Người dân xếp hàng dài từ sáng sớm
Tại Nhà tang lễ Quốc gia, mặc dù Ban Tổ chức thông báo từ 18 giờ ngày 25.7 mới có thể sắp xếp cho người dân vào viếng Tổng Bí thư, nhưng bên ngoài rất đông người dân xếp hàng dài từ sáng sớm, tay cầm căn cước công dân để quét mã QR chờ vào viếng.
Nghe tin Tổng Bí thư từ trần, cựu binh Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi, ở H.Phúc Thọ, Hà Nội) ngày nào cũng khóc vì thương Tổng Bí thư đã phục vụ Tổ quốc, nhân dân đến giây phút cuối cùng. Ngày hôm trước, bà đã cùng các cựu chiến binh thuê trọ ở khu vực gần nhà tang lễ chờ sáng 25.7 vào viếng. Còn chị Đào Thị Việt Anh (trú TP.HCM) đã đặt vé máy bay chuyến sớm trong ngày để ra Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị xúc động chia sẻ: "Tôi chưa từng gặp Tổng Bí thư nhưng rất ngưỡng mộ cách làm việc của ông với đất nước".
Đến 16 giờ ngày 25.7, hàng nghìn người dân xếp hàng dài, đội nắng tại nhiều tuyến phố xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia để chờ đến giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người dân tuổi đã cao, nhiều em bé đi theo các gia đình, thậm chí nhiều người đang mang bệnh trong người vẫn không quản nắng mưa, mang theo di ảnh Tổng Bí thư, kiên nhẫn xếp hàng dài trước lối vào nhà tang lễ. Nhiều người không kìm được nước mắt tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Ngô Thị Huyền (80 tuổi, trú Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) dù đang bị ung thư đại tràng và phải nằm ở Bệnh viện K điều trị, chờ cấp thuốc nhưng vẫn ra xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư. Bà cho biết đã chia sẻ mong muốn được viếng Tổng Bí thư với bác sĩ ngay từ hôm Tổng Bí thư mất. "Theo lịch, nay là ngày bác sĩ khám và phát thuốc, nhưng tôi trốn ra ngoài. Tôi gọi điện báo với bác sĩ là đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác sĩ khi biết chuyện cũng đã tạo điều kiện để phần thuốc lại cho tôi. Sáng mai tôi lấy thuốc rồi sẽ ra đây để tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng", bà Huyền nói.
Vượt đường xa về Hà Nội, xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Để lại niềm thương tiếc vô bờ
Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thôn Lại Đà, xã Đông Hội, H.Đông Anh, TP.Hà Nội), từ mờ sáng 25.7, công tác chuẩn bị cho lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được chuẩn bị. Để phục vụ đón khách đến viếng và người già yếu, hàng chục xe điện được huy động. Dọc đường thôn, các chốt trực của lực lượng công an, thanh niên tình nguyện được bố trí để đảm bảo an ninh trật tự, phát nước uống cùng bánh kẹo miễn phí. Hàng trăm chiếc quạt của ban tổ chức cùng nhân dân địa phương cũng được huy động, đặt dọc con đường dẫn từ đầu cổng làng đến nhà văn hóa đã làm dịu đi tiết trời oi bức khi người dân thập phương về nơi quê nhà của Tổng Bí thư.
Rất đông người dân đã đăng ký và đến viếng Tổng Bí thư tại quê nhà. Ngoài những tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh…, nhiều gia đình ở tận Hà Giang cũng vượt hàng trăm km để tới Lại Đà tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đến cuối chiều 25.7, dòng người vẫn nối nhau xếp hàng dài gần 1 km chờ vào viếng và gửi những lời chia buồn đến thân nhân Tổng Bí thư. Theo ban tổ chức, đến 18 giờ 30 ngày 25.7, đã có 36.000 người đến thôn Lại Đà viếng Tổng Bí thư, bày tỏ sự tiếc thương và chia buồn cùng gia quyến.
Dù tuổi đã cao và vừa trải qua quãng thời gian nằm viện, nhưng ông Phạm Quang Thành (72 tuổi, trú xã Lại Yên, H.Hoài Đức, Hà Nội) đã không quản đường xa bắt xe buýt đến Lại Đà để nghiêng mình trước ban thờ của Tổng Bí thư. Ông Thành cho hay được dâng nén hương đến Tổng Bí thư, ông thấy rất toại nguyện. Trước đây, ông Thành thường theo dõi và nghe những phát biểu tâm huyết của của Tổng Bí thư tại các hội nghị; được thấy những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư cho sự nghiệp chung của đất nước, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng. Theo ông Thành, sự ra đi của Tổng Bí thư để lại trong ông niềm thương tiếc vô bờ.
Sáng sớm 25.7, ông Ngô Bá Dục, bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tự mình chống gậy đi bộ ra nơi tổ chức lễ tang để viếng bạn và không kìm được những giọt nước mắt. Nhà ông Dục chỉ cách nhà Tổng Bí thư vài bước chân, cùng lớn lên và cùng học một lớp từ cấp 1 đến hết cấp 3, do vậy hai người có rất nhiều kỷ niệm. Trong ký ức của ông Dục, Tổng Bí thư là người hiền lành, học giỏi toàn diện và chữ rất đẹp. Học hết cấp 1, hai người lên phố thuê trọ để tiếp tục theo đuổi con chữ với hành trang mỗi tháng là 15 đấu gạo. Sau mỗi buổi học, ông Dục và Tổng Bí thư rủ nhau ra sông Hồng vớt củi, hoặc vào khu công nghiệp dạy bổ túc cho công nhân để có tiền mua sách bút. Những kỷ niệm khó quên này được ông Dục viết trong một bài thơ tặng người bạn Nguyễn Phú Trọng, in trong cuốn kỷ yếu "Lứa học trò thuở ấy" tại Trường Nguyễn Gia Thiều...
Bình luận (0)