(TNO) Bắc Kinh có thể vừa chặn được cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán với sự can thiệp mạnh tay. Song phía trước còn một vấn đề lớn hơn, đe dọa sức tăng trưởng và không dễ để quản lý: đống nợ doanh nghiệp 16.100 tỉ USD đang gia tăng.
“Núi nợ” doanh nghiệp chất đống
Nợ doanh nghiệp - bài toán mới khó có lời giải cho Trung Quốc - Ảnh: Reuters
|
Theo nghiên cứu được thực hiện trên 1.400 công ty của Thomson Reuters, các khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc, vốn lên đến 160% GDP và gấp 2 lần số nợ của các doanh nghiệp Mỹ, đã xấu đi nhanh chóng trong 5 năm qua. “Núi nợ” này được cho là sẽ leo thêm 77% đến 28.800 tỉ USD trong vòng 5 năm tới, theo hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P).
Chính sách can thiệp của Bắc Kinh vào tín dụng doanh nghiệp đến nay được thiết kế để giải quyết một vấn đề: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - số liệu mà năm nay được cho là sẽ rơi xuống mức đáy trong vòng 25 năm trở lại đây.
Từ tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 4 lần, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bỏ giới hạn về việc các ngân hàng có thể cho vay bao nhiêu trên tiền gửi họ có. Sử dụng những biện pháp này, Bắc Kinh muốn tín dụng đó sẽ chảy về các công ty nhỏ hơn hoặc những vùng kinh tế tân tiến.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 1.280 tỉ nhân dân tệ, tương đương 206 tỉ USD, trong tháng 6. Con số này nhiều hơn hẳn so với chỉ 900,8 tỉ nhân dân tệ cho vay trong tháng 5.
Nợ của các nhà sản xuất đang ngày càng làm lung lay lợi nhuận của họ. Nghiên cứu của Thomson Reuters chỉ ra rằng trong năm 2010, nợ của các hãng vật liệu bằng gấp 2,8 lần lợi nhuận. Vào cuối năm 2014, con số này tăng lên 5,3 lần. Nợ của các hãng năng lượng tăng từ mức gấp 1,1 lần lợi nhuận lên 4,4 lần lợi nhuận. Đối với ngành công nghiệp, hai số liệu trên lần lượt là 2,5 và 4,2.
S&P dự báo các công ty Trung Quốc sẽ chiếm đến 40% cho vay doanh nghiệp của thế giới đến năm 2019.
Nợ - vấn đề nan giải
Khi tín dụng được mở nút, rủi ro về việc tiền sẽ chảy vào các công ty hay thực thể “có vấn đề” tăng lên - Ảnh: AFP
|
Theo Reuters, có rất ít bằng chứng cho thấy số tiền trên đang được dùng vào các khoản đầu tư có lời trong nền kinh tế thực - nơi mà chi phí cho vay dài hạn vẫn ở mức cao và các ngân hàng miễn cưỡng chấp nhận rủi ro. Phần lớn khoản cho vay mới đang chảy vào các doanh nghiệp quốc doanh nổi tiếng là hoạt động kém hiệu quả như một phần của gói kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc.
Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế tại hãng RBS cho biết: “Khi tín dụng được mở nút, rủi ro về việc tiền sẽ chảy vào các công ty hay thực thể “có vấn đề” tăng lên”.
“Họ đang cho vay nhiều hơn để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng. Một vài dự án này được các doanh nghiệp nhà nước, những công ty có tỷ suất nợ cao, thực hiện. Trong tình hình giá đang giảm và doanh thu yếu đi, bạn không thể đòi hỏi tiến trình giảm nợ diễn ra nhanh chóng”, Tao Wang, trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc của ngân hàng UBS nói.
Cấp tín dụng cho các công ty hoạt động hiệu quả, nơi mà chúng sẽ đem đến tác động lớn nhất cho nền kinh tế, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu như các công ty hoạt động kém được cho phép phá sản. Song các nhà hoạch định chính sách lại đã và đang ra tay “cứu” các công ty đang có vấn đề, như cách họ đã làm khi hãng Technology và Shanghai Chaori Solar Energy Science vỡ nợ trái phiếu năm ngoái.
Theo S&P, nợ tăng nhanh, nguy cơ không rõ ràng và tỷ lệ nợ trên GDP rất cao là sự kết hợp độc hại cho nền kinh tế. Bắc Kinh đã mất một loạt các biện pháp chưa từng có tiền lệ để bình ổn thị trường chứng khoán, song nếu giải quyết “núi nợ” doanh nghiệp, số lượng biện pháp như trên có thể sẽ không thấm vào đâu.
“Quản lý thị trường nợ có thể nguy hiểm hơn việc bình ổn thị trường chứng khoán, bởi vì quy mô của thị trường nợ lớn hơn”, David Cui, nhà phân tích tại ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America nói.
Bình luận (0)