Đồng nghiệp hay cạnh khóe, xoi mói, nên ứng xử sao đây?

23/04/2024 16:53 GMT+7

Mối quan hệ với đồng nghiệp là một trong những khía cạnh góp nên môi trường làm việc của một tổ chức nào đó. Trong công ty, người lao động khó tránh khỏi những 'ca' đồng nghiệp hay moi móc chuyện đời tư, châm chọc cách ăn mặc, ngoại hình, phong cách làm việc… của người khác.

Trong những trường hợp này, người lao động sẽ ứng xử sao với đồng nghiệp?

Chọn xa lánh, “dằn mặt" người ứng xử vô duyên

Chị Kỳ Liên (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang công tác tại một trung tâm dạy tiếng nước ngoài, cho hay trước đây, chị từng làm công việc viết content (sáng tạo nội dung) cho một công ty ở Q.3. Tại công ty này, về cơ bản, theo chị Liên, môi trường làm việc cũng thuận lợi, trừ một đồng nghiệp chung tổ hay cạnh khóe, xoi mói những người khác.

“Người phụ nữ này để ý nhất cử nhất động của tôi và nhiều bạn trẻ khác. Nếu ngoài đời, người này thích đánh giá ngoại hình của tôi và cách tôi ăn mặc ví dụ như ngày nào cũng nói “Nay em mập quá, giảm cân đi”, “Nay em mặc bộ này xấu, lộ quá”... thì trên mạng xã hội, chị này lại soi cách tôi đăng hình, viết trạng thái và bình luận mỗi bài”, chị Kỳ Liên nói.

Theo chị Liên, vấn đề này có thể sẽ đơn giản nếu vị đồng nghiệp tò mò đời sống cá nhân của chị âm thầm, nhưng không ngờ, người này lấy những điều đó nói ra, mổ xẻ, bàn tán trong các cuộc hội thoại tập thể.

“Tôi cảm giác bị “body shaming" (miệt thị ngoại hình) công khai. Những lần vậy, tôi rất khó chịu và tủi thân vì sự vô duyên của chị ta. Tại sao chị ấy không biết cách tôn trọng người khác? Ban đầu tôi thể hiện thái độ khó chịu thẳng thừng, nhưng họ không thay đổi, nên sau này tôi không muốn quan tâm tới nữa vì họ đã “hết thuốc chữa". Tôi sẽ tránh xa, những người như thế, không kết thân nhưng không gây gổ”, chị Kỳ Liên kể.

Trong khi đó, chị Nhung (28 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay sẽ “dằn mặt" tại chỗ với người nào hay cạnh khóe nhiều lần với chị. Trong trải nghiệm làm việc của mình, chị Nhung luôn gặp những đồng nghiệp lớn hơn mình 4 - 5 tuổi.

“Mặc dù công việc mỗi người độc lập với nhau trên công ty, nhưng cứ hở tí là đồng nghiệp không vừa ý mình làm, và luôn có kiểu là “em phải làm như thế này, phải làm như thế kia”. Chưa kể, đồng nghiệp luôn để ý mình đi với ai, ngày nghỉ lễ đi đâu chơi để chỉ hoạnh họe với công ty là tôi sống sung sướng”, chị Nhung kể.

Vài lần khác, chị Nhung còn bị các đồng nghiệp nam liên tục chọc ghẹo chuyện đời tư ngay tại chỗ làm việc như chuyện họ thường nói bới móc chuyện chị Nhung có người yêu chưa, hỏi chị Nhung có muốn lấy chồng không để họ mai mối…

Những lúc vậy, chị Nhung sẽ tự vấn để cố gắng hiểu vì sao họ lại để ý cuộc sống mình nhiều đến vậy. Có lúc, chị phản ứng ra mặt rằng đó là đời sống cá nhân của mình và đề nghị đồng nghiệp không moi móc nữa.

Cách ứng xử với đồng nghiệp thể hiện văn hóa của một tổ chức

Cách ứng xử với đồng nghiệp thể hiện văn hóa của một tổ chức

NGUỒN ẢNH: PIXAPAY

Báo cáo với cấp trên

Với anh Đức Nhật (nhân viên hành chính tại Q.3, TP.HCM), thì tùy thuộc vào môi trường và văn hóa ở công ty, anh sẽ có cách ứng xử phù hợp.

