Đông Nam Á nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng không cần nhờ Trung Quốc

18/04/2018 14:27 GMT+7

Trên khắp khu vực Đông Nam Á, các nhà hoạch định chính sách rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng đang tìm vốn ở các nơi khác ngoài Trung Quốc.

Theo Bloomberg, các nền kinh tế Đông Nam Á cần phải chi khoảng 2.800 tỉ USD cho các dự án như phát triển cầu đường, bến cảng và đường sắt từ năm 2016 đến 2030, để duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay dù Trung Quốc có tham gia hỗ trợ một số khoản đầu tư bằng sáng kiến Vành đai - Con đường 1.000 tỉ USD, chính phủ các nước Đông Nam Á vẫn đang tìm giải pháp trong nước để thu hút đầu tư. Các nước Đông Nam Á đang đánh giá rủi ro khi phải phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Khi giới chức tài chính hàng đầu từ chín nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp tại Singapore hôm 5.4 để xem xét nhu cầu cơ sở hạ tầng khu vực, từ “Trung Quốc” chỉ được nhắc đến hai lần. Thay vào đó, thảo luận do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đưa ra danh sách nhiều động thái và ý tưởng để thu hút nguồn tài chính bên ngoài.
Đơn cử, Myanmar đang xây dựng ba khu kinh tế đặc biệt và tìm cách mở rộng phát hành trái phiếu chính phủ. Indonesia trước đây yêu cầu các trái chủ và quỹ hưu trí nắm giữ 30% trái phiếu chính phủ, giờ đây có thể nắm giữ trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Ở Thái Lan, khoảng 30% trong tổng số 80 tỉ USD dự án cơ sở hạ tầng được lên kế hoạch và đang được tiến hành sẽ cần nguồn tài trợ tư nhân, trong đó có 5% đến từ các thị trường vốn. Singapore, trung tâm tài chính toàn cầu, thì đang xây dựng văn phòng cơ sở hạ tầng do chính phủ dẫn dắt để theo dõi và phát triển tài trợ cho các dự án.
Đông Nam Á vốn hưởng lợi từ dòng tiền đầu tư từ Nhật Bản. Số liệu của BMI Research cho thấy khoản đầu tư của Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng khu vực từ những năm 2000 đến nay, tính cả dự án đã hoàn tất lẫn đang tiến hành, đạt khoảng 230 tỉ USD. Trong khi nguồn vốn từ Trung Quốc đạt 155 tỉ USD.
Cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ cũng đi kèm nhiều thách thức mà chính phủ các nước ASEAN muốn tránh. Trường hợp cảng Hambantota ở Sri Lanka thường được nhắc đến như câu chuyện cảnh báo về nền kinh tế nợ nần chồng chất theo hiệp định cho vay và tịch thu tài sản với Trung Quốc.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh một số rủi ro tương tự trong bài phát biểu hôm 12.4 ở Bắc Kinh. Bà nhắc đến thách thức “đảm bảo Vành đai - Con đường chỉ phát triển đến những nơi cần thiết”, và cảnh báo về sự thất bại của dự án hoặc việc sử dụng sai nguồn vốn. Trung tâm phát triển toàn cầu ở Washington trước đó cũng ra báo cáo liệt kê tám nước có thể nặng nợ vì tài trợ liên quan đến dự án của Trung Quốc trong tương lai. Trong số tám nước này có Lào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.