Động lực để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

01/01/2025 06:16 GMT+7

Lịch sử bứt phá thành công của nhiều nước trên thế giới đều có một điểm chung, khơi dậy hào khí dân tộc.

Đó là một Nhật Bản vươn lên sánh ngang các cường quốc hàng đầu thế giới nhờ ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết; là một Hàn Quốc quyết liệt trỗi dậy từ đổ nát sau chiến tranh trở nên thịnh vượng, phát triển...

Tại VN, thông điệp "kỷ nguyên mới" của Tổng Bí thư Tô Lâm đang truyền cảm hứng rất lớn trong các tầng lớp nhân dân. Nhân năm mới 2025, Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đình Thiên (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, về cơ hội chuyển hóa nguồn "cảm hứng dân tộc" thành động lực để "vươn mình trong kỷ nguyên mới".

Động lực để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Khí thế nhập cuộc mới

Ở thời điểm hiện tại, tôi có cảm nhận một bầu không khí phấn chấn, một tâm thế sẵn sàng bước vào "kỷ nguyên mới" ở khắp nơi, ông có cảm nhận thấy tâm thế đó và ông lý giải thế nào về "cảm hứng dân tộc" đã khá lâu rồi mới được khơi dậy mạnh mẽ như vậy?

Động lực để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Năm 2024, việc 3 luật gồm luật Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực giúp thúc đẩy phát triển kinh tế

ẢNH: NHẬT THỊNH

Hiện nay đang là thời điểm hiếm có của quá trình tích hợp - tổ hợp - hội tụ các yếu tố đó trong lịch sử phát triển đất nước. Phải nhận diện đúng thời cơ mang tính lịch sử này, "chớp" lấy nó, biến nó thành quá trình "vươn mình - tăng tốc" xứng tầm".

Không gì là không thể !

Khái niệm "kỷ nguyên vươn mình", tôi nghĩ còn hàm một ý quan trọng rằng đây sẽ là một kỷ nguyên hành động, nhưng là hành động khác thường. Thực tế cho thấy nếu không hành động khác thường, chúng ta khó lòng vượt qua được chính bản thân mình với cái "điểm nghẽn của điểm nghẽn" tồn đọng bao nhiêu năm như vậy.

Và cũng chính là tính cam kết hành động, chứ không phải chỉ là vẻ đẹp của các mục tiêu cao cả, mới là yếu tố quyết định tạo lập lòng tin mạnh mẽ của xã hội hiện nay. Cuối cùng, tôi muốn nói: Với lòng tin như vậy, quả thật "không gì là không thể".

PGS-TS Trần Đình Thiên

Tôi cũng có cảm nhận như vậy: Thật sự hào hứng. Đất nước đang có một khí thế nhập cuộc mới, tự tin và sẵn sàng. Tôi cũng cho rằng, lý giải "cảm hứng dân tộc" này là chuyện nên làm, cần làm bởi vì chúng ta phải duy trì, thúc đẩy nó, thường xuyên và mạnh mẽ. Không chỉ là góc độ vĩ mô mà mỗi người cũng cần làm để tự biết mình nên đóng góp như thế nào vào "sự nghiệp" cảm hứng dân tộc chung đó. Cá nhân tôi nghĩ đến hai điều. Thứ nhất, lòng tự tôn và tinh thần tự hào dân tộc đang có một điểm khởi phát đúng tầm và đúng lúc.

Thứ hai, thông điệp "điểm nghẽn của điểm nghẽn" chứa đựng hàm ý về nỗ lực và triển vọng giải phóng những nguồn sức mạnh lớn lao của dân tộc sau nhiều năm.

Cả hai thứ đang truyền một cảm hứng rất mạnh về thời cơ và triển vọng của đất nước.

Theo ông, vì sao thông điệp "kỷ nguyên mới" lại thổi bùng lên "cảm hứng dân tộc", "hào khí dân tộc" hiện nay?

Nói đến "kỷ nguyên mới" là nói đến một thời đại phát triển mới, khác về chất chứ không phải là một thời đại bất kỳ. Nó hàm ý một triển vọng tươi sáng, được kỳ vọng cho loài người hay cho một dân tộc. Theo tôi, khái niệm "kỷ nguyên mới" của Tổng Bí thư Tô Lâm là nói về tương lai VN, một đất nước đang có khát vọng và nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Quan trọng hơn, việc đưa ra khái niệm này với tư cách là một thông điệp phát triển cho đất nước đã thổi một sinh khí mới vào nền kinh tế, vào một xã hội đang vật lộn với những "nút thắt", "tắc nghẽn" để tiến lên, vượt lên một trình độ mới.

