Chúng tôi về làng Châu Bí, nằm dưới chân núi Bồ Bồ (xã Điện Tiến, H.Điện Bàn, Quảng Nam), nơi hàng năm, cứ tới ngày giỗ Tổ (7/9 L), các môn sinh tụ hội ở cội nguồn võ phái tộc Hồ Công để gặp gỡ, giao lưu, thi triển võ nghệ, hấp thụ tinh hoa võ học bản môn. Theo võ sư Hồ Công Vinh, chưởng môn đời thứ 9 của Hồ Công võ phái thì Long Xà là môn võ được hình thành và phát triển tại đây hơn 400 năm trước với Tổ sư tướng quân Hồ Công Sùng. Theo sách “Đại nam nhất thống chí" thì ông là một vị tướng đảm lược, giữ chức “Đô chỉ huy sứ thiêm sự vệ Phù Nam” dưới triều nhà Mạc. Đầu thế kỷ 17, tướng quân Hồ Công Sùng từ quan, dẫn ba người con trai vào miền Châu Bí khai hoang, mở đất. Tại đây, ông đã sáng chế nên những thế võ độc đáo, khai sinh quyền pháp Long Xà. Quyền pháp Long Xà được mô phỏng từ những thế trườn, quật, bắt mồi của loài rắn dữ. Cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn của cương, nhu, mà thân pháp của người luyện võ dẻo dai, uyển chuyển. Nhờ sự dung hòa tinh tế giữa quyền pháp và thân pháp mà Long Xà có những đòn thế rất độc, từng là nỗi ám ảnh một thời trên các sàn đài như “xuyên tâm nghịch cước”, hay “bắt ngựa đọng”...
|
Vang bóng một thời
Con cháu tộc Hồ Công đều tinh thông võ nghệ, gìn giữ và lưu truyền các đòn thế của bản môn theo đúng quy ước “Ngoại tộc bất truyền”. Tuy nhiên, đến năm 1944, quy ước này đã được chưởng môn đời thứ 8, võ sư Hồ Điệp chính thức bãi bỏ bằng một lễ cáo Tổ. Từ năm 1916, tộc Hồ Châu Bí có nhiều người tham gia trong phong trào Duy Tân, dạy võ, chiêu binh, phát triển nghĩa quân cho phong trào với những cái tên như Hồ Công Cung, Hồ Quảng Ngôn, Hồ Xuyến... Thời kỳ này, võ phái Hồ Công với quyền pháp Long Xà cũng trở thành nơi sản sinh nhiều võ sĩ xuất sắc về tài nghệ, lừng lẫy về tiếng tăm, và là những chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào đấu tranh. Tuy nhiên, người được nhắc đến nhiều nhất là võ sư Hồ Hương, chưởng môn đời thứ 7, với tuyệt chiêu khinh công và 5 đường roi tuyệt kỹ. Với 5 đường roi, ông đã đánh bại Big Bag, một võ sư người Pháp nổi tiếng lúc bấy giờ. Người thứ hai là võ sư Hồ Điệp, chưởng môn đời thứ 8. Võ sư Hồ Điệp đã đào tạo nên nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Nhưng xuất sắc nhất, danh tính được truyền khẩu nhiều nhất vẫn là 2 anh em ruột là Hồ Cưu và Hồ Cập. Tư liệu của võ sư Hồ Công Vinh lưu lại có ghi, Hồ Cưu sinh năm 1912, với biệt tài “hốt” ngựa, ông đã tung hoành ngang dọc trên các võ đài lớn, nhỏ mà chưa một lần thất bại. Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu vô địch Quảng Nam, vô địch miền Trung, vô địch miền Nam, vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Campuchia và Lào) do Pháp tổ chức. Hồ Cập là em ruột Hồ Cưu, cũng là một võ sĩ bất khả chiến bại. Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, đội Tự vệ làng Châu Bí do Hồ Cập chỉ huy được điều động về Hội An làm nhiệm vụ bảo vệ Tổng bộ Việt Minh tỉnh Quảng Nam... Ông hy sinh trong cuộc tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân 1968.
Gìn giữ cho đời sau
Năm 2001, khi ông Hồ Điệp qua đời, võ sư Hồ Công Vinh trở thành truyền nhân đời thứ 9 của Hồ Công võ phái và là võ sư cấp 18 của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tại Quảng Nam, đã có hàng ngàn môn sinh theo học võ phái Long Xà ở 4 võ đường lớn nằm rải rác ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Trong số học trò của võ sư Hồ Công Vinh, có nhiều người trở thành võ sĩ xuất sắc như: Hồ Công Thạch (HCV Giải trẻ toàn quốc, HCB giải vô địch quốc gia), Võ Thành Long (HCV giải vô địch quốc gia 3 năm liền 2004-2006)... Theo võ sư Hồ Công Vinh, trong số các học trò của ông thì hiện tại, người duy nhất lĩnh hội khoảng 70% tuyệt kỹ của võ phái Long Xà là Hồ Công Anh (sinh năm 1986, con trai cả của võ sư Vinh) dù anh không theo nghiệp võ... Riêng tuyệt chiêu “xuyên tâm nghịch cước”, và “bắt ngựa đọng” thì hiện tại chỉ có khoảng 40% trong số môn sinh của Long Xà học được. Đây là những đòn hiểm với tính đối kháng cao, chính vì vậy, tùy vào tư chất của mỗi môn sinh mà võ sư Vinh quyết định truyền thụ nhằm gìn giữ đòn thế của bản môn. Hiện tại, bên cạnh việc dạy võ, võ sư Vinh dành nhiều thời gian và tâm huyết đúc kết lại những tuyệt chiêu của võ phái Long Xà để lưu truyền hậu thế. “Tôi cố gắng nhớ và ghi chép lại, vì cha tôi (ông Hồ Điệp) không dạy qua sách vở. Lâu lâu được ngủ với ông một lần, nên tôi đã thức suốt đêm hỏi ổng những đòn này, thế nọ... để ổng chỉ cho”, võ sư Hồ Công Vinh đùa vui nhưng cũng đầy nỗi niềm.
Dù công việc đã đi được gần 80% chặng đường, nhưng theo ông, với những đòn, thế truyền khẩu trong suốt cả thế kỷ thì việc ghi chép lại một cách chân xác không dễ dàng gì.
An Dy
>> Nóng với Võ lâm truyền kỳ
>> Võ sư miền sơn cước
>> Phóng viên học võ
Bình luận (0)