Động cơ dưới chuẩn, vì sao chiến đấu cơ tàng hình J-20 vội vã 'ra trận'?

12/02/2018 16:48 GMT+7

“Môi trường an ninh khu vực ngày càng trở nên thách thức”, với sự xuất hiện của chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ, khiến Trung Quốc vội đưa J-20 vào biên chế tác chiến.

Một số nguồn thạo tin vừa tiết lộ chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc sử dụng động cơ dưới chuẩn nên sẽ bị giới hạn đáng kể về các khả năng.
Trước đó, không quân Trung Quốc (PLAAF) hôm 9.2 xác nhận đã đưa J-20 vào phục vụ tác chiến và nhấn mạnh rằng J-20 sẽ nâng cao khả năng tác chiến toàn diện, giúp lực lượng này bảo vệ tốt hơn cái gọi là chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hai nguồn tin quân sự độc lập mới đây tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng J-20 hiện được trang bị động cơ WS-10B, dành cho chiến đấu cơ thế hệ cũ khi gia nhập PLAAF hồi tháng 3.2017. WS-10B là phiên bản được cải biến từ động cơ WS-10 Taihang, được thiết kế cho chiến đấu cơ thế hệ 4 J-10 và J-11 của Trung Quốc.
Việc trang bị động cơ không phải dành cho chiến đấu cơ thế hệ 5 khiến các khả năng của J-20 bị giới hạn nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khả năng vận hành, hiệu quả về nhiên liệu và khả năng tàng hình ở tốc độ siêu thanh, theo South China Morning Post.
Theo các nguồn tin này, Trung Quốc đã phát triển dòng động cơ mới WS-15 cho J-20, nhưng cuộc thử nghiệm năm 2015 bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng của loại động cơ này mà đến nay vẫn chưa được khắc phục.
“Động cơ được thiết kế cho J-20 phát nổ trong cuộc thử nghiệm hồi năm 2015. Vụ nổ cho thấy WS-15 không đáng tin cậy nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp cơ bản nào cho vấn đề này. Đó là lý do tại sao J-20 hiện nay vẫn đang sử dụng động cơ WS-10B”, một nguồn tin lý giải.
Tiết lộ trên cho thấy Trung Quốc thay đổi động cơ cho J-20 ít nhất 3 lần, theo South China Morning Post. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của J-20 hồi năm 2011 sử dụng 2 động cơ Nga AL-31, không mạnh bằng WS-15.
Moscow lâu nay từ chối xuất khẩu động cơ tiên tiến nhất của mình cho Bắc Kinh vì đó là công nghệ cốt lõi của ngành hàng không Nga. Tình trạng này buộc Bắc Kinh phát triển động cơ nội địa WS-15 để thay thế với mục tiêu chế tạo một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất trên thế giới.
Trung Quốc đã đẩy mạnh việc phát triển những động cơ tinh vi kể từ thế kỷ 21 và đầu tư ít nhất 150 tỉ nhân dân tệ (23,7 tỉ USD) trong giai đoạn 2010-2015, theo một số nguồn tin tiết lộ với South China Morning Post hồi năm 2016. Hai nguồn tin cho rằng Trung Quốc phải mất thêm một thời gian dài nữa mới có thể khắc phục vấn đề động cơ và J-20 vẫn phải sử dụng WS-10B cho đến khi WS-15 được phát triển thành công.
Bất chấp việc chưa sản xuất được động cơ thích hợp, Trung Quốc đã vội đưa J-20 vào biên chế tác chiến và lý do, theo nhiều nguồn tin quân sự, là vì môi trường an ninh trong khu vực đang ngày càng có nhiều thách thức với sự xuất hiện của chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Mỹ đã bắt đầu triển khai F-35 tới khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với 12 chiếc đóng tại Nhật. Hàn Quốc vừa cho hay trong năm nay sẽ nhận một số chiếc đầu tiên trong 40 F-35 nước này đã đặt mua. Một số nguồn tin trước đó còn tiết lộ Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật cũng đang xem xét mua phiên bản F-35B cho khu trục hạm trực thăng lớp Izumo.
Nhà bình luận quân sự Lương Quốc Lượng ở Hồng Kông nhận định rằng Trung Quốc hiện có “nhu cầu cấp thiết” về việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình hoạt động từ tàu sân bay dựa trên J-20 vì “môi trường an ninh khu vực ngày càng trở nên thách thức”.
“Chiến đấu cơ Mỹ F-35B mạnh hơn nhiều so với chiến đấu cơ chuyên dùng cho tàu sân bay của Trung Quốc là J-15. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, khả năng tác chiến của khu trục hạm trực thăng lớp Izumo của Nhật có thể sánh với khả năng của một tàu sân bay Trung Quốc nếu mỗi chiếc được trang bị 5-6 F-35B, mỗi chiếc tương đương với 10 chiếc J-15”, ông Lương bình luận.
Tuy nhiên, ông Lương lưu ý rằng Trung Quốc sẽ mất phải ít nhất một thập niên nữa mới có thể tạo ra phiên bản chiến đấu cơ tàng hình cho tàu sân bay dựa trên J-20 vì cần phải có nhiều điều chỉnh. Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, khi mới bắt đầu phát triển chiến đấu cơ cho tàu sân bay từ đầu thế kỷ 21, trong khi Mỹ đã thực hiện việc này từ thập niên 1930.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.