Đồng minh Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ châm ngòi thế chiến

Đồng minh Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ châm ngòi thế chiến

28/05/2024 05:28 GMT+7

Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ cho phép sử dụng vũ khí của nước này để tấn công lãnh thổ Nga, điều mà quan chức cấp cao Nga cho là có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ngày 26.5 cảnh báo rằng bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ vào mục tiêu Nga tại Ukraine cũng sẽ tự động kích hoạt một cuộc chiến tranh thế giới

Ông Medvedev đưa ra cảnh báo sau khi Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố Mỹ đã đe dọa tấn công nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine.

Theo đài RT, ông Medvedev cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Ba Lan như lời hù dọa đối với Mỹ. Cựu Tổng thống Nga lưu ý rằng Mỹ đến nay vẫn né tránh đưa ra những cảnh báo công khai như Ba Lan "vì họ thận trọng hơn" người Ba Lan.

Ông Medvedev nhắc nhở: "Người Mỹ tấn công các mục tiêu của chúng tôi đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh thế giới, và một ngoại trưởng, ngay cả của một nước như Ba Lan, nên hiểu điều đó".

Trong cuộc phỏng vấn trước đó một ngày, ông Sikorski tỏ ra hoài nghi về khả năng Nga sử dụng hạt nhân tại Ukraine.

Đồng minh Tổng thống Putin cảnh báo nguy cơ châm ngòi thế chiến- Ảnh 1.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev

REUTERS

Ông nói: "Người Mỹ đã nói với người Nga rằng: nếu quý vị cho nổ một vũ khí hạt nhân, kể cả khi nó không giết chết ai, chúng tôi sẽ tấn công toàn bộ các mục tiêu của Nga tại Ukraine bằng vũ khí quy ước, chúng tôi sẽ phá hủy tất cả".

Nhà ngoại giao Ba Lan cho rằng phương Tây nên cho phép Kyiv sử dụng vũ khí của họ để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Trái lại, hãng thông tấn DPA dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh ông phản đối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây nhằm vào các mục tiêu quân sự tại lãnh thổ Nga.

Ông Scholz nói: "Chúng tôi có quy tắc rõ ràng về việc sử dụng các vũ khí do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi đã đồng ý với Ukraine về những quy tắc này và chúng đang có hiệu lực". Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng không có lý do gì để thay đổi những quy tắc này.

Thủ tướng Scholz cũng khẳng định không thể gửi tên lửa hành trình tầm xa của Đức cho Ukraine trước nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Nhà lãnh đạo nhấn mạnh bổn phận của ông là ngăn chặn tình huống leo thang chiến sự giữa Nga và NATO. Về tên lửa Taurus có tầm bắn đến 500 km, ông Scholz cho biết Đức chỉ có thể chuyển giao nếu giữ quyền xác định mục tiêu, nhưng đó là "điều không thể nào xảy ra nếu bạn không muốn trở thành một phần của cuộc xung đột" ở Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.