Đồng bộ và thuận lợi

08/08/2024 04:12 GMT+7

Đó là chủ trương của Chính phủ khi xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật liên quan đến thị trường là luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua.

Trái với tình trạng luật mòn mỏi chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, ngay khi 3 luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, hàng loạt nghị định hướng dẫn đi kèm cũng được ban hành đồng bộ. Bởi từ trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương soạn thảo và bảo đảm tiến độ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn, sớm đưa luật vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Mặt khác, tạo thuận lợi không chỉ ở việc nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống mà ý nghĩa quan trọng hơn của chủ trương này chính là những nội dung, quy định của các nghị định, thông tư hướng dẫn phải tạo ra môi trường đầu tư công bằng, minh bạch; phải giúp cho người dân, DN có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, tích lũy tài chính, từ đó nâng cao sức cạnh tranh mỗi ngày. Chiếu theo quan điểm đó, chúng ta có thể hiểu vì sao nhiều hiệp hội, DN đang "như ngồi trên đống lửa" với một số quy định trong nghị định, thông tư liên quan đến luật Đấu thầu. Đó là các tiêu chí ngặt nghèo về quy mô vốn, kinh nghiệm cũng như tỷ lệ hoàn thành nghiệm thu với nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Chúng ta đều hiểu cơ quan mời thầu thường muốn tăng cao điều kiện với các đơn vị tham gia đấu thầu. Nhưng quan điểm này đi ngược với xu hướng chung. Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu cạnh tranh, tránh đưa tiêu chuẩn kinh nghiệm để loại các nhà thầu mới. Đặt trong bối cảnh VN với đa số DN nhỏ và vừa, những quy định này vô tình loại họ trên chính sân nhà bởi rất ít DN nội đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ tham gia đấu thầu. Mà càng ít DN tham gia thì càng làm giảm tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, gây khó khăn trong tiếp cận dự án đầu tư quy mô lớn. Như vậy vô hình trung đi ngược với mục tiêu của đơn vị mời thầu là muốn có được nhà thầu tốt nhất, chi phí tốt nhất, chất lượng tốt nhất. Chưa kể, để trở thành nhà thầu có kinh nghiệm thì DN phải được trao cơ hội. Nếu ai cũng loại nhà thầu mới ngay từ đầu thì lấy đâu ra nhà thầu có kinh nghiệm trong tương lai?

Trở lại với thị trường, sau gần 5 năm khó khăn liên tiếp tính từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, người dân và DN kỳ vọng rất lớn vào việc các luật mới đi vào thực tế sẽ là động lực để phục hồi. Vì vậy, dự thảo nghị định và dự thảo thông tư liên quan đến luật Đấu thầu phải tạo điều kiện công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và nhất là bảo đảm tính cạnh tranh cho các DN tham gia đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc các dự án được quy định tại pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Nhìn rộng hơn, các quy định mới của pháp luật cần góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, tạo nên sân chơi cạnh tranh minh bạch. Từ đó, thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo điều kiện cho các DN có nội lực, có khát vọng, có kinh nghiệm tham gia bình đẳng vào mọi dự án quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đó cũng chính là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ khi nỗ lực thông qua sớm các luật, nỗ lực ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn đồng bộ ngay khi luật có hiệu lực như chúng ta đã và đang chứng kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.