(TNO) Người chết la liệt, người bị thương ở khắp nơi, những đống đổ nát cao ngất, giao thông bị phá hủy, điện cúp, dư chấn xảy ra liên tục…, tất cả những điều đó khiến công tác cứu hộ, cứu trợ động đất ở Nepal thực sự là một thảm họa.
Người dân Nepal hoả thiêu các thi thể nạn nhân động đất, ở thủ đô Kathmandu ngày 26.4 - Ảnh: AFP
|
Các nhóm cứu trợ quốc tế vẫn đang tiếp tục đổ về Nepal nhằm giảm nhẹ hậu quả trận động đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 3.218 người, làm khoảng 6.538 người khác bị thương, theo cập nhật mới nhất của Reuters sáng 27.4.
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Orla Fagan, người đang trên đường đến Nepal, cho biết ngăn ngừa dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan cứu trợ vào lúc này.
Bà cho biết 14 đoàn y tế quốc tế đang trên đường đến Nepal và thêm 14 hoặc 15 đoàn cứu hộ quốc tế cũng sẽ sớm đến đất nước này. Hầu hết đều đi bằng máy bay quân sự để có thể đáp xuống Nepal trong thời gian sớm nhất.
Dự kiến trong ngày hôm nay 27.4, đoàn đối phó thảm họa gồm 70 thành viên của LHQ sẽ đến Nepal.
Một người sống sót đang chờ được cứu - Ảnh: AFP
|
LHQ cảnh báo tiêu chảy và sởi là 2 mối đe dọa khủng khiếp vào lúc này trong bối cảnh khan hiếm nước sạch, người dân sống tập trung trong điều kiện thiếu vệ sinh nghiêm trọng.
|
Dư chấn vẫn đang xảy ra liên tục, trong đó một trận dư chấn rất mạnh - đến 6,7 độ Richter trong ngày hôm qua 26.4 càng khiến người dân hoảng loạn. Tâm của dư chấn nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 60 km, làm sập thêm nhiều nhà cửa đã hư hại trước đó. Sức mạnh của dư chấn còn lớn hơn nhiều trận động đất.
Trong tình hình đó, ngay cả những người còn nhà cửa cũng không dám trở về. Tất cả phải tập trung trong các khu lều trại tạm bợ vừa được dựng lên.
Nhưng trong bối cảnh Kathmandu là một thành phố có mật độ dân cư rất lớn, tìm chỗ dựng lều cho người dân mất nhà cửa và đang cần trú ẩn cũng là một vấn đề hóc búa.
Dư chấn khiến cho những người may mắn không bị sập nhà cũng không dám về - Ảnh: AFP
|
Hôm qua Kathmandu lại có mưa, càng làm cho tình cảnh người dân thêm khó khăn. Nhưng không chỉ là khó khăn trong một ngày. Mùa mưa sẽ đến vào tháng 6, khiến các cơ quan cứu trợ phải chạy đua với thời gian.
Báo New York Times dẫn lời ông Gary Shaye, giám đốc hoạt động nhân đạo của tổ chức Save the Children lo lắng: “Cho dù chúng tôi có đủ chăn mền và lều trại tạm thời, tất cả làm sao thích hợp cho mùa mưa?”.
Quá nhiều khó khăn đang cản trở đáng kể công tác cứu trợ, cứu hộ. Tuy nhiên cũng đã có một số dấu hiệu khả quan. Sân bay quốc tế Kathmandu đã mở cửa trở lại, dẫu hoạt động còn đang hạn chế do dư chấn xảy ra liên tục. Một số đoàn xe cứu trợ đi từ Ấn Độ cũng đã đến được Nepal.
Tuy nhiên, các đoàn cứu trợ vẫn chưa thể tiếp cận được với một số ngôi làng xa xôi hẻo lánh nằm ngay ở tâm chấn. Lở đất là lý do ngăn cản nhân viên cứu trợ đến đến những ngôi làng này. Hệ thống liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn khiến người ta cũng không biết được tình hình tại những nơi đây. BBC cho biết những thông tin sơ khởi cho thấy nơi đây đang chịu tổn thất rất nặng nề.
Prakash Subedi, một quan chức tại khu vực Gorkha của Nepal phát biểu: “Những ngôi làng như thế này thường xuyên bị lở đất, và chuyện cả một ngôi làng 200, 300 hay có khi 1.000 người bị đất đá chôn vùi hoàn toàn không phải là hiếm”.
Phát ngôn viên tổ chức World Vision cho biết chỉ có trực thăng mới có thể tiếp cận được những ngôi làng kể trên.
Bình luận (0)