Im ắng một thời gian, rồi đùng cái, họa sĩ Hà Huy Mười trình làng bằng một loạt tác phẩm gốm chưa từng chinh chiến trước đó, lấy tên là "Mở Đĩa".
Là người có tính hài hước, thích sử dụng ngôn ngữ châm biếm vào tác phẩm nghệ thuật, cá tính ấy có thể thấy ẩn hiện thường xuyên qua hội họa Hà Huy Mười, thế nên cái tên "Mở Đĩa"dễ gợi người xem đến một mùa đỏ đen cờ bạc, hay ngôn ngữ chơi hụi với chuyện mở bát của chủ hụi trong dây hụi nhiều người tham gia.
Lý giải cho cái sự "Mở Đĩa" chứ không phải là "mở bát", Mười hài hước bảo: "Qua năm mới, đỏ đen vào mùa, nhưng cái ý mình làm triển lãm bỏ túi này không theo hướng đấy. Mở ở đây là mở xưởng, còn đĩa, vì đây là lần đầu tiên làm đĩa, vẽ trên đĩa, nên lấy luôn thành mở đĩa cho vui".
Xem Mười làm điêu khắc, sắp đặt, làm phù điêu, riêng mảng hội họa tung tẩy với đủ phong cách, từ trừu tượng, siêu thực, đến biểu hiện… nhưng chưa nghe qua Mười rị mọ với gốm như lần này. Kể về loạt tác phẩm gốm đầu tay, Mười hào hứng: "Mỗi khi anh em họa sĩ hoàn thiện loạt tác phẩm mới, đủ hài lòng, nhưng để làm một triển lãm hoành tráng thì chưa tới, nên mọi người thường mở triển lãm nho nhỏ, như cách thể hiện thành quả sau thời gian sáng tạo. Loạt đĩa gốm được hơn 100 tác phẩm, cũng đủ để trình làng và chia vui cùng bạn bè".
Xưởng vẽ của Mười và bà nhà - "người tình" muôn thuở - họa sĩ Phạm Thị Hồng Sâm, nằm cạnh dòng Tô Lịch, đoạn thuộc Q.Hoàng Mai, Hà Nội, được chủ nhân chuyển ngữ hóm hỉnh thành cái tên rất nước ngoài, tưởng đâu có bà con với Ý, Tây Ban Nha… là VENTO, kỳ thực chỉ là "Ven dòng Tô Lịch". Ở nơi ấy, "Mở Đĩa" tưng bừng với hai màu chủ đạo là xanh - trắng, cũng là lần đầu tiên thấy Mười bay cuồng trên cốt gốm qua lối vẽ đa lam kỳ ảo, sắc độ đậm nhạt, biểu hiện nào là các con giáp, đặc biệt là mèo, là phố xá lô nhô, là giáo đường cổ kính, là những mỹ nhân e ấp xuân, là cả những chuyển thể mang ý tưởng của nhân tình thời cuộc trong loạt tranh giấy Giang trước đây Mười đã từng thể nghiệm để đưa lên cốt thai gốm.
"Mở Đĩa" đẹp lạ, Mười tâm đắc: "Lần đầu mình vẽ trên đĩa gốm, lại số lượng nhiều, nên cảm xúc lắm. Khi vẽ lên toan, có tương tác trực tiếp, kiểm soát dễ, vẽ trên gốm phải thử đi thử lại nhiều lần nhất là về sắc men, kỹ thuật vẽ cũng khác do độ loang mực khác nhau. Việc chọn cốt thai gốm thể hiện là các hình dáng đĩa kích cỡ to - nhỏ khác, độ cong khác, nên khi vẽ phải nương theo vật liệu. Đến chuyện nung lại có nhiều bất ngờ, và nung rồi không sửa được nên đòi hỏi ra được tác phẩm thành công phải nắm vững kỹ thuật và làm chủ chất liệu".
Trong hội họa, Hà Huy Mười có điểm dễ nhận dạng là kỹ thuật sử dụng tương phản của sáng - tối, dễ nhận là loạt tranh vẽ trên giấy Giang của đồng bào dân tộc H'mông ở Pà Cò, Hòa Bình. Trên nền sáng tối ấy lại được gieo phảng phất những gam màu bạo liệt, rực nóng, biểu đạt những cảm xúc khi u uất, trầm buồn, khi băn khoăn, trăn trở… nhưng qua "Mở Đĩa" thì khác hẳn, không còn những gam màu ảm đạm, huyền bí, thay vào đó là sự tối giản từ những nét đan thanh, cùng một màu xanh nhưng nhiều sắc độ, đan cài nhau, tạo nên chuỗi tác phẩm trên đĩa yên bình, thanh dịu, đẹp kiểu khác trong phong cách sáng tác của Hà Huy Mười.
Lấy cái cớ làm gốm để "Mở Đĩa", Hà Huy Mười gửi gắm thêm: "Là họa sĩ, mình thích tìm tòi đa chất liệu, thể nghiệm nhiều phong cách, và từ đó loại trừ, để dần đúc kết thành một tác phẩm đa chất liệu, hoặc một triển lãm sắp đặt đa phương tiện, sẽ trình làng trong một ngày không xa". (còn tiếp)
Một góc VENTO – xưởng vẽ của vợ chồng họa sĩ Hà Huy Mười
Bình luận (0)