“Ở nơi trẻ trung thoải mái thì tôi phản ứng lại ngay và nhấn mạnh trực tiếp với người đó "em không thích chị/anh nói như vậy, chuyện cá nhân của em, em biết, không cần người khác quan tâm". Nhưng hầu như rất hiếm nơi tôi có thể nói trực tiếp như vậy. Trong đa số nơi tôi từng làm, tôi thường chọn cách sống ít trò chuyện với người thường xoi mói mình, tức là đặt ra biên giới rõ ràng với họ”, anh Đức Nhật nói.

Nếu phải chạm trán đồng nghiệp hay soi, anh Nhật sẽ chọn cách nói khéo léo, lịch sử, nhắc người đó ít quan tâm lại. Nhưng nếu đồng nghiệp liên tục khiến anh cảm thấy tiêu cực, anh sẽ báo cáo lại với "sếp".

“Tôi cố gắng giữ các bằng chứng mà đồng nghiệp tọc mạch chuyện cá nhân tôi để đem đi bàn tán. Nếu đồng nghiệp vẫn quá đáng, tôi sẽ lấy các bằng chứng đi khiếu nại lên cấp trên”, anh Nhật chia sẻ.

Tôn trọng sự khác biệt

Khảo sát nhanh của chúng tôi với nhiều người lao động khác tại một số công ty ở TP.HCM cho thấy, ai cũng mong xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp và môi trường làm việc lành mạnh. Tuy nhiên, trong cách giao tiếp, ứng xử mỗi ngày, đôi lúc, mỗi người khó nhận ra được liệu câu chuyện mình đề cập hay câu đùa giỡn nào đó có phải là xoi mói không. Do đó, mỗi cá nhân cần phải tự vấn và cần sự đối thoại của người tiếp nhận để điều chỉnh cách ứng xử phù hợp.

Chị Anh Thư (26 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) nói: “Tôi là người từ tỉnh khác đến TP.HCM, ban đầu, giao tiếp với đồng nghiệp rất khó khăn vì giọng nói tôi khó nghe. Nhưng mọi người lại đón nhận, cố gắng lắng nghe, điều này khiến tôi cảm thấy được tôn trọng và thoải mái lắm. Công ty tôi nhấn mạnh giá trị tôn trọng sự đa dạng trong đơn vị, từ quê quán, dân tộc, giới tính... Có lần, lãnh đạo tôi nói: Công ty có quy tắc riêng, nhưng không ai bị bỏ lại hay kỳ thị cả. Thế giới đủ bao dung để chúng ta cùng nhau sinh sống".

Chia sẻ của nhóm phóng viên

Văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công ty… được chúng tôi gọi tên theo hướng rộng rãi của công chúng Việt Nam. Quốc tế thường dùng là văn hóa tổ chức (Organizational Culture). Thuật ngữ này được biết đến nhiều hơn sau khi nhà tâm lý học và quản lý nhân lực người Canada - ông Elliott Jaques - đề cập trong quyển sách "The Changing Culture of a Factory" (tạm dịch: Sự thay đổi văn hóa trong một nhà máy) năm 1951.

Ông Elliott Jaques không định nghĩa cụ thể về văn hóa tổ chức. Nhưng có thể hình dung rằng văn hóa tổ chức là một hệ thống các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử trong một tổ chức. Ví dụ: cách nhân viên ứng xử với công việc, với đồng nghiệp, với cộng đồng… Những điều này không chỉ được nêu ra trong nội quy cơ quan mà còn phản ánh hằng ngày qua thái độ, hành động của nhân viên và lãnh đạo.

Trong suốt hàng thập niên qua, khái niệm về văn hóa tổ chức được hiểu theo nhiều cách khác nhau vì cách ứng xử muôn hình vạn trạng của mỗi cá nhân. Nhưng tựu trung lại, tất cả đều hướng tới xây dựng và phát triển văn hóa chung của mỗi đơn vị, tạo cảm giác tích cực cho tất cả người thuộc về tổ chức đó.

Chủ đề này được nhóm phóng viên khai thác từ ngày 28.3. Cho đến nay, đã có hơn 15 bài viết với các tình huống khác nhau. Chúng tôi cũng ghi nhận nhiều chia sẻ, tự sự của độc giả trên nhiều kênh. Qua những câu chuyện thường thức này, chúng tôi kỳ vọng sẽ truyền tải thêm được thông điệp để xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và bền vững hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.