Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng có nội dung: “Sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng”. Điều 52 Hiến pháp năm 2013 cũng xác định yêu cầu “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng”. Việc đưa “liên kết vùng” vào Hiến pháp và “điều phối liên kết vùng” vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần này là kết quả tổng kết thực tiễn, kiểm nghiệm và phát triển lý luận về phát triển vùng, liên kết vùng thời gian qua, cần được thảo luận, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện nghị quyết sắp tới.
Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp - Ảnh: Công Hân |
Sự cần thiết xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng
Liên tục trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X và XI đều có nội dung “phát triển vùng, lãnh thổ”. Cương lĩnh Đại hội Đảng XI (năm 2011) nêu định hướng lớn về phát triển vùng. Chiến lược phát triển KT-XH đất nước, giai đoạn 2011 - 2020 cũng có những nội dung định hướng phát triển vùng và liên kết vùng. Ban Chỉ đạo, điều phối 4 vùng kinh tế trọng điểm (phía bắc, miền Trung - Tây nguyên, phía nam và ĐBSCL), các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ cũng đã được thành lập ở các địa bàn chiến lược, góp phần quan trọng trong chỉ đạo, phát triển vùng.
Tuy nhiên, các Ban Chỉ đạo này mới thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất, kiểm tra, đôn đốc, chứ chưa được trao quyền hạn trong việc ra quyết định. Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần hoàn thiện, đặc biệt là cần có cơ chế pháp lý về liên kết vùng hiệu quả, thiết thực và hình thành tổ chức có thực quyền điều phối liên kết vùng.
Khai thông các “điểm nghẽn’
Các “điểm nghẽn” cản trở nhiệm vụ phát triển vùng hiện nay có thể kể ra: Một là, trong lý luận và thực tiễn vẫn chưa định rõ “khái niệm vùng”, còn tình trạng “vùng nằm trong vùng” dẫn đến chính sách vùng trùng lắp, chưa phù hợp.
Hai là, chưa rõ chủ thể cấp vùng, nguồn lực đầu tư cho vùng. Chính sách vùng được ban hành, quy hoạch vùng được phê duyệt, nhưng “chủ thể vùng” không rõ và thực tế là không có, nguồn lực đầu tư vùng phụ thuộc ngân sách của trung ương và cấp tỉnh.
Ba là, thiếu cơ sở dữ liệu vùng, hệ thống thống kê theo vùng “được chăng hay chớ” gây khó cho việc theo dõi, đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch kế hoạch theo vùng. Bốn là, cạnh tranh giữa các tỉnh có thể phá vỡ quy hoạch vùng.
Tình trạng các tỉnh “chạy đua khuyến khích” dẫn đến tình trạng tất cả đều có “quyền ưu tiên”, nên dẫn đến “không ai có quyền ưu tiên”. Năm là, tổ chức quản trị vùng và cơ chế phối hợp vùng, liên vùng còn nhiều hạn chế.
Đề xuất “thí điểm cơ chế liên kết vùng ĐBSCL” và trọng tâm liên kết
Liên kết vùng không chỉ quanh quẩn trong phạm vi “liên kết chính quyền” với các chương trình hợp tác giữa các địa phương với nhau như vừa qua, mà cần sự đẩy mạnh liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh theo các mô hình sản xuất mới, ưu tiên các chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ chủ lực của từng vùng. Để đảm bảo hiệu quả thực sự của hoạt động liên kết và điều phối có trọng tâm, trọng điểm, cần chọn thí điểm thực hiện theo những lĩnh vực đột phá và nội dung ưu tiên.
Theo đó, đề xuất tổ chức thí điểm “cơ chế điều phối liên kết vùng ở ĐBSCL”, chọn 2 lĩnh vực ưu tiên. Một là, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, bao gồm: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các nông sản chủ lực vùng như lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra. Liên kết phát triển thị trường; tạo thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Nâng cao năng lực cho nông dân tham gia các chuỗi giá trị, đa dạng ngành nghề, nâng cao sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân. Hai là, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu…
Theo chúng tôi, 4 nội dung ưu tiên điều phối liên kết vùng ĐBSCL: Một là, điều phối liên kết xây dựng quy hoạch, kế hoạch, gồm: Xây dựng, rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng thay cho các quy hoạch “cắt khúc” của từng tỉnh. Hai là, điều phối liên kết trong đầu tư, lập danh mục các chương trình, dự án, công trình cấp vùng và mang tính chất vùng cần ưu tiên đầu tư; dự kiến phân bổ nguồn lực và phối hợp thực hiện.
Ba là, điều phối liên kết xây dựng cơ chế chính sách, bao gồm: xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ về thuế, đầu tư và các nguồn lực khác (nếu có); xây dựng, ban hành bộ tiêu chí theo dõi và đánh giá các hoạt động điều phối liên kết vùng. Bốn là, thiết lập hệ thống thông tin vùng.
Dự thảo văn kiện ĐH Đảng toàn quốc đề ra nhiệm vụ “sớm xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng”. Nếu nội dung này được thông qua sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng trong việc thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL trong 5 năm tới, góp phần cho thành công của các quyết sách kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)