Đồng Miếu - di tích Chăm xưa nhất được khai quật

23/07/2019 06:24 GMT+7

Chiều 22.7, TS Nguyễn Tiến Đông, Trưởng phòng Khảo cổ học đô thị (Viện Khảo cổ học VN), báo cáo sơ bộ quá trình khai quật di tích Đồng Miếu thuộc thôn Định Thọ 1, TT.Phú Hòa, H.Phú Hòa, Phú Yên.

Di tích Đồng Miếu nằm ở thượng nguồn sông Ba, cách TP.Tuy Hòa (Phú Yên) chừng 10 km và cách Thành Hồ (Trung tâm hành chính của Chăm Pa xưa, nay là Trung tâm hành chính H.Phú Hòa) chừng 2 km. Theo TS Đông, di tích Đồng Miếu là một phế tích Chăm Pa; khi tiến hành khai quật đã làm lộ diện cấu trúc của nền, móng, đế, bộ phận thân của ngôi đền thờ đã sụp đổ từ lâu mà người ta hay gọi là tháp Chăm.
Qua khảo sát, TS Đông cho biết thêm: “Điều tra kỹ khu vực xung quanh di tích, chúng tôi phát hiện dấu tích của một cây cầu và một con đập, có thể đây là sản phẩm của thời kỳ Chăm Pa. Trên nền đất gần nơi con sông cổ và con đập, chúng tôi thu lượm được những mảnh gốm Chăm cổ, gốm có hoa văn in ô vuông kiểu Hán”.

Cận cảnh di tích Chăm Pa hơn 1.600 năm vừa được phát hiện tại Phú Yên

Từ mô hình vùng Chăm Pa của GS Trần Quốc Vượng, theo đó một tiểu vùng Chăm Pa được giới hạn bởi hai đèo ở hai đầu, với trục chính là con sông lớn, có tính huyết mạch (như sông Ba ở Phú Yên, sông Thu Bồn của Quảng Nam…), gần cửa sông là khu vực cảng thị; TS Đông đưa ra nhận định: “Nơi đây cũng đã phát hiện những hũ tiền đồng lớn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên. Vị trí địa lý này cho phép đi đến nhận định: Khu di tích Đồng Miếu chính là thánh địa của tiểu vùng Chăm Pa xưa, nay là tỉnh Phú Yên”.

Bất ngờ về niên đại

Theo TS Đông, tháp này thuộc loại tháp nhỏ nhưng xây toàn bằng gạch, không có chút cấu kiện đá nào. Tháp này có 2 lần xây dựng, tại phần thân tháp gần góc tây bắc lộ diện hai lớp gạch xây ốp vào mặt tường đã có trước, việc xây ốp như vậy chỉ để tăng bề dày của tháp nhằm chịu một lực đè nén từ trên xuống.
“Điều đặc biệt khác với các tháp Chăm khác là họ dùng một loại dầu thực vật mà theo nghiên cứu của chúng tôi, thì đây có thể là dầu rái được trộn với một chất nào đó tạo ra hợp chất lỏng vữa rồi người ta quét lên mặt gạch, nên quan niệm về giữa các viên gạch Chăm không có chất kết dính là sai lầm. Nó có chất kết dính, nhưng rất mỏng nên người ta nhận không ra”, TS Đông nói.
Theo TS Đông, căn cứ vào loại gạch, chất liệu khác nhau của hai lần xây dựng, các nhà khảo cổ dần đi đến giả thuyết lần đầu xây dựng tháp này vào khoảng thế kỷ 4, lần sau muộn hơn, khoảng thế kỷ thứ 5.
Từ đó, TS Đông đưa ra kết luận: “Đây là di tích đền tháp xây gạch Chăm Pa có niên đại sớm nhất được biết đến lần đầu tiên trong văn hóa Chăm xưa. Di tích này chưa bao giờ được các nhà khoa học Pháp biết đến. Từ trước đến nay, các nghiên cứu về kiến trúc Chăm Pa đều cho rằng có từ thế kỷ thứ 7”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.