Cô gái gốc Việt đến với thể dục dụng cụ (TDDC) từ nhỏ đã lần đầu tiên được chú ý tới vào năm 2004 khi cô đứng ở vị trí thứ 5 tại Cup DTB. Năm 2005, Kim Bùi lần đầu tiên xuất hiện ở đấu trường quốc tế, đó là giải vô địch thế giới năm 2005 tại Melbourne, Úc. Không vào tới chung kết, nhưng cô gái 16 tuổi khi đó đã khiến HLV trưởng Ulla Koch rất hài lòng. Bà đã thấy ở Kim Bùi những tố chất của một nhà vô địch trong tương lai không xa.
Đúng như con mắt của HLV trưởng Ulla Koch, năm 2006, Kim Bùi vô địch quốc gia Đức nội dung thể dục tự do, cô cũng giành vị trí thứ 2 nhảy cầu, cầu thăng bằng và toàn năng.
Được sự ủng hộ của cả bố mẹ cũng như nỗ lực của bản thân, 2009 là năm thành công của cô gái mang trong mình hai dòng máu Lào - Việt: Tại giải vô địch TDDC Đức, Kim Bùi đoạt 5 huy chương (3 HCV nội dung toàn năng, thể dục tự do, nhảy chống; HCB xà lệch; HCĐ cầu thăng bằng). Cô gái tài năng cũng gây ấn tượng tại giải vô địch TDDC châu Âu năm 2011 tại Berlin, Đức khi giành HCĐ nội dung xà lệch.
“Mỗi thách thức là một cơ hội”
Kim Bùi được HLV trưởng yêu mến, các đàn em nể phục vì một nghị lực mạnh mẽ. Con đường thi đấu của cô gái gốc Việt này không phải lúc nào cũng bằng phẳng, tuy nhiên với ý chí lạc quan và quan niệm “mỗi thách thức là một cơ hội”, Kim Bùi đều vượt qua các trở ngại.
Có những thời điểm rất tồi tệ với Kim Bùi, cô bị xử không công bằng ở giải vô địch thế giới năm 2007 ở Stuttgart, hoặc ở vòng tuyển chọn dự Olympic Bắc Kinh 2008; quãng thời gian đau đớn khi bị rách dây chằng đầu gối hồi năm 2010... Tuy nhiên, Kim Bùi không nản chí, cô vẫn âm thầm tập luyện, nuôi dưỡng chí hướng và trở lại mạnh mẽ hơn.
Kim Bùi quan niệm, thời gian bị chấn thương là cơ hội để cô nghỉ ngơi nhiều hơn. Trong khoảng thời gian 2007 - 2008, vắng mặt ở các giải đấu lớn, Kim Bùi cho rằng đây là khoảng thời gian quý giá để cô tập trung vào việc học.
Trái với quan niệm của nhiều người về các VĐV tài năng thì con đường học vấn gặp nhiều trắc trở, Kim Bùi rất quan tâm đến việc học văn hóa của mình. Kim Bùi cho rằng học thật tốt tại trường phổ thông cũng như đại học cũng chính là chuẩn bị cho mình một con đường riêng sau khi giã từ TDDC.
|
Sau thành công tại giải vô địch thế giới 2012 tại Tokyo, Nhật Bản, Kim Bùi và các đồng đội của cô đã giành được suất thi đấu chính thức tại Olympic London. Những thành công tiếp nối thành công với người kiên trì. Năm 2013, Kim Bùi giành 2 HCĐ nội dung đồng đội, toàn năng tại Kazan, Nga tại giải đấu dành cho sinh viên các trường đại học trên toàn thế giới mùa hè.
|
Thời điểm đó, 25 tuổi, lớn tuổi nhất trong đội tuyển quốc gia Đức, tuy nhiên Kim Bùi luôn là cánh chim đầu đàn, một phần không thể thiếu của đội tuyển. Năm 2014, cô và các đồng đội đã giành vị trí thứ 4 tại giải vô địch châu Âu diễn ra ở Bulgaria. Cũng trong năm 2014, sau thời gian dài “dùi mài kinh sử” song song với việc tập luyện và thi đấu thể thao, Kim Bùi tốt nghiệp ngành sinh vật học kỹ thuật, Đại học Tổng hợp Stuttgart, Đức.
Bỏ lỡ mùa giải 2015 do gặp chấn thương, nhưng sau đó Kim Bùi đã trở lại mạnh mẽ tại giải Bundesliga nước Đức và chiến thắng tất cả. Vượt qua hàng loạt các giải lớn năm 2016 như Olympic Games Rugby League, Olympic Qualification Frankfurt, vô địch quốc gia Đức, vô địch toàn châu, Cúp Sao Paulo..., Kim Bùi và đồng đội nước Đức của cô giành suất thi đấu chính thức tại Olympic 2016. Tuy không có huy chương tại đấu trường lớn nhất thế giới này, song Kim Bùi càng khẳng định, dù là VĐV TDDC đã lớn tuổi, nhưng hành trình cô gái gốc Việt đi tiếp với đam mê chưa dừng lại.
Hiện tại vẫn đang là một phần không thể thiếu của đội tuyển TDDC quốc gia Đức chuẩn bị cho những giải lớn năm 2017, Kim Bùi chưa có dự tính về ngày giải nghệ. Cùng với Marcel Nguyen, tài năng TDDC có động tác được Liên đoàn TDDC thế giới công nhận và lấy họ Nguyen để đặt tên, Kim Bùi là niềm tự hào của cộng đồng người Việt sinh ra và lớn lên trên nước Đức. Cả hai VĐV đều yêu VN và mong muốn được nhiều lần trở về quê hương.
Bình luận (0)