Đoàn công tác 10 người của Hội Chữ thập đỏ VN được cử sang Nepal để “Học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất”. Sự trùng hợp đã xảy ra, một trận động đất kinh hoàng đã biến đất nước Nepal thành đống đổ nát đúng vào ngày đoàn công tác ra sân bay để về VN (26.4). Tuy nhiên, đoàn công tác đã bị kẹt lại ở Nepal, đến trưa 28.4 mới về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Nepal tan hoang sau động đất. Hơn 8 triệu người bị ảnh hưởng và khoảng 1,4 triệu người rơi vào cảnh thiếu lương thực - Ảnh: Reuters
|
Bầu chọn
Nếu là bạn, bạn sẽ ở lại hay tìm cách thoát khỏi Nepal?
Nếu là bạn, bạn sẽ ở lại hay tìm cách thoát khỏi Nepal?
Cũng có ý kiến cho rằng: Hội Chữ thập đỏ VN là một tổ chức mà tính thiện nguyện phải đặt lên hàng đầu, là những người luôn có mặt để trợ giúp người khác khi có thiên tai, thảm họa. Đoàn qua đây để học cách ứng phó với động đất từ kinh nghiệm của nước bạn, thế thì sao gặp động đất lại quay về?
Hay tại sao không ở lại xắn tay cùng người dân Nepal, giúp đỡ họ và qua đó học thêm kinh nghiệm?
Lý do quay về được ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ VN, trả lời trên các phương tiện truyền thông là: Đoàn công tác không có phương tiện, cơ sở vật chất liên lạc. Khó khăn nữa là đoàn công tác không biết tiếng Nepal, trong khi người dân bản địa lại không sử dụng tiếng Anh, nên đoàn công tác rất khó để tham gia công tác ứng cứu thời điểm đó.
Trước sự kiện và lý do nêu trên, nếu là bạn thì bạn sẽ về hay ở lại?
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này, xin gửi cho Thanh Niên theo địa chỉ: [email protected]
Tôi sẽ ở lại
Nếu là tôi, tôi sẽ ở lại. Mình là thành viên Hội Chữ thập đỏ đi học tập kinh nghiệm thì đây là trải nghiệm, là bài thực hành hữu ích thiết thực, không phải học lý thuyết mà là làm thực tế. Hơn nữa, mình là nhân viên Hội Chữ thập đỏ thì sẽ có kinh nghiệm ứng phó, xử lý, ít nhiều sẽ hữu ích cho người dân địa phương. Ngôn ngữ không phải là vấn đề nghiêm trọng. Còn cơ sở vật chất lúc này ai cũng khó khăn cả. Chính quyền và người dân Nepal sau động đất rất cần người có khả năng xử lý giúp người gặp nạn. Nếu mình có khả năng thì ở lại giúp thôi. Cá nhân tôi nghĩ vậy.
Tuyết Hương (Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM)
Về hay ở lại là việc cá nhân của mỗi người
Việc quyết định đi hay ở lại Nepal hoàn toàn là việc cá nhân của mỗi người, ta nên tôn trọng. Nó không liên quan gì đến đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác trong Hội Chữ thập đỏ. Nếu bạn đang trong vùng thảm họa, muốn ở lại làm tình nguyện viên giúp đỡ cứu người thì đó là quyết định của cá nhân bạn. Còn đoàn Hội Chữ thập đỏ VN sang tập huấn, kết thúc khóa tập huấn là phải về. Nếu ở lại, họ không có tư cách can thiệp như là người của Hội Chữ thập đỏ mà chỉ là khách du lịch xin làm tình nguyện viên. Việc họ có được chấp nhận hay không là do tổ chức ở Nepal quyết định. Chưa kể visa cấp cho họ dựa trên chương trình đã vạch sẵn của Hội Chữ thập đỏ Nepal (không bao gồm có động đất). Hết hạn visa mà họ vẫn cố tình ở lại (dù là để giúp ai) thì họ sẽ được coi là nhập cảnh trái phép, sẽ không có một tổ chức nào nhận họ dù là làm tình nguyện viên. Nên nhớ trận động đất có thật này không nằm trong chương trình đào tạo. Mọi động thái ngoài chương trình tập huấn đều là tự phát cá nhân. Thế thôi ạ!
