Sông Đồng Nai bắt nguồn từ dãy núi Lang Biang, vượt bao ghềnh thác, chảy qua những cánh rừng đại ngàn xanh thẳm rồi đổ về bình nguyên Tà Lài. Để từ con thác cuối cùng Trị An, nó se duyên thêm dòng La Ngà từ Bình Thuận, Sông Bé từ Bình Phước trước khi đi qua Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi hòa mình vào biển lớn. Hơn 500 km nó đi qua, bất kể ngày đêm, dòng sông vẫn miệt mài bồi đắp phù sa cho đôi bờ cây thơm, trái ngọt.
Hàng nghìn năm qua, dòng Đồng Nai như mạch nguồn của sự sống, là chứng nhân bao biến thiên của lịch sử từ những cư dân bản địa Mạ, S'tiêng, K'ho đến những lưu dân người Việt đầu tiên vào khai phá - lập làng trên mảnh đất phương Nam hào sảng hơn 325 năm trước.
Cũng như bao dòng sông khác, Đồng Nai ẩn chứa bên trong nhiều điều kỳ thú về sự chinh phục của cư dân từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay. Khác với ở cao nguyên, dòng sông như chàng trai lực lưỡng khi vượt qua bao ghềnh thác thì lúc chảy vào miệt hạ nó trở nên hiền hòa, ôm ấp những cù lao xanh mướt, yên ả như đức tính hiền hậu của người dân miền đất đỏ.
Được biết đến là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, với lưu vực rộng lớn ảnh hưởng đến 12 tỉnh thành, những dải đất bên dòng sông mẹ Đồng Nai ôm trong mình một nền di sản văn hóa phong phú và đa dạng, ghi dấu ấn thuở hồng hoang cha ông mở cõi. Đó là những dấu tích khảo cổ học như Thánh địa Cát Tiên, Dốc Chùa, Cù Lao Rùa... đến nhiều công trình tín ngưỡng, đền thờ, chùa chiền từ lúc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào xác lập địa giới vùng đất Trấn Biên - Gia Định năm 1698.
Với người dân đôi bờ Đồng Nai, con sông không chỉ là kỷ niệm bến nước của tuổi thơ, tiếng khua chèo đánh lưới, phà chiều về nhà... mà nó còn mang trong mình những ký ức sâu thẳm của đời người khi sinh ra và lớn lên trên con sông quê. Ở Biên Hòa vẫn còn đó dấu tích cầu Ghềnh được xây dựng hơn 120 năm bắt qua con sông này. Đó là ký ức của những ngày đầu thông thương giữa vùng đất Biên Hòa lên Sài Gòn - Gia Định. Cái ngày cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập năm 2016, hàng trăm người Cù Lao Phố đổ ra ngắm nhìn những nhịp cầu mà tiếc thương, hoài niệm về ký ức gắn bó cùng với nó.
"Nhà Bè nước chảy chia hai,/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về", nơi dòng nước chảy chia đôi ấy, giờ đã thành tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực, thế giới. Nó hiện thân như con người miền Đông "gian lao và anh dũng", đổi mới sáng tạo, tư duy tiên phong đi đầu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dòng sông nghĩa tình bao dung như vùng đất mới đón nhận biết bao phận người từ khắp mọi nơi về đây học tập, làm việc và lập nghiệp. Từ những nhà máy thủy điện, những vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, dự án công nghiệp nhà máy tỉ USD, dòng Đồng Nai đang cùng sức người miền Đông "vun xới những mầm xanh". Trong khó khăn Covid-19, người dân Đông Nam bộ đã đoàn kết, chung tay để vượt qua đại dịch, dần dần đưa đầu tàu kinh tế lăn bánh trở lại.
Cùng với những nhịp cầu bắc qua con sông Đồng Nai đang dần thành hình như Bạch Đằng 2, Nhơn Trạch, Phước Khánh, Bình Gởi, Phước An..., các bến cảng được mở rộng, Đông Nam bộ đang phá "điểm nghẽn giao thông" để tăng tốc. Trong đó sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, cảng cạn Phú Mỹ... là điểm nhấn quan trọng cho cả vùng cất cánh, vươn xa.
Tuy nhiên, con sông - vốn có vị trí cực kỳ quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, chưa nói đến những trầm tích văn hóa vẫn còn ẩn chứa ở dưới đáy sông - vẫn còn đó những thử thách của nhịp sống đô thị với tình trạng ô nhiễm, sạt lở... Tôi cũng chẳng phải là nhà nghiên cứu, nhà văn hóa học để đi rồi hiểu…, nhưng có lẽ tôi vẫn biết rằng, dòng sông ấy luôn chất chứa những điều kì diệu mà chúng ta không bao giờ khám phá hết.
Bình luận (0)