Động lực phát triển từ chính quyền đô thị

26/08/2013 03:30 GMT+7

Trong hai ngày 24 - 25.8, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo các quận, huyện… về đề án chính quyền đô thị.

Động lực phát triển từ chính quyền đô thị

PGS-TS Đặng Văn Phan, Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM góp ý tại hội nghị - Ảnh: Đình Phú

Hầu hết các ý kiến nêu ra đều cơ bản đồng tình với việc xây dựng chính quyền đô thị và cho rằng chính quyền đô thị sẽ là động lực phát triển mạnh mẽ cho TP.HCM trong tương lai. Theo ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, TP đã quá tải với cách thức tổ chức bộ máy quản lý hiện nay, mô hình mới mà TP hướng đến (sắp xếp lại bộ máy, địa giới hành chính, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm…) nhằm giải quyết những bất cập, góp phần tạo sự bứt phá để phát triển mạnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước.

 

Cốt lõi chính là vấn đề con người. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ và phải có cơ chế đủ sức thu hút người thật sự có tâm huyết thì mới xây dựng mô hình mới thành công

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm Chủ tịch HĐND TP.HCM

Trước những băn khoăn về việc có thể xáo trộn vấn đề nhân sự ở cơ sở, ông Sử Ngọc Anh, Bí thư Quận ủy Q.5, cho rằng đó không phải là một vấn đề gây cản trở. “Theo nội dung đề án, chính sách đối với cán bộ, việc quyết định nhân sự… cũng thuận lợi hơn, vì với mục tiêu tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp cơ sở có cơ chế, công cụ thực hiện nhiệm vụ, cấp cơ sở cũng có quyền quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến dân sinh một cách kịp thời hơn”, ông nói. PGS-TS Đặng Văn Phan, Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM, thì đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn sự tác động, cộng hưởng phát triển từ mô hình mới với các tỉnh, thành lân cận, với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và với cả nước…

Vấn đề trọng dụng người có tài, có đức, tâm huyết với sự nghiệp chung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP.HCM, đề xuất cần có cơ chế cho người có tài, có đức, tâm huyết được ứng cử. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng khẳng định: “Cốt lõi chính là vấn đề con người. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ và phải có cơ chế đủ sức thu hút người thật sự có tâm huyết thì mới xây dựng mô hình mới thành công”.

Chủ trì hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng đề án có phạm vi rất lớn, liên quan đến thể chế chính trị, hiến pháp. Nếu cho thí điểm sẽ là sự đột phá lớn. “Lo lắng bộ máy lúc nhập lúc tách không có ý nghĩa nhiều. Chúng ta ấp ủ từ bao thế hệ lãnh đạo để có mô hình tổ chức phù hợp với chính quyền đô thị. Xét về hoạt động thực tiễn có  những vướng mắc, khó khăn, bất cập nhưng đưa ra cái mới cũng chưa có kinh nghiệm nhiều. TP xin làm thí điểm cho nên có những vấn đề rất mới và sẽ dần dần hoàn thiện”, ông Hải nói.

Đình Phú

Xem chi tiết nội dung đề án trên thanhnien.com.vn

>> Cần sửa cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị
>> Nhân sự nào cho chính quyền đô thị ?
>> Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật
>> Chính quyền đô thị cần con người tốt
>> Đề án chính quyền đô thị TP.HCM: Dịch vụ công chưa rõ ràng
>> Xây dựng chính quyền đô thị: Tên thành phố vệ tinh chỉ là tạm thời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.