Đông Nam Á bàn thảo kế hoạch chạy đua đăng cai World Cup

02/07/2019 20:46 GMT+7

Một số liên đoàn bóng đá thuộc khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu đưa ra ý kiến và bàn thảo về việc đưa ra một kế hoạch khả thi cho cuộc đấu thầu chung chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2034.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompunmuang cho biết sẽ thảo luận về ý tưởng nói trên với quan điểm không thể một lúc 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á sẽ cùng đăng cai World Cup 2034. Người đứng đầu FAT nói thêm rằng kế hoạch có khoảng 2 - 3 quốc gia cùng đăng cai là khả thi nhất ở các kỳ World Cup sắp tới.

Chủ tịch FAM Hamidin Mohd Amin cho biết kế hoạch khả thi nhất là 3 - 4 quốc gia ASEAN cùng đưa giá thầu chung

CHỤP MÀN HÌNH

Ý tưởng trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Người khởi xướng là Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các quốc gia khu vực. Ngay sau đó, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) cũng “bật đèn xanh” cho ý tưởng với cam kết sẽ hỗ trợ mọi thủ tục, quy định để các quốc gia khu vực đưa ra một giá thầu chung.
Mới nhất, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) Hamidin Mohd Amin cũng lặp lại quan điểm của người đồng cấp ở Thái Lan về việc giá thầu sẽ khó được chấp nhận nếu cả 10 quốc gia ASEAN cùng chạy đua đồng đăng cai. Chủ tịch FAM nói rằng ASEAN sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Nhật Bản và Hàn Quốc nếu có nhiều thành viên trong khu vực cùng tham gia chạy đua đồng đăng cai World Cup 2034.
“Hãy nhớ rằng, khi cùng tổ chức một World Cup - ví dụ: nếu chúng ta nhìn Mỹ, Canada và Mexico đồng đăng cai kỳ giải 2026, họ sẽ tự động đủ điều kiện tham dự. Ở Đông Nam Á thì có một chút khác biệt nhưng 10 quốc gia không thể đấu thầu cùng nhau”, người đứng đầu FAM nói với tờ New Straits Times. Ông Hamidin nhấn mạnh thêm rằng nếu một giá thầu chung được thực hiện, thì rất phi lý khi các suất dự vòng chung kết World Cup phân bổ cho châu Á (8,5 suất tại World Cup 2026 có cơ cấu tăng 48 đội) sẽ thuộc về các đội chủ nhà.

Vốn đam mê cuồng nhiệt, CĐV ở Đông Nam Á luôn khao khát được sống trong không khí World Cup tại quốc gia của mình

AFP

“Ngay cả khi có năm hoặc sáu quốc gia tham gia đấu thầu, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không cho phép và sẽ không đồng ý. Bởi điều đó có nghĩa là sẽ có ít suất hơn để các quốc gia châu Á khác cạnh tranh vé đến vòng chung kết World Cup 2034”, người đứng đầu FAM nói thêm.
Chủ tịch FAM nói rằng một cuộc đấu thầu chung từ 3, hoặc nhiều nhất là 4 quốc gia sẽ là hướng đi khả thi nếu ASEAN nghiêm túc trong việc đưa giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh về Đông Nam Á. Cựu Phó chủ tịch AFF cũng đồng thời bác bỏ những ý kiến cho rằng Malaysia đang nỗ lực tìm kiếm một suất dự thẳng World Cup bằng cách làm chủ nhà: “Ý tưởng đấu thầu chung là một ý tưởng hay, nhưng nó không phải là một cách dễ dàng để đủ điều kiện cho World Cup. Mặc dù có thể có cư dân mạng nghĩ rằng FAM không thể đến World Cup bằng chính thực lực, nhưng Malaysia đang cố gắng để cải thiện nền bóng đá để vượt qua suy nghĩ sẽ có suất tự động dự World Cup với tư cách là chủ nhà”.

Sự khởi sắc của các tuyển VN gần đây đã làm nên cú hích phát triển cho bóng đá Đông Nam Á

ĐỘC LẬP

Trước đó, truyền thông châu Á cũng có những nhận định cho rằng giá thầu chung của Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam sẽ khả dĩ nhất khi các quốc gia này từng đồng tổ chức thành công Asian cup 2007. Báo giới khu vực thì cho rằng mặc dù bóng đá Đông Nam Á vẫn được xem là “vùng trũng” nhưng với sự phát triển đáng kể của tuyển Việt Nam, Thái Lan, Malaysia ở các giải đấu châu lục gần đây (Giải vô địch U.23 châu Á 2018, ASIAD 18 và Asian Cup 2019) cho thấy các nước khu vực này vẫn có thể cạnh tranh với các đội bóng lớn trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.