Đặc biệt, việc chọn đúng thời điểm - đúng thời cơ để phát đi thông điệp của Tổng Bí thư đã tạo nên "cảm hứng dân tộc", tạo nên sức chinh phục mạnh mẽ của chính thông điệp ấy.

Ông có thể phân tích rõ hơn về tính "đúng thời điểm - đúng thời cơ" mà Tổng Bí thư chọn để phát đi thông điệp "kỷ nguyên mới"?

Thứ nhất, tinh thần thông điệp phát ra phù hợp với xu thế chuyển đổi kép, mạnh mẽ và khác thường của thế giới và thời đại: Từ "nâu" sang "xanh"; từ "kinh tế vật thể" sang "kinh tế số", từ trình độ "lao động chân tay" chuyển sang thời đại thống trị của trí tuệ - sáng tạo, với đặc trưng nổi bật là tốc độ cao và lan tỏa rộng chưa từng thấy. VN cùng với loài người lại bước vào "Kỷ nguyên Ánh sáng". Tôi dùng lại từ "Kỷ nguyên Ánh sáng" để gợi nhớ đến cột mốc lịch sử - đánh dấu việc loài người thoát khỏi "đêm trường Trung cổ" cách đây mấy thế kỷ.

Trở lại với hiện tại, chúng ta đều thấy VN đi sau, còn nghèo, nhưng đã nhập vào quỹ đạo phát triển đó của loài người, với mức độ sẵn sàng và tinh thần mở cửa - hội nhập cao. Với lợi thế đi sau, VN phải chuyển được kỷ nguyên nhân loại thành cơ hội phát triển của chính mình.

Thứ hai, về điều kiện chủ quan. VN đã trải qua gần 40 năm đổi mới, với những thành công to lớn, đã tạo thế và lực, xác lập đà phát triển mạnh, khẳng định xu thế không thể đảo ngược của con đường đã chọn. Ở chiều ngược lại, 40 năm đó cũng giúp bộc lộ những vấn đề, điểm yếu mà nền kinh tế, đất nước phải vượt qua, nhất là trong cuộc đua tranh toàn cầu, khi vị thế vẫn còn tụt hậu; nền kinh tế vẫn đối mặt với nguy cơ lọt "bẫy thu nhập trung bình"; xã hội chưa đến tầm văn minh - hiện đại. Vì thế, phải "vươn mình" để vượt qua chính mình, chính từ thời điểm này, không thể muộn hơn. Đây là một luận điểm quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập. Nó không chỉ thể hiện tính cấp bách mà cao hơn thế, mức độ sinh tử của việc giải quyết vấn đề.

Đặc biệt, tính thời cơ lịch sử còn thể hiện rất rõ khi sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo đất nước không hề gây ra sự hoài nghi, sự băn khoăn, lo ngại. Ngược lại, sự thay đổi giúp tăng cường sự ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy, củng cố lòng tin của cả dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Nó khơi dậy tinh thần đổi mới hào hùng của 40 năm trước và truyền một cảm hứng đặc biệt mạnh mẽ về khát vọng "tiến kịp - sánh vai" và tính khả thi. Theo nghĩa đó, nó giúp đổi mới lòng tin, tạo ra một động lực phát triển mới, khác thường để vượt qua những thách thức mới mẻ, gay gắt chưa từng thấy.

Đảng ta sắp tiến hành Đại hội lần thứ XIV. Việc đưa ra những ý tưởng phát triển mới, những thông điệp định hướng và những giải pháp chiến lược của Tổng Bí thư hiện nay giúp Đảng kịp thời bổ sung, điều chỉnh, làm mới và định hình quan điểm đường lối và chiến lược phát triển cho tương lai đầy ắp kỳ vọng của đất nước.

Nếu không kịp thời làm việc đó thì e rằng "ngày mai thì sẽ muộn". Tôi đặc biệt đánh giá việc nắm bắt đúng thời điểm mang tính thời cơ lịch sử này.

Thực tế cho thấy hào khí dân tộc đã giúp nhiều quốc gia đột phá thành công. Nói đến hào khí dân tộc VN, mỗi người chúng ta đều nghĩ ngay đến lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng. Ở thời điểm hiện tại, hào khí dân tộc đang được kỳ vọng để VN "vươn mình" trong kỷ nguyên mới thành công…

Vươn mình để "tiến kịp thời đại", để "sánh vai các cường quốc năm châu" chính là đòi hỏi thông thường của một dân tộc biết tự trọng trong phát triển. Nó thắp lên và tỏa sáng tinh thần tự hào dân tộc. Những phẩm chất, tình cảm cao đẹp này đã từng là động lực mạnh mẽ cho nhiều quốc gia - dân tộc vươn lên. Nền tảng, cơ sở của "tự trọng - tự hào dân tộc" là gì? Đó là phải nỗ lực xây dựng một đất nước độc lập (giả định tự do) và một nền kinh tế tự chủ - tự cường. Những nhiệm vụ này, như lịch sử cho thấy, luôn là những thách thức hàng đầu đối với đất nước ta.

