Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội (QH) đề xuất 43 cơ chế ở 7 lĩnh vực để TP.HCM phát triển xứng tầm, trong đó có lĩnh vực tổ chức bộ máy của chính quyền TP.Thủ Ðức. Liên quan đến cơ chế cho mô hình "thành phố trong thành phố", PV Thanh Niên đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.Thủ Ðức.
TP.Thủ Ðức ra đời trong bối cảnh nào, thưa ông?
Vào năm 2018, TP.HCM bắt đầu nghiên cứu việc thành lập TP.Thủ Ðức trên cơ sở nhập 3 quận cũ (2, 9 và Thủ Ðức). Cơ sở chính trị, pháp lý thời điểm đó là Hiến pháp, luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như chủ trương của Bộ Chính trị về sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Cũng cần nhắc lại thời điểm năm 1997, 3 quận cũ tách ra từ H.Thủ Ðức. Kết quả tổng kết 20 năm chia tách (1997 - 2017) của 3 quận cho thấy mỗi quận đều có hướng phát triển đô thị rất mạnh mẽ nhưng bị hạn chế do bị chia cắt theo địa giới hành chính, hạ tầng chưa kết nối đồng bộ. Trên cơ sở đó, sau 3 năm thai nghén thì TP.Thủ Ðức được QH cho phép thành lập và hoạt động chính thức từ năm 2021.
Sau hơn 2 năm thành lập, TP.Thủ Ðức đã làm được những gì?
Chúng tôi xác định nhiệm vụ phục vụ nhân dân cần được tập trung cao độ nhất. Cùng một việc đó, trước đây ở 3 quận thì có 3 người làm, nay chỉ còn 1 người làm nên phải nỗ lực tối đa mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Dù vậy, vẫn còn chậm trễ khiến người dân phiền lòng. Như năm 2022, TP.Thủ Ðức đặt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ hành chính đúng hẹn từ 96% trở lên nhưng chỉ đạt 92%, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng có hồ sơ trễ hẹn lớn. Một quận phục vụ 500.000 dân, nay với một thành phố hơn 1,2 triệu dân thì chất lượng cũng ảnh hưởng phần nào.
Thứ hai, TP.Thủ Ðức chứng minh được mình là cực tăng trưởng mới của TP.HCM. Như năm 2021, tổng thu ngân sách hơn 10.000 tỉ thì năm 2022 là gần 20.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi. Ðiều đó khẳng định được nội lực trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ...
Nhiều kỳ vọng
Sau khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Thủ Ðức, ông đã gặp gỡ các đảng viên, người dân. Trong các buổi gặp gỡ đó, cấp ủy và người dân kỳ vọng những gì?
Cảm nhận chung và lớn nhất là đảng viên và người dân đều mong mỏi TP.Thủ Ðức phát triển nhanh và có thể nhìn thấy được. Như đường đất phải thành đường bê tông, đường nhựa; đường chưa có cống thoát nước thì phải đầu tư làm cống mới; nhà cửa chỉnh trang theo quy hoạch. Có chỉnh trang hạ tầng thì mức sống mới được nâng lên, rồi người dân tận dụng vị trí, lợi thế nhà đất để sản xuất kinh doanh.
Nhưng để làm được việc đấy thì cần nguồn lực rất lớn. Thống kê sơ bộ, toàn TP.Thủ Ðức còn hơn 800 hẻm nhỏ dưới 2 m, một vài phường còn đường đất. TP.Thủ Ðức vẫn thực hiện các công trình dân sinh theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng vẫn cần những công trình quy mô lớn do nhà nước bỏ kinh phí làm. Do vậy, nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị lần này cần phải bao phủ được việc này cùng với cơ chế huy động nguồn lực lớn.
Ðể chỉnh trang đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển, TP.Thủ Ðức cần những cơ chế nào?
Tôi có một sự so sánh giữa sự ra đời của TP.Thủ Ðức và câu chuyện Thánh Gióng. Truyền thuyết kể rằng cậu bé sau 3 năm không nói không rằng, nghe tiếng lệnh vua ra giúp nước thì bỗng dưng vươn vai lớn lên trở thành Phù Ðổng. Mà từ Phù Ðổng muốn thành Thánh Gióng phải có ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt.
Liên hệ với TP.Thủ Ðức, ngựa sắt chính là bộ máy, phải có bộ máy ngon lành để vận hành thành phố hơn 1,2 triệu dân. Giáp sắt là quy hoạch, đây là áo giáp để bảo vệ và phát triển. Còn roi sắt chính là cơ chế để vận hành. 3 năm qua, Thủ Ðức lớn lên to đùng nhưng chưa có ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 lần này, QH sẽ xem xét cho TP.Thủ Ðức tổ chức bộ máy, tức là ngựa sắt. Còn về quy hoạch, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung, chúng tôi cũng đã trình được đồ án để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xong quy hoạch là có giáp sắt. Còn roi sắt là những cơ chế về tài chính, đầu tư để có nguồn lực tương ứng thực hiện quy hoạch đó.
Trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54, TP.Thủ Ðức đã đề xuất những gì, thưa ông?
Ðầu tiên, TP.Thủ Ðức được định hướng phát triển toàn đô thị thì HÐND TP.Thủ Ðức cần có ban đô thị để thẩm định công trình, chương trình, dự án phát triển đô thị, cũng như giám sát việc thực thi các nghị quyết của HÐND về phát triển đô thị.
Với quy mô dân số trên 1,2 triệu dân nên trưởng các ban của HÐND TP.Thủ Ðức phải là chuyên trách. Hiện nay, Trưởng ban Pháp chế và Trưởng ban Kinh tế - xã hội đều là kiêm nhiệm, không có đủ thời gian tìm hiểu sâu. Như vậy, nếu được QH thông qua cơ chế mới, HÐND TP.Thủ Ðức sẽ có 3 ban: Pháp chế, Kinh tế - đô thị và Văn hóa - xã hội, số lượng cán bộ chuyên trách tăng từ 3 lên 8 người. Bộ máy như vậy sẽ đủ sức giúp HÐND giám sát, thẩm định nhiệm vụ phát triển đô thị.
Về khối chính quyền, TP.Thủ Ðức đề xuất bổ sung thêm 1 phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực bồi thường dự án. Bởi lẽ, khâu bồi thường là quan trọng nhất trong phát triển hạ tầng. Chưa kể, chi phí bồi thường cũng thường chiếm từ 50% tổng mức đầu tư dự án trở lên nên cần thêm người để giải quyết hồ sơ và tạo quỹ đất cho phát triển dài hạn. Ðặc biệt, TP.HCM định hướng phát triển đô thị dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thì phải tính toán đầu tư quỹ đất đó. Nếu giao Phó chủ tịch đô thị hiện giờ làm luôn thì sẽ quá tải, không đủ sức quản lý, giám sát.
TP.Thủ Ðức đề xuất như vậy không phải chỉ xin cho riêng mình, mà còn thí điểm để các thành phố khác sau này có thể thực hiện theo. Quan trọng hơn là thêm người để phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, tốt hơn chứ không phải thêm ghế để bố trí cho cán bộ.
Sứ mệnh mới với tp.hcm và vùng đông Nam bộ
Nhiều ý kiến đặt vấn đề xin nhiều cơ chế như vậy, liệu TP.Thủ Ðức có đảm đương nổi?
Ðến giờ này, TP.Thủ Ðức đã sẵn sàng. Tôi có niềm tin đội ngũ cán bộ TP.Thủ Ðức đủ sức để thực hiện nhiệm vụ được giao sắp tới rất nặng nề với một điều kiện là mỗi người phải lấy việc làm trọng, chứ không phải lấy chức vụ làm trọng. Ai mà lấy chức vụ làm trọng thì công việc sẽ bị trễ nải.
Ðội ngũ có rồi thì mình phải kích tinh thần phấn đấu, dấn thân, cống hiến; chứ có cơ chế rồi mà con người không chịu làm, không có tư tưởng đổi mới hay đột phá, thì cơ chế đó cũng chỉ nằm trên giấy.
Sắp tới, TP.Thủ Ðức sắp xếp lại tổ chức bộ máy khi có cơ chế, chính sách mới; cán bộ, công chức nào thờ ơ, vô cảm trước tình cảnh của người dân thì sẽ bị loại khỏi bộ máy để người khác làm.
TP.HCM xin những cơ chế mới với tinh thần vì cả nước, vậy TP.Thủ Ðức nhìn nhận mình có vai trò gì với TP.HCM và với cả nước?
TP.Thủ Ðức may mắn là địa phương cấp huyện được QH quyết định những việc về tổ chức bộ máy, cơ chế. Với TP.HCM, TP.Thủ Ðức là một địa phương thực hiện mô hình "thành phố trong thành phố" nên sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện sứ mệnh là cực tăng trưởng mới của một mô hình chính quyền đô thị.
TP.Thủ Ðức có lợi thế về hệ thống giao thông được quy hoạch khá đồng bộ, từ đường thủy, đường bộ, đường sắt và hàng không. TP.Thủ Ðức tiếp giáp 5 thành phố xung quanh: Thuận An và Dĩ An của Bình Dương; Biên Hòa, sau này thêm Nhơn Trạch và Long Thành của Ðồng Nai. Ðối với vùng Ðông Nam bộ, TP.Thủ Ðức nằm ở vùng lõi, đô thị liên kết vùng với tính chất là cực tăng trưởng của TP.HCM nhưng cũng là động lực của cả miền Ðông Nam bộ, thu hút nguồn lực, nhân lực từ các nơi về.
Bình luận (0)