Dòng chảy gốm Việt: Ngắm chạch lẩn trong gốm Nguyễn Thăng Long

11/03/2023 06:57 GMT+7

Tạo hình cốt gốm bằng kỹ thuật đắp con chạch (be chạch) đã tồn tại hàng ngàn năm ở các nền văn minh gốm sứ thế giới, mượn kỹ thuật cổ xưa ấy, điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long định hình một phong cách dị biệt, cho "chạch" lẩn vào gốm.

Trong làng điêu khắc Việt thế hệ 7X, Nguyễn Thăng Long là tên tuổi thân quen, anh vừa là giảng viên bộ môn điêu khắc tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thâm niên với điêu khắc, đặc biệt ở mảng chân dung, cũng đồng thời là nghệ sĩ say nghề, với những kiếm tìm chất liệu, ý tưởng mới thể hiện sáng tạo nghệ thuật. Sáng tác được công chúng biết đến gần đây nhất là triển lãm bộ sưu tập Hiểm họa lơ lửng, được điêu khắc từ… bông vải. Bẵng đi thời gian, anh em trong nghề lại thấy Long trình làng loạt sáng tác gốm, với kỹ thuật tạo hình khác lạ.

Dòng chảy gốm Việt: Ngắm chạch lẩn trong gốm Nguyễn Thăng Long - Ảnh 1.

Điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long và bộ gốm 12 con giáp

Thiên An

Làm gốm có nhiều phương pháp như vấu, ép, bàn xoay hay đắp con chạch… trong đó kỹ thuật đắp con chạch ít được sử dụng, bởi phải dụng công nhiều. Lấy ví dụ tạo hình bàn xoay, một thợ xoay có thể tạo ra 40 chiếc bình trong một ngày thì đắp con chạch chỉ có thể hoàn thiện khoảng 10 chiếc. Chọn kỹ thuật đắp con chạch vào tạo hình gốm đương đại, Nguyễn Thăng Long phân tích: "Làm điêu khắc, đòi hỏi độ chính xác, tính tỷ lệ cao, thậm chí phải hoàn hảo, nhưng khi sáng tác trên gốm, kỹ thuật đắp con chạch cho tôi những đường nét phóng khoáng, bay bổng, không bị gò ép bởi góc cạnh nữa. Tạo hình theo cách này kỳ thực khó, tôi phải phác thảo kỹ, nắm được hình dáng, khối, những đoạn phình, bóp, được tính toán cẩn trọng rồi mới bắt tay vào làm".

Các tác phẩm gốm mới ra lò của Thăng Long năm 2023 là bộ 12 con giáp cách điệu, anh tả về gốm của mình: "Nhiều người dùng kỹ thuật đắp chạch xong thì sẽ miết, xóa, tạo bề mặt phẳng, tôi đắp chạch theo kỹ thuật cổ truyền, dùng tay se đất thành sợi, dựng hình từ phần chân lên ngọn, để nguyên hình con chạch, do vậy khi đắp đâu là phải cố định đấy, dùng lực nhẹ của tay để uốn, nắn, chỉnh hình cẩn trọng, vì sai thì gần như không thể sửa được".

Dòng chảy gốm Việt: Ngắm chạch lẩn trong gốm Nguyễn Thăng Long - Ảnh 2.

Dấu ấn con chạch là điểm nhấn độc đáo trong tạo hình gốm của Nguyễn Thăng Long

Trong gốm của Nguyễn Thăng Long, từng sợi gốm mảnh như chiếc đũa, chồng đè lên nhau, kết dính thành khối, biểu hiện những ý tưởng trong tạo hình, kỹ thuật men, hiệu ứng đường ranh giữa hai con chạch, lại có cả sắc màu hội họa, tư duy sáng tác… đậm yếu tố thủ công, độc bản. Những tác phẩm gốm con chạch ấy, nhìn cận hơn, tạo cho cảm giác đang xem những nét chỉ tay, vân tay, hoa tay… biến ảo trên tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ.

"Kỹ thuật đắp con chạch vừa tạo hiệu ứng thị giác cho bề mặt gốm, lại mang kết cấu bền chắc, đạt đủ độ vững, nhẹ, rỗng, tiện dụng, hợp lý, và nhất là tỷ lệ thành công sau nung gần như tuyệt đối, không có chuyện cong vênh, co ngót hay nứt vỡ".

Điêu khắc gia Nguyễn Thăng Long

Nhiều nghệ sĩ gốm thể hiện thế mạnh sáng tác thông qua tạo hình, sắc men, nhưng nhìn vào gốm của Nguyễn Thăng Long, thấy ở đó sự đa dạng chất liệu từ các làng gốm Việt, anh giải thích: "Tác phẩm của tôi thay đổi phong cách, ngoại hình trang trí, theo từng năm, đó là do mỗi năm tôi chọn một lò, một vùng nguyên liệu, một khu vực khác nhau để sáng tác. Và đến đâu, tôi sẽ dùng thế mạnh, đặc trưng của riêng vùng miền ấy, từ cốt đất, màu men, phong cách gốm bản địa… đưa vào tác phẩm bằng ngôn ngữ gốm của riêng mình".

Dòng chảy gốm Việt: Ngắm chạch lẩn trong gốm Nguyễn Thăng Long - Ảnh 4.

Tạo hình Tuất qua kỹ thuật đắp con chạch

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.