Giờ đây, VN phải tiếp tục phát huy tinh thần đó, vốn tiềm tàng trong máu huyết mỗi người dân. Lời hiệu triệu "Vươn mình" tôi nghĩ lại mở đầu cho công cuộc "tiến kịp - sánh vai" của đất nước ta trong giai đoạn mới.

Sau Đổi mới vào năm 1986 thành công, kinh tế VN như ông vừa nói, đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Vậy ở thời điểm này, điều gì khiến ông nghĩ chúng ta sẽ "tiến kịp - sánh vai" các cường quốc năm châu - khát vọng thịnh vượng hun đúc từ bao đời nay của dân tộc ta?

Động lực để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu ghi dấu ấn lịch sử đạt gần 800 tỉ USD

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong nhiều năm trước, chúng ta đã chỉ ra "ba điểm nghẽn chiến lược". Song mãi đến gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm mới đề cập đến khái niệm "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Cách tiếp cận coi thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", "chống lãng phí như chống giặc nội xâm", đề xuất thực thi cơ chế "địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm", hay gần đây, sắp xếp lại bộ máy quản trị quốc gia một cách quyết liệt sẽ giúp chúng ta nhận diện lại hệ vấn đề tồn đọng nhiều năm.

Trên cơ sở đó, giải quyết nó một cách khả thi. Chính thái độ tích cực của cả xã hội đối với cách tiếp cận như vậy là một bằng chứng đầy sức về tính khả thi đó.

Tuy nhiên, tôi muốn đặc biệt lưu ý rằng giải quyết "điểm nghẽn của điểm nghẽn" cũng chỉ mới là một phần của câu chuyện phát triển mà VN đang đối mặt. Đó mới là phần "thoát cũ" - để giúp nền kinh tế và đất nước vượt qua những trói buộc, cản trở đối với hệ thống kế thừa lịch sử và đang vận hành. Đó chưa phải là hệ thống thể chế cần cho, tương xứng với "kỷ nguyên mới". Để có "kỷ nguyên mới", chúng ta phải vượt qua hệ thống thể chế cũ, nhưng quan trọng hơn là xây dựng hệ thống thể chế mới, đích thực của kỷ nguyên mới.

Chỉ chăm chăm nhìn vào cũ để vượt qua nó, tuy đúng nhưng không đủ, rất không đủ. Phải chuẩn bị một hệ thống thể chế cho tương lai, của "kỷ nguyên mới" đang đến rất nhanh, với logic không nhân nhượng về tốc độ và thời gian.

Đây là một thách thức đích thực - xứng tầm với khát vọng trỗi dậy của đất nước này.

Thời cơ mang tính lịch sử

Với góc tiếp cận đó, ông đánh giá thế nào về cơ hội để VN thực hiện cuộc "vươn mình" lịch sử này?

Vấn đề này cần được nghiên cứu thấu đáo mới có thể trả lời đúng và đủ được. Ở đây, tôi chỉ xin nêu vắn tắt một số điểm sau.

Thứ nhất, bước chuyển Toàn cầu - Thời đại cho phép nước VN đi sau có cơ hội tiến vượt, theo nguyên lý phi tuyến tính. VN có thể - và chúng ta đang - tiến thẳng vào thời đại công nghệ cao, công nghệ số, thời đại trí tuệ sáng tạo, trí tuệ nhân tạo ngay cả khi còn chưa hoàn thành quá trình công nghiệp hóa cổ điển.

Thứ hai, VN có lợi thế đi sau để biến nỗ lực tiến vượt trở thành khả thi - hiện thực.

Thứ ba, sau 40 năm đổi mới, VN đã xây dựng một thực lực phát triển cần thiết, đã xác lập được thế và đà phát triển tích cực và vững chắc. Đây là những yếu tố, nếu biết phát huy, sẽ trở thành những động lực mạnh. Chúng giúp biến các lợi thế tiềm năng và khát vọng thành nguồn lực có sức mạnh cộng hưởng to lớn.

Thứ tư, đường lối mở cửa - hội nhập cởi mở, với tinh thần "chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích" của một quốc gia có trách nhiệm, VN đang dành được sự ủng hộ ngày càng lớn và hiệu quả của thế giới. Mối liên kết với thế giới của VN đang "vươn tầm" đối tác chiến lược không chỉ với các cường quốc mà đặc biệt với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, các chuỗi cung ứng toàn cầu hùng mạnh.

