Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Đồng hồ bấm giờ điện tử treo ngay bếp reng reng

19/04/2024 20:16 GMT+7

Sau một lần tôi hâm nồi canh rồi để quên bẵng cho đến khi nó cạn cháy sém nồi, con trai tôi liền đặt mua một cái đồng hồ bấm giờ điện tử, treo ngay bếp cho mẹ. Mỗi khi nấu, cần bao nhiêu phút thì hẹn giờ, đồng hồ sẽ reng reng reng. Tiện thật.

Tuy là ngay trước mắt nhưng phải mất một thời gian tôi mới tập được thói quen đồng hồ bấm giờ trong lúc nấu nướng. Khi đã quen rồi, tôi mới nhận ra việc tiết kiệm điện mà ít người chú ý "chức năng" này của đồng hồ bấm giờ tuyệt chiêu này.

Rõ ràng, so với việc "quên" thì nó đã tiết kiệm bao nhiêu là điện rồi.

Bếp nhà tôi thường để các dụng cụ trước mặt dễ thao tác khi nấu.

Bếp nhà tôi thường để các dụng cụ trước mặt dễ thao tác khi nấu.

TGCC

Nhà tôi nấu bếp hồng ngoại, tôi dùng nồi, chảo loại inox 3-5 lớp đáy liền khối và nồi thủy tinh, giữ nóng rất tốt. Khi nấu, tôi đặt chế độ 600°C. Những món kho, hầm... cần nấu lâu, vừa sôi, tôi điều chỉnh nhiệt độ thấp dần sao cho thịt, cá mềm và thấm.

Nấu canh rau, bỏ rau vào chờ sôi là tôi tắt bếp và bắc ra khỏi bếp, rau sẽ giữ được dinh dưỡng, mềm ngon nhờ sức nóng từ nồi. Nếu nấu canh củ, bí đỏ... cần thời gian để mềm, tôi tắt bếp khi nồi canh vừa sôi, nêm nếm và để nguyên trên bếp. Sức nóng từ bếp và từ nồi sẽ làm nguyên liệu chín mềm ngon.

Một ví dụ nhỏ từ món đậu phụ nhồi thịt. Cách làm của tôi là mua đậu chiên, sau khi nhồi thịt, tôi cho đậu vào nồi chiên không dầu và bật chế độ 10 phút với nhiệt độ 190°C. Như vậy miếng đậu sẽ chín một phần. Sau đó tôi làm xốt cà chua gia vị nêm nếm vừa ăn rồi bỏ đậu vào, trở đều.

Chờ sôi, tôi giảm nhiệt độ dần cho đậu mềm, thấm gia vị rồi tắt bếp, nhưng chảo vẫn còn sôi từng miếng đậu sẽ thấm đều gia vị và ngon do sức nóng từ bếp và đáy chảo. Như vậy, tôi đã tiết kiệm một lượng điện tiêu thụ nếu chiên với dầu cho chín đậu rồi xốt cà chua thời gian sẽ lâu hơn và nhọc công hơn.

Biểu diễn các tiết mục tiết kiệm điện trong trường học của ngành điện miền Trung

Biểu diễn các tiết mục tiết kiệm điện trong trường học của ngành điện miền Trung

Nhân viên EVNCPC tư vấn khách hàng những bí quyết tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Nhân viên EVNCPC tư vấn khách hàng những bí quyết tiết kiệm điện mùa nắng nóng

EVNCPC

Khi nấu ăn, tôi luôn chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ sẵn sàng trong tầm tay, nhất là những món như: canh chua, xào thịt bò, mực... Có nghĩa là bật bếp, nấu liên tục trong một lần, không mất thời gian do phải tìm thứ này, thứ khác. Bếp khi tắt rồi vẫn còn đủ nóng để nấu trong vòng 5 phút nên tôi thường dùng để hâm những món ít, tận dụng cho hết sức nóng của bếp cũng là cách tiết kiệm điện.

Tôi thường cắm nồi cơm điện trước khi ăn khoảng từ 30 phút. Như vậy, cơm xới ra vừa nóng, mềm ngon và tiết kiệm điện vì không phải hâm nóng cơm.

Thực phẩm nấu xong cho vào tủ lạnh tôi phải để thật nguội.

Tôi có thêm vài "chiêu" tiết kiệm điện khác. Ví dụ như: Chỉ sử dụng máy giặt khi có đủ lượng quần áo (khoảng 80% công suất) cần thiết. Không giặt nhiều quá (dễ hại máy) mà cũng không ít quá (tốn điện, nước). Chế độ giặt bằng nước nóng sẽ rất tốn điện do đó chỉ dành cho khi nào thật cần.

Tôi để quạt máy chạy chế độ trung bình bởi vì cánh quạt quay càng nhanh thì điện năng tiêu thụ càng lớn. Khi nào quạt có bụi nhiều, tôi lau sạch sẽ vì bụi bẩn bám vào quạt không chỉ bị hít thở không khí không sạch mà còn làm tiêu tốn điện. Nhắc nhở mọi người trong gia đình ra khỏi phòng phải tắt đèn, quạt, máy điều hòa...

Tuy nhiên, còn một việc mà tôi chưa đưa vào "nề nếp" tiết kiệm điện được là ông chồng tôi có tật mở ti-vi coi đá banh rồi ngủ, có khi đến gần sáng.

Đồng hồ bấm giờ bên phải

Đồng hồ bấm giờ bên phải

TGCC

Trở lại cái đồng hồ bấm giờ điện tử. Nhờ có nó mà tôi không phải lo lắng cho sự đãng trí của mình nữa. Tôi rút ra kinh nghiệm rằng, tiết kiệm điện có ý nghĩa là không để lãng phí điện chứ không phải hạn chế tiện nghi sử dụng. Phần này, người ta đã thống kê rằng số lượng điện hao phí trong sử dụng rất lớn, đôi khi gần bằng một nửa lượng điện sử dụng. Vì vậy, không nên coi thường những khoản tiết kiệm nhỏ, một lượng nhỏ năng lượng tiết kiệm có thể dành cho người khác sử dụng, tiết kiệm được ngân quỹ gia đình.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2: Những chuyện hay tôi kể do Báo Thanh Niên và EVNHCMC đồng tổ chức, có tổng các giải thưởng gần 100 triệu đồng, bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 9.4.2024 - 10.7.2024 (thể lệ đăng chi tiết trên Thanh Niên Online).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.