Đông Nam Á sẽ là 'miền đất hứa' du học mới?

31/08/2019 08:03 GMT+7

Hà Quang Mẫn, 19 tuổi, vừa đậu vào ĐH Chulalongkorn (Thái Lan). Với Mẫn, đây là quyết định “bước ra chân trời mới” sau khi vượt qua áp lực từ gia đình vì chọn nơi du học là một nước Đông Nam Á, thay vì các nước châu Âu, châu Mỹ, như số đông.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, chỉ có 1,6% người VN tham gia trả lời chọn một nước Đông Nam Á. Các nơi được chọn nhiều nhất là Mỹ (41,9%), Úc (29%) và châu Âu (18,6%), Nhật Bản (8,9%).

Tạo sự thay đổi…

Đông Nam Á có khoảng 7.000 cơ sở giáo dục đại học với hơn 12 triệu sinh viên. Hiện khu vực có ba chương trình trao đổi chính trong khối ASEAN: AIMS (di động quốc tế ASEAN cho sinh viên) dưới sự quản lý của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), AUN-ACTS (Hệ thống chuyển đổi tín chỉ trong Mạng lưới đại học Đông Nam Á) do Ban thư ký AUN tại Bangkok, Thái Lan quản lý, và SHARE, một dự án của tổ chức ASEAN và EU.
Có một yếu tố đang thúc đẩy sự dịch chuyển giáo dục và tăng sự yêu thích của người trẻ đến học ở các nước ASEAN là các chương trình trao đổi học thuật ngắn hạn, trong đó một số chương trình nằm trong kế hoạch cải thiện “mối quan hệ con người” trong cộng đồng ASEAN, khiến việc trao đổi sinh viên hấp dẫn và người trẻ ngày càng định vị mình là công dân ASEAN.
Thay vì trở thành sinh viên 4 năm ở Thái Lan như Quang Mẫn, Phạm Hồng Thiên Trang (hiện đang làm truyền thông cho một tổ chức phi lợi nhuận ở TP.HCM), lại chọn trở thành sinh viên trao đổi 1 học kỳ tại ĐH Chulalongkorn năm 2017, khi Trang học năm thứ 3 Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Trang nhận được học bổng của trường dành cho các sinh viên trong khu vực Đông Nam Á. “Có nhiều lý do để tôi chọn học và nộp đơn xin học bổng này. Đầu tiên, Thái Lan nổi tiếng vì những ý tưởng quảng cáo đặc biệt và nhân văn, thứ hai, khoa tôi học xếp thứ hạng cao ở nước này về nghiên cứu truyền thông, và cuối cùng, Thái Lan là điểm đến du lịch nổi tiếng toàn thế giới. Tất cả những điều đó khiến tôi đến nước này học về văn hóa và con người”, cựu sinh viên trao đổi của ĐH Chulalongkorn chia sẻ.
Hoàng Thị Minh Hà, bạn cùng lớp với Trang, cũng vừa hoàn thành một học kỳ trao đổi tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS) từ tháng 1 - 5.2019, bằng chương trình AUN-ACTS. Một năm trước, Hà còn là một trong hai đại diện của VN trở thành Đại sứ học tại Adelaide (Úc). Trải nghiệm hai môi trường giáo dục khác nhau, Hà cho rằng đây là những hệ thống tiên tiến và đem đến những trải nghiệm sống giá trị, đặc biệt là thời gian học tại Singapore.

Học từ những chương trình giao lưu văn hóa

Nguyễn Lan Anh, 23 tuổi, đến từ Hà Nội, tham gia nhiều chương trình trao đổi dành cho giới trẻ Đông Nam Á, cho biết: “Có rất nhiều chương trình trao đổi dành cho giới trẻ ở các nước Đông Nam Á hằng năm, đa phần là đài thọ toàn phần và không cần visa cho những chuyến đi ít nhất 30 ngày. Vì vậy, tôi cảm thấy rất dễ dàng đăng ký và tiếp cận đến các cơ hội này. ASEAN là nơi giao thoa lối sống Đông - Tây, có điều kiện về kinh tế, văn hóa, và tôi rất thoải mái để khám phá những điều mới mẻ”, Lan Anh giải thích.
Cũng như Lan Anh, Trần Khánh An (làm marketing và truyền thông tại một công ty ở TP.HCM) nói: “ASEAN là nhóm nước đang phát triển và mở rộng hoạt động, cánh cửa cơ hội mở ra cho tất cả sinh viên cũng như lao động trẻ”. Bên cạnh đó, An cũng gợi ý thêm những chương trình phổ biến như Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của chính phủ Mỹ, chương trình Tình nguyện thanh niên ASEAN do Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia quản lý, cũng như các chương trình do VN tổ chức trao đổi ở các quốc gia Đông Nam Á như Cộng đồng Lead The Change.
Năm 2020, VN sẽ là chủ tịch của ASEAN, hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện “sự nhiệt thành” về khu vực đối với người trẻ Việt trong việc khám phá ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.