Dòng phim cảnh sát hình sự trở lại

25/06/2019 06:18 GMT+7

Sau thời gian dài vắng bóng, dòng phim cảnh sát hình sự đang trở lại trên sóng truyền hình.

Những tình tiết từ vụ án thật

Phim hình sự là thể loại không dễ làm. Để ra một bộ phim hay cần chuẩn bị rất kỹ càng từ kịch bản, ê kíp sản xuất, dàn diễn viên...
Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải
Bắt đầu lên sóng từ khoảng cuối tháng 4 trên kênh VTV3, bộ phim Mê cung (đạo diễn: Khải Anh, Trọng Khôi) được coi là “siêu phẩm” nằm trong sê ri phim Cảnh sát hình sự.
Mê cung do Nguyễn Trung Dũng (cũng là người viết chính kịch bản Việt hóa bộ phim nhiều tập gây sốt Người phán xử) chấp bút, bắt đầu từ câu chuyện một cô gái trẻ bị sát hại trong đêm tại một xóm trọ. Hung thủ bị bắt ngay sau đó với những chứng cớ buộc tội đanh thép. Vụ án tưởng chừng khép lại nếu như Khánh - Đội trưởng Đội điều tra hình sự, không kiên quyết lật ngược vấn đề và tìm ra vụ án tương tự diễn ra trước đó 2 tháng. Nhiều vụ án xảy ra tưởng chừng như không liên quan nhưng thực chất lại liên quan đến nhau, dẫn dắt Khánh đi tìm hiểu nguyên nhân về cái chết của cha anh. Theo đạo diễn Khải Anh, những câu chuyện trong Mê cung được dựa theo nhiều tình tiết trong những vụ án có thật.
Cùng với việc xây dựng câu chuyện có những tình tiết bất ngờ, Mê cung còn được đầu tư khá kỹ càng về mặt hình ảnh với sự tham gia của DOP Tuấn Anh. Những cú chạy máy theo chân nhân vật, bên cạnh những góc quay được tính toán kỹ nhằm đem đến hiệu quả tạo cảm giác hồi hộp cho người xem. Mê cung không sử dụng diễn viên đóng thế. Bởi vậy, diễn viên tham gia phải thực hiện những cảnh đánh nhau, rượt đuổi thật. “Đạo diễn, diễn viên và đoàn phim đã thống nhất ngay từ đầu là không sử dụng diễn viên đóng thế để tạo nên những cảnh quay mang lại cảm xúc thật cho người xem”, đạo diễn Khải Anh nói. Anh cho hay, các diễn viên phải chấp nhận bị thương với những cảnh quay nguy hiểm, chẳng hạn cảnh quay với tàu hỏa đang chạy.
Cùng với Mê cung, Bão ngầm (dự án phim cảnh sát hình sự của tác giả Đào Trung Hiếu, đạo diễn Đinh Thái Thụy) được khởi quay vào tháng 6. Bão ngầm kể về hành trình điều tra, bóc gỡ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia, vạch trần bộ mặt thật của tên trùm mafia ẩn dưới vỏ bọc chủ tịch một tập đoàn kinh tế lớn. Phim còn đề cập đến cuộc chiến “bão ngầm” giữa các mặt đối lập trong một cơ quan, tổ chức, cuộc chiến đấu trong nội tâm của người lính. Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông công an nhân dân, Bộ Công an).
Tác giả Đào Trung Hiếu cho biết, anh có gần 20 năm lăn lộn trong nghề, từng hoạt động nghiệp vụ trong hang ổ tội phạm, thực hiện nhiệm vụ trong các chuyên án về ma túy, bởi vậy Bão ngầm được viết bằng sự chân thật. “Chân thật từ câu chuyện, lời thoại, trong diễn biến nội tâm của hai phía chính, tà”, anh nói. “Tất nhiên, các vấn đề nghiệp vụ chúng tôi phải giấu đi, để lộ là không được phép”, tác giả Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Hàng năm trời chuẩn bị

Bộ phim Ngược dòng cái chết ra mắt khán giả vào năm 1997 là bộ phim mở đầu cho loạt phim Cảnh sát hình sự của Đài truyền hình VN (VTV). Trong những thập niên 1990, 2000, nhiều bộ phim trong loạt phim Cảnh sát hình sự được sản xuất như: Nước mắt của mẹ, Truy đuổi tội phạm, Cái chết con thiên nga, Bí mật hồ hang rắn, Hãy về với em, Từ đen đến trắng... Vài năm trước, loạt phim Cảnh sát hình sự được tiếp tục với bộ phim Bản di chúc bí ẩn, Câu hỏi số 5... Từ năm 2015, VTV gần như không thực hiện bộ phim nào thuộc dòng phim cảnh sát hình sự, cho đến phim Mê cung.
Phim hình sự là thể loại không dễ làm. Để ra một bộ phim hay cần chuẩn bị rất kỹ càng từ kịch bản, ê kíp sản xuất, dàn diễn viên... Chính vì vậy, phải mất một khoảng thời gian khá dài, chúng tôi mới quyết định ra một bộ phim cảnh sát hình sự sau khi cảm thấy đã có sự chuẩn bị đủ kỹ”, đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN) lý giải nguyên nhân của sự thiếu vắng dòng phim cảnh sát hình sự do VTV sản xuất lâu nay.
Nói về những cái khó khi làm phim cảnh sát hình sự, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Khó khăn đầu tiên là cần chuẩn bị kỹ kịch bản. Ngoài câu chuyện hấp dẫn, kịch bản loại phim này còn cần chuyên môn nghiệp vụ. Chúng ta cũng chưa có những phim trường đủ rộng, chất lượng, trong khi phim hình sự cần nhiều đại cảnh hoặc những cảnh quay hành động. Đòi hỏi của khán giả thì ngày càng cao, họ được xem nhiều phim hành động nước ngoài và muốn phim trong nước có chất lượng tương tự. Đó là sức ép cho phim trong nước”.
Đạo diễn Khải Anh cho hay, để làm phim cảnh sát hình sự cần có kinh phí lớn, thời gian thực hiện cũng nhiều hơn. Ngoài ra, đây là dòng phim đặc thù, cần có những cảnh quay hành động, kỹ xảo, hiệu ứng... “Chúng tôi phải đầu tư nhiều hơn, đầu tiên là sự chuẩn bị kỹ càng, có khi tới vài năm trời. Nhân sự, thiết bị, bối cảnh cũng phải được lựa chọn, hậu kỳ phim gồm hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo cũng phải được làm kỹ”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.