Thứ năm, quan trọng hàng đầu, là sự đồng thuận, cố kết sức mạnh quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ, đang được thúc đẩy bằng những hành động có giá trị "xoay chuyển lịch sử" của Đảng và Nhà nước.

Còn nhiều yếu tố thời cơ - thuận lợi khác có thể được kể ra. Song điều cần nhấn mạnh hiện nay đang là thời điểm hiếm có của quá trình tích hợp - tổ hợp - hội tụ các yếu tố đó trong lịch sử phát triển đất nước. Phải nhận diện đúng thời cơ mang tính lịch sử này, "chớp" lấy nó, biến nó thành quá trình "vươn mình - tăng tốc" xứng tầm.

Đi liền với cơ hội, luôn là thách thức, tôi nghĩ bản chất của quá trình vươn mình cũng là một thách thức không nhỏ. VN sẽ đối mặt với thách thức gì trong kỷ nguyên vươn mình này, theo ông?

Đúng thế, bản chất của quá trình vươn mình chính là một thách thức chưa từng có. Ngay cả những thời cơ hiếm có nêu trên, trước khi được hiện thực hóa thành lợi ích phát triển, đều chứa đựng nguy cơ "biến thành thách thức". Mục đích càng cao cả, nhiệm vụ lại càng khó khăn.

Trong tâm thế trỗi dậy mạnh mẽ, luôn xuất hiện khả năng bỏ qua, coi nhẹ thách thức, dẫn tới hoang tưởng. Cộng với thái độ "kiêu ngạo cộng sản" - như Tổng Bí thư đã cảnh báo, sẽ đánh giá không đúng, không hết, thậm chí sai lệch nguy cơ, thách thức.

Nhưng chúng ta luôn phải nhớ rằng, thực lực nền kinh tế bản địa của VN hiện nay hãy còn rất yếu. Có đến 50 - 60% GDP quốc gia là do các khu vực kinh tế yếu nhất và kém hiệu quả sản xuất ra. Trong khi đó, lực lượng doanh nghiệp VN đang gặp rất nhiều khó khăn và vẫn bị phân biệt đối xử. Chưa kể đến nguồn nhân lực chất lượng thấp, bộ máy quản trị quốc gia trình độ chưa "đến tầm", một cơ cấu kinh tế hãy còn mất cân đối và nhiều điểm yếu, các thể chế thị trường còn khá kém phát triển, cơ chế xin - cho còn mạnh...

Đó là chưa kể những rủi ro phát sinh từ nền kinh tế hiện đại ngày càng nhiều, những trở ngại cho việc phát triển nó cũng không ngừng gia tăng.

Với những yếu kém như vậy thì "cơ hội biến thành thách thức" không phải là điều tưởng tượng. Chúng cần được cảnh báo nhằm có sự chuẩn bị nghiêm túc nhất để vượt qua.

Nếu coi đây là cuộc đổi mới lần 2, ông hình dung một VN trong kỷ nguyên mới là như thế nào?

Tôi nghĩ những mục tiêu lớn mà Đại hội XIII đã nêu cho phép hình dung các đường nét cơ bản của bức chân dung bao gồm: Văn hóa, văn minh, thịnh vượng, dân chủ, hạnh phúc. Các mục tiêu định lượng cũng thể hiện rõ những khát vọng cụ thể là trở thành nước phát triển, thu nhập cao...

Gần đây, bức chân dung đó được bổ sung bằng những nét khắc họa rất lớn và mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, thế lực trí tuệ nhân tạo (AI) và chip bán dẫn... Điểm cần lưu ý là những nét khắc họa này đều là những định dạng quốc gia mang tính cam kết chính trị, cam kết quốc tế rất mạnh. Chắc chắn Đại hội XIV tới đây sẽ định hình đường lối và khung khổ chiến lược quốc gia với những tuyến phát triển mới, lớn và được cụ thể hóa này.

Tôi muốn nhấn mạnh tính cam kết ở đây, hàm nghĩa "sẽ làm thật", "không nói chơi", không để các mục tiêu tốt đẹp tồn tại chỉ như là những mơ ước xa vời. Nghĩa là tính hiện thực đáng tin cậy của bức chân dung đất nước. Cũng có nghĩa là cách tiếp cận đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước với dân, với đất nước.

Điều đó giải thích tại sao lòng tin của người dân với tương lai đất nước đang tăng lên mạnh mẽ. Vì họ tin vào tính hiện thực của chính tương lai của họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.