Đồng minh của Israel trong thế kẹt nếu tòa án phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu

Đồng minh của Israel trong thế kẹt nếu tòa án phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu

27/05/2024 14:16 GMT+7

Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan đã xin lệnh bắt giữ thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel cũng như các lãnh đạo Hamas.

Yêu cầu của Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan về việc phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu tạo ra tình thế khó khăn cho các đồng minh của Israel.

Làm thế nào họ có thể ủng hộ cùng lúc cho cả Israel lẫn ICC?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng đây là động thái "cực kỳ sai lầm", trong khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói: "Đây là một diễn biến vô cùng bất lợi".

Động thái của ông Khan là nỗ lực đầu tiên nhằm truy lùng một nguyên thủ quốc gia đang được phương Tây hậu thuẫn.

Ông Khan yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cũng như 3 thủ lĩnh Hamas vì cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến ở Gaza.

Đồng minh của Israel trong thế kẹt nếu tòa án phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu- Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Netanyahu phát biểu tại cuộc họp chung của Quốc hội Mỹ ở Điện Capitol hồi 2015

REUTERS

Khó cân bằng

Nhiều nước châu Âu ủng hộ ICC nhưng cũng gửi hỗ trợ quân sự tới Israel.

Đức đã phải bảo vệ chính sách của mình về cung cấp vũ khí cho Israel tại một tòa án quốc tế khác ở The Hague.

Ông Tom Buitelaar thuộc Đại học Leiden của Hà Lan cho rằng có thể sẽ rất khó tiếp tục duy trì được sự cân bằng.

"Sẽ rất khó để nói rằng 'chúng tôi đang hỗ trợ Israel vô điều kiện và chúng tôi cảm thấy rằng đây là bên mà chúng tôi nên hỗ trợ trong cuộc chiến này', bởi vì giờ đây ICC đã đưa ra một tuyên bố cụ thể, một công kích cụ thể chống lại tính hợp pháp về nỗ lực chiến tranh của Israel ở Gaza", ông Buitelaar nhận định.

Nếu lệnh bắt được ICC ban bố, các quốc gia thành viên sẽ có nghĩa vụ bắt giữ ông ông Netanyahu hoặc ông Gallant nếu có cơ hội.

Ông Buitelaar cho biết các chính phủ không tuân thủ có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý tại tòa án ở chính các nước này.

"Điều này có thể bị thách thức từ cấp độ trong nước, bởi vì nhiều quốc gia đã áp dụng vào luật phá trong nước nội dung của Quy chế Rome, là hiệp ước thành lập quan trọng của Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều đó có nghĩa là các bên cũng có thể phải ra tòa, chẳng hạn như nhà nước Hà Lan, chính phủ Hà Lan, vì vi phạm luật pháp quốc tế nếu không bắt giữ thủ tướng Israel trong trường hợp này", ông Buitelaar nói.

Tiêu chuẩn kép

Tiếp đó là thách thức khi ủng hộ một số phán quyết của ICC, nhưng lại không tuân thủ những phán quyết khác.

Mỹ và Israel đều không phải là thành viên của ICC.

Tuy nhiên, hai nước này đều ủng hộ các cuộc truy nã trước đây, chẳng hạn như lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm ngoái về cuộc xung đột ở Ukraine.

Nhưng lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi quyết định của ICC là "cực kỳ quá đáng".

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết chính quyền Washington sẵn sàng hợp tác với Quốc hội Mỹ để có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ICC.

Chia rẽ châu Âu

Bước đi của ICC đã làm lộ ra sự chia rẽ giữa các thành viên ICC châu Âu.

Pháp, Ireland và Tây Ban Nha nằm trong số những nước ủng hộ quyết định này.

Bộ Ngoại giao Pháp ủng hộ "cuộc chiến chống lại sự miễn trừ trong mọi tình huống."

Còn Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Yolanda Díaz nói: "Luật pháp quốc tế phải áp dụng cho tất cả mọi người".

Ông Anthony Dworkin, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nhận định: "Tôi nghĩ nguyên tắc quan trọng nhất vào thời điểm này là các nước châu Âu không nên làm bất cứ điều gì để cố gắng phá hoại, tấn công hoặc ngăn chặn hoặc gây ảnh hưởng về mặt chính trị đến hoạt động của Tòa án và tôi hy vọng rằng cuối cùng họ sẽ cân nhắc rằng các hành động của Tòa án có thể hữu ích trong việc cố gắng chấm dứt mọi tội ác đang xảy ra ở đó..."

Sự chia rẽ đó cũng phản ánh mâu thuẫn sâu sắc hơn trên trường quốc tế đối với nỗ lực thành lập nhà nước của người Palestine.

Đây là vấn đề thu hút nhiều chú ý vào hôm 21.5 khi Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha cho biết họ sẽ công nhận một nhà nước Palestine.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.