Rất hiếm khi đợt chuyển nhượng giữa mùa trong làng bóng châu Âu diễn ra thầm lặng như năm nay. Chưa thấy bản hợp đồng nào có giá trị khoảng 30 triệu bảng trở lên. Gần 1 tuần trước khi "cửa sổ mùa đông" khép lại, tổng số tiền mua cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh vẫn chưa vượt quá con số 50 triệu bảng. Năm ngoái, chỉ riêng Chelsea đã chi hơn 200 triệu bảng mua Enzo Fernandez, Mykhailo Mudryk, Malo Gusto trong đợt chuyển nhượng giữa mùa. Tổng cộng, "The Blues" mua thêm 8 cầu thủ mới. Arsenal khi ấy chi 60 triệu bảng. Liverpool thì tăng cường Cody Gakpo với giá 45 triệu bảng. Nhìn lại những Philippe Coutinho, Luis Diaz, Daniel Sturridge, Virgil Van Dijk…, người ta thậm chí còn phải bàn về một truyền thống chuyển nhượng giữa mùa rất hoành tráng của Liverpool. Năm nay, đội bóng của HLV Juergen Klopp chưa hề ký hợp đồng nào.
Thị trường chuyển nhượng đang "đóng băng" tại giải Ngoại hạng Anh, từ đó ảnh hưởng luôn đến các giải đấu lớn xung quanh. Bundesliga, Ligue 1, La Liga, Serie A muốn có hoạt động chuyển nhượng nhộn nhịp thì trước tiên, họ phải bán được hảo thủ sang Anh với giá cao. Giờ thì tất cả "án binh bất động", dù không ít đội bóng lớn đang gặp vấn đề về nhân sự, chuyên môn. Bayern Munich, Barcelona, Napoli… đều rất cần tăng cường hảo thủ, tùy vào hoàn cảnh riêng của mỗi đội.
Cả cúp châu Á lẫn cúp châu Phi đều đang diễn ra, trùng khớp gần như hoàn toàn với đợt chuyển nhượng giữa mùa. Mà đấy lại là những châu lục thường cung cấp hảo thủ cho "cửa sổ mùa đông". Bây giờ, tất nhiên ngôi sao đang lên của bóng đá châu Phi và châu Á đều phải ưu tiên tập trung vào vấn đề chuyên môn ở giải đấu cấp châu lục của họ, thay vì đàm phán, tìm "bến đỗ" mới. Nguyên nhân quan trọng hơn khiến thị trường chuyển nhượng gần như đóng băng trong làng bóng Anh: hình phạt nặng (trừ 10 điểm, vì vi phạm quy định công bằng tài chính) dành cho Everton hãy còn "nóng hổi" - các CLB khác cứ nhìn vào đấy mà tự răn đe. Dĩ nhiên mỗi đội mỗi khác, nhưng nhìn chung thì đa số đội ở giải Ngoại hạng Anh đều đang mấp mé bờ vực vi phạm quy định công bằng tài chính. Người ta không dám mạnh tay mua sắm như trước nữa.
Về lý thuyết, khác biệt cơ bản giữa đợt chuyển nhượng mùa đông so với mùa hè là tính "chữa cháy". Tình trạng ngôi sao chấn thương, "kế hoạch A" phá sản, hoặc vài nguyên nhân quan trọng khác có thể đẩy một đội mạnh xuống khu giữa bảng hoặc một đội trung bình xuống nhóm rớt hạng. Phản ứng thường thấy là họ phải cấp tốc tăng cường lực lượng trong một tháng chuyển nhượng ngắn ngủi giữa mùa bóng, để cứu vãn tình hình. Năm nay, giải Ngoại hạng Anh không có biến động gì đáng kể. Chelsea, M.U và Newcastle đều chỉ đứng ở khu giữa bảng, nhưng đấy thật ra là điều bình thường. Đâu ai còn lạ gì về sự xuống cấp của Chelsea và M.U nữa. Ở nhóm trên, Liverpool đe dọa lật đổ Man.City trong khi Arsenal, Tottenham và Aston Villa đều đang ổn thỏa ở vị trí cao. "Đúng trật tự", nên hầu như chẳng có đội nào cần thay đổi lớn. Giải Ngoại hạng Anh năm nay ít sa thải HLV cũng vì vậy: đội nào cũng đang đứng ở vị trí chuẩn. Năm ngoái khác hẳn: các đội thi nhau thay HLV, và HLV mới luôn cần mua cầu thủ mới cho phù hợp.
Bình luận (0)