Facebook Tâm Phan
Bài học về giúp người gặp hoạn nạn
Nếu là tôi, đương nhiên tôi sẽ không làm như họ. Những lý do như không biết ngôn ngữ, không có phương tiện hỗ trợ… chỉ là ngụy biện. Trước một người gặp nạn cần giúp đỡ, tôi luôn cố gắng giúp họ trong khả năng của mình. Đó là bài học từ bố mẹ khi tôi còn rất nhỏ. Huống hồ ở đó có rất nhiều người cần giúp đỡ. Đặc biệt là mình đi học để xử lý tình huống đó nhưng khi tình huống đó xảy ra lại bỏ chạy thì thật không xấu hổ nào bằng. Đồng ý Nepal là nơi đang nguy hiểm, nhưng không phải họ đã chọn công việc đối mặt với nguy hiểm đó sao? Theo kinh nghiệm của tôi thì những sự kiện như Nepal rất cần người giúp đỡ. Phần nhiều là việc tay chân, không cần động não nhiều.
Vũ Anh Minh (Làm việc tại một công ty thông tin di động Telpacific, Úc)
Nên ở lại giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả
Tôi có vài người bạn ở Nepal, gia đình cũng có người thân tử nạn trong trận động đất vừa qua. Nếu là tôi, tôi sẽ ở lại và tìm cách hỗ trợ vì trong cơn hoạn nạn, họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Theo tôi được biết người dân Nepallà tinh thần của chuyến đi và tinh thần của nơi họ đang làm việc. Đó cũng chính là tinh thần xưa nay của người VN: thấy người gặp hoạn nạn phải chung tay giúp đỡ.
Mai Đức Toàn (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Bách Việt)
Thêm người chuyên nghiệp là sự trợ giúp quý báu
Không lý thuyết nào có thể thay thế trải nghiệm thực tế, là nhân viên Hội Chữ thập đỏ, tôi nghĩ mình có đủ khả năng để tự bảo vệ và không làm vướng bận nhân viên cứu hộ Nepal. Không có phương tiện, tôi vẫn có thể đề nghị cung cấp. Giữa tình trạng rối bời như vậy, thêm người chuyên nghiệp cứu nạn như chúng tôi, cũng là sự trợ giúp quý báu cho người dân đang bị nạn và hoảng loạn. Nói tóm lại, tôi sẽ ở lại, tự bảo vệ mình và hỗ trợ người dân đang bị nạn, vì những lý do đã nói ở trên, và còn vì tính chuyên nghiệp của nghề nghiệp và sự tri ân đối với Nepal vì đã mời chúng tôi qua học tập kinh nghiệm”.
Lâm Minh Chánh (Tổng giám đốc web xe khách Pasoto)
Cứu hộ cần những người có tinh thần xả thân
Việc các nhân viên này về nước là do họ quen với cách hành xử như một công chức bình thường. Bài bản nguyên tắc mà thiếu yếu tố xả thân vì cộng đồng. Tôi không trách họ khi họ về nước, nhưng tôi thấy có vấn đề về công tác tuyển chọn nhân sự. Công việc cứu hộ cần những người có tinh thần xả thân rất cao trong mọi tình huống. Chúng ta thấy khi tòa Tháp đôi ở Mỹ bị sụp đổ, hàng loạt nhân viên cứu hộ hy sinh luôn bên trong tòa nhà. Tinh thần của nhân viên cứu hộ phải là như thế.
Nếu tổ chức Hội Chữ thập đỏ VN tuyển chọn 10 người có tinh thần xả thân cao, tôi tin bằng mọi cách họ sẽ điện thoại về nhà xin ở lại Nepal... Còn nói về hiệu quả công việc, đôi lúc nó còn nằm ở ý nghĩa công việc đang làm. 10 nhân viên cứu hộ VN qua Nepal học tập, tình nguyện ở lại bên cạnh lực lượng cứu hộ Nepal để làm những công việc tùy theo khả năng có thể của mình, là một khích lệ lớn lao mang tầm quốc tế cho cả lực lượng cứu hộ nước bạn. Tiếc thay điều đó đã không xảy ra. Và cuối cùng, ta không trách họ, nhưng ta thấy 10 nhân viên này không đủ điều kiện để theo nghề cứu hộ.
Luật gia, đạo diễn Trần Đình Thu
Mỹ Quyên (ghi)
|
Bình luận (0)