Đồng Nai: Thịt heo giá cao, sao người chăn nuôi còn e ngại, tái đàn nhỏ giọt?

01/07/2020 11:34 GMT+7

Giá heo giống cao, khan hiếm, dịch tả heo châu Phi lại chưa có vắc xin đặc trị khiến người chăn nuôi ở thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai chùn tay, chưa dám tái đàn ồ ạt.

Ngày 30.6, Cục thống kê Đồng Nai tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó đến cuối tháng 6.2020 (sau hơn 3 tháng công bố hết dịch tả châu Phi trên địa bàn), tổng đàn heo của tỉnh đã dần phục hồi đạt trên 2 triệu con. Hiện tại đã có 407 cơ sở đã tái đàn trở lại với 277.099 con, đạt 59,08% kế hoạch đề ra.
Trước đó, Đồng Nai đặt ra mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2020 khôi phục lại tổng đàn 2,5 triệu con, bằng với số lượng trước khi dịch bùng phát. Nhưng đến nay, mục tiêu này vẫn đang gặp khó, vì người nuôi heo còn e ngại, tái đàn nhỏ giọt.

Người dân khốn đốn vì heo giống khan hiếm, công ty ép mua cám mới bán heo cho

Nuôi cầm chừng, tăng nhỏ giọt

Trước dịch, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất, Đồng Nai) sở hữu trang trại 200 heo thịt và 30 heo nái, nhưng giờ đây hơn nửa năm qua đi, chuồng trại của cô vẫn vắng lặng, nền chuồng lạnh ngắt, mốc meo, máng đổ cám cho heo ăn bụi phủ đầy, thậm chí ở gốc chuồng nhện cũng đã giăng tơ trắng xóa.

Chuồng bỏ hoang lâu ngày, mạng nhện giăng đầy

Ảnh: Lê Lâm

Hỏi tại sao chưa tái đàn, cô nói “Chưa kiếm được giống”. Giống ở đây là heo nái, cô Mai tính mua ít con về nuôi rồi gầy dựng lại đàn. Lý do cô không mua heo con vì "giá quá cao, hơn 3 triệu đồng một con, sợ mua về nuôi ít bữa giá heo hơi hạ thì lỗ, thêm nữa là sợ dịch tả heo châu Phi". Nên cô Mai chọn giải pháp chậm mà chắc, đó là mua vài con heo giống về thả, đợi heo mẹ đẻ rồi nhân đàn, chứ không tái đàn ồ ạt.
Đồng cảnh ngộ, nhưng chị Nguyễn Thị Sáng (cũng ngụ xã Gia Tân 1) thì may mắn hơn khi vừa kiếm được 10 con heo nái về thả vào chuồng. Giá mỗi con là 13 triệu đồng, tổng cộng hết 130 triệu, đắt gấp 3 lần so với trước khi có dịch tả heo châu Phi. Số tiền này chị vừa vay mượn nhà nước để đầu tư.

Mua cám mới được mua heo giống?

Được tiếng là "may mắn", nhưng "quá trình" có được đàn heo nái cũng khá gian nan. Chị Sáng kể: “10 con nái này tôi đặt lâu lắm rồi, hàng công ty chứ bên ngoài đâu còn nữa, và phải thân tình với nhân viên tiếp thị, đồng thời chịu mua cám của công ty tôi mới mua được”.
Theo chị Sáng, các nhân viên tiếp thị "cảnh báo" rằng hiện nay "khó lắm", công ty không bán heo giống, heo nái nữa, hộ nào mua cám của công ty thì mới ưu tiên.

Chuồng trại bỏ hoang tại nhà của cô Mai

Ảnh: Lê Lâm

Cũng như cô Mai, chị Sáng tính toán chuyện tái đàn bằng cách nhân đàn từ từ bằng đàn heo nái, chứ không mua heo con về nuôi.
Theo cô Mai, chị Sáng, cách này vừa tiết kiệm chi phi, vừa an toàn vì họ vẫn lo bệnh dịch tả heo châu Phi. Nên chị Sáng cũng chỉ mang về 10 heo nái, chứ chẳng dám mua nhiều, nuôi thăm dò "xem tình hình thế nào đã...".
Chị Sáng cũng cho hay trước dịch chỉ từ 2 - 2,5 triệu đồng là có cặp heo con đẹp rồi, giờ heo con giá 3,5 triệu một con, quá cao, mà chưa chắc có được heo đẹp. “Với lại mua heo con về chăm mệt lắm, chủ heo không làm vắc xin, mình mang về nuôi dễ mắc bệnh. Do đó tôi cứ nuôi heo nái, tái đàn từ từ, heo con sinh ra mình làm vắc xin đầy đủ, an toàn hơn”, chị Sáng phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.