi nói, và đề nghị cần nghiên cứu cơ chế liên kết vùng phù hợp, thậm chí là quy hoạch lại các vùng.

Còn PGS-TS Trần Đình Thiên thì đánh giá thể chế vùng của vùng đồng bằng sông Hồng thuộc loại “yếu nhất” trong các vùng.

“Vì nó gần Hà Nội, gần T.Ư nên các tỉnh cứ thế lên xin chứ không cần thể chế phát triển cho vùng”, ông Thiên nói, và cho rằng cách thể chế vùng chưa đủ mạnh để vùng này có quyền lực và những điều kiện để thực hiện.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tại hội thảo

gia hân

Theo ông Thiên, cơ chế Hội đồng vùng hiện nay không hiệu quả.

“Tôi họp nhiều cuộc rồi, vui vẻ, thoải mái lắm nhưng hiệu quả không nhiều. Ẩn bên trong vẫn là xung đột trong phát triển. Chúng ta thiết kế mọi thứ trên tinh thần tỉnh, lợi ích tỉnh nên tỉnh nào lo tỉnh ấy, dẫn đến xung đột”, ông Thiên nói.

“Bản chất quyền lực vùng không thể như UBND tỉnh mà là quyền lực của T.Ư để giúp điều hành phát triển vùng. Trong bối cảnh chưa thể đủ hành lang pháp lý, chủ trương thì cơ quan điều hành vùng phải như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng”, ông Thiên đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.