>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 4: Kho vàng hời và cuộc săn lùng dai dẳng
>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 3: Thủy đạo bí mật trong lòng Phật viện
>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 2: Tấm văn bia bị đánh cắp
>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 1: Pho tượng bồ tát bị bẻ hoa sen
|
Lấy gạch cổ về xây nhà
Bên cạnh sự “công phá” của thời gian và bom đạn chiến tranh, bàn tay con người cũng “góp phần” làm cho khu di tích này thêm đổ nát. Đó là khoảng thời gian sau năm 1975, người dân trong làng Đồng Dương hằng ngày kéo vào khu vực tháp cổ để tìm kiếm cổ vật, vàng bạc và lấy cả gạch Chăm đem về xây dựng nhà cửa sinh sống. Những người già trong làng cho biết, nhiều tháp cổ lẽ ra vẫn có thể phục dựng, hoặc chí ít nền móng còn nguyên trạng. Thế nhưng, người dân vào đào xới lấy gạch về đã khiến Phật viện tan hoang. Bà Lê Thị Lựu (50 tuổi) cho biết, vào những năm 1980, có thời điểm chỉ sau 1 năm, có gia đình đã xây được một căn nhà mà vật liệu chính là gạch Chăm cổ đào được từ Phật viện mang về.
Trong khuôn viên khu di tích này, hễ cứ đặt cuốc đào là có gạch. Hết lấy gạch trên mặt đất, người dân lại đào xuống sâu hơn để tìm kiếm. Tuy nhiên, loại gạch này “chỉ dành” cho người mang dòng tộc họ Trà. “Có điều lạ là, người trong tộc họ chúng tôi lấy gạch về xây nhà, lát sân, làm chuồng... thì không sao. Nhưng người mang họ khác sử dụng gạch này thì gặp chuyện không may. Cho nên, từ bao đời nay, người ngoài làng Đồng Dương có ai dám lấy một viên gạch về đâu”, cụ Trà Tấn Huệ (84 tuổi) nói.
|
Nhà cụ Huệ đã từng dùng gạch Chăm để xây. Nhưng theo thời gian, những viên gạch này bị mục buộc cụ phải thay mới. Cách đây khoảng 5 - 7 năm, chính quyền xã Bình Định Bắc đã bắt giữ một chuyến xe chở toàn gạch Chăm cổ từ Phật viện ra. Theo cụ Huệ, những người mua gạch Chăm không biết để làm gì nhưng chắc chắn không chỉ đem về xây nhà. “Không thể đùa với gạch này được vì ngay trong làng Đồng Dương và những địa phương lân cận, có người lấy gạch về nhưng sau đó gặp toàn điềm gở, đau ốm nên phải trả lại”, cụ Huệ tiếp lời.
Cũng vì tin vào điều linh thiêng này và theo lời dặn của cha chồng mang họ Trà, bà Lựu luôn răn con cái không được mang loại gạch này về nhà để tránh sự phiền toái.
Câu chuyện về tộc Trà
Ở Đồng Dương không chỉ có Phật viện và kinh thành Indrapura là dấu ấn một thời hoàng kim của Vương quốc Chămpa mà còn có dòng tộc họ Trà phát triển đến ngày nay. Qua tìm hiểu các tài liệu liên quan, thủy tổ của tộc Trà ngày nay có thể là Trà Hòa Bố Để (vị vua cuối cùng của dòng Chế Mân). Hiện tộc Trà tại Đồng Dương có khoảng hơn 110 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Nói về hậu duệ của vương quốc Chămpa xưa, tại Đồng Dương duy chỉ có tộc Trà, không có thêm các họ khác như: Ung, Chế và Ma.
Cụ Trà Tấn Huệ cho biết, hiện tộc Trà tại Đồng Dương có 3 nhánh. Nhánh 1 đã tuyệt do ông Trà Cung làm trưởng nhánh (đã mất) chỉ có con gái. Sau đó, nhánh 1 nhập vào nhánh 2 là nhánh của cụ, do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng nhánh. Nhánh 3 do ông Trà Tấn Sắn làm trưởng tộc, nhánh 4 do ông Trà Tấn Tư làm trưởng tộc. Nhiều đời nay, tộc Trà sống quần tụ trong làng Đồng Dương và đã ghi nhận nhiều câu chuyện linh thiêng liên quan đến họ - hậu duệ của vương quốc Chămpa huy hoàng một thời.
Anh N.H, người sống ở xã Bình Định Bắc, cho biết khi anh còn nhỏ, cứ mỗi lần đi ngang Phật viện một mình, anh rất sợ bởi lời dặn của gia đình “không xâm phạm bất cứ thứ gì trong khu tháp cổ vì sẽ gặp xui xẻo” luôn trong tâm trí anh. Mùa hè đến, sim bầu chín mọng nhưng dù có ham chơi vào hái thì anh cũng chỉ “xin” ăn tại chỗ chứ không dám mang về nhà vì sợ mang theo điều không may về. Không những vậy, nhiều người không phải họ Trà thậm chí còn không dám bẻ một nhành cây mọc ở Phật viện để che dù trời rất nắng, không dám vào hốt phân, hái củi. Nhiều người làng Đồng Dương bây giờ đã trưởng thành nhưng vẫn nhớ rõ những lời dặn của ông bà, cha mẹ ngày xưa, rằng có ghé Phật viện chơi cũng không được trèo lên tượng hoặc tháp cổ vì sẽ bị “quở mắng” ngay. Có lẽ đây cũng là cách mà người xưa răn dạy con cháu để gìn giữ những di sản cha ông để lại.
Cho dù theo thời gian, Đồng Dương hoang phế, gạch đá ngổn ngang nhưng người dân Đồng Dương và tộc Trà vẫn tin vào sự linh thiêng ấy. Hỏi ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, ông gật đầu xác nhận. Ông Túc vốn là hậu duệ của tộc Trà lại làm công tác quản lý địa phương nên ông được nhiều người dân kể về sự linh thiêng của gạch Chăm.
“Một điều kỳ lạ là nếu không phải người tộc Trà vào Phật viện cắt cỏ về cho trâu, bò ăn thì chúng cũng không ăn được”, ông Túc kể thêm.
Hoàng Sơn
>> Di tích Phật viện Đồng Dương 'kêu cứu
>> Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt
>> Kỹ thuật chống đỡ mới tại Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương có thể được công nhận Di sản văn hóa thế giới
Bình luận (0)