'Đồng phục' cho gần 500 trụ sở phường, xã ở Hà Nội?

26/09/2018 07:10 GMT+7

Nhiều chuyên gia không đồng tình với việc các trụ sở xã, phường, thị trấn ở Hà Nội sẽ có những mẫu 'đồng phục' chung.

Dễ nhận dạng, tránh lãng phí?
Tại giao ban trực tuyến của TP.Hà Nội mới đây, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đang gửi công văn xin ý kiến UBND các quận, huyện. Theo thống kê của sở này, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng mới là 483.
Phương án được đưa ra lấy ý kiến do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch đô thị, nông thôn (HRAP) trực thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Theo đó, về hình ảnh công trình phải thống nhất nhận diện, tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện. Quy mô diện tích đất cũng được đưa ra tùy theo khu vực. Chẳng hạn, trung tâm đô thị có diện tích tối thiểu 300 m2, tối đa khoảng 2.000 m2, cao tối đa 6 tầng. Thiết kế cũng phải có hình khối ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, không trang trí các chi tiết, gờ phào cổ điển rườm rà.
Trước đó, Báo cáo lập nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn của HRAP cho biết hiện trạng không thống nhất về diện tích đất xây dựng, diện tích sàn sử dụng, dẫn đến việc đầu tư xây dựng một số trụ sở quá lớn hoặc không thống nhất gây lãng phí trong đầu tư. Có trụ sở xã tổng diện tích sàn tới gần 3.000 m2. Báo cáo cho biết: “Nhiều khu đất xây dựng trụ sở cấp phường, xã diện tích quá rộng, có nơi lên đến hàng héc ta, có xu hướng gây lãng phí đất đai”. Về ngôn ngữ kiến trúc, nhiều phương án kiến trúc còn cầu kỳ, rườm rà, chất lượng thẩm mỹ thấp, không phù hợp cơ quan công quyền.
Một số mẫu công trình trụ sở phường, xã, thị trấn được đưa ra lấy ý kiến Ảnh: HRAP
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết hiện đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến của các địa phương, chưa áp dụng ngay vào thực tế khi xây dựng trụ sở mới. “Tôi khẳng định không có chuyện đập bỏ đi để xây mới hoàn toàn hàng trăm trụ sở ở cấp xã, phường, thị trấn. Mục tiêu của đề án này là đưa ra mẫu kiến trúc chung theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nước. Từ đó, khi triển khai xây dựng mới những trụ sở ở cấp xã, phường, thị trấn thì áp dụng theo mẫu chung này, đảm bảo tính thống nhất”, ông Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Vinh từ chối cho biết thời gian dự kiến sẽ chốt được mẫu chung, do đang trong quá trình lấy ý kiến của các địa phương.
Không phù hợp
Nghiên cứu sinh Trần Nhật Khôi (ĐH Kiến trúc, Hà Nội) cho biết: “Khi chuẩn hóa tiêu chuẩn thì xét về thực tế nó có thể giảm giá thành thiết kế vì làm mẫu hàng loạt. Tuy nhiên, nguy cơ của việc áp đặt là xây lên các kiến trúc có tính thị uy. Nó không có xu hướng mở hay xanh. Trong khi đó, cơ quan công quyền nên hòa quyện với xung quanh để thân thiện hơn với người dân”.
Sử dụng việc thống nhất này cho các trụ sở công quyền là điều hết sức phi lý. Khu đất khác nhau thì kiến trúc sẽ phải khác nhau, không thể dùng mẫu chung cho tất cả được.
TS Khuất Tân Hưng (ĐH Kiến trúc, Hà Nội)
TS Khuất Tân Hưng (ĐH Kiến trúc, Hà Nội) nêu ý kiến, ở VN cũng từng có công trình thống nhất hình thức như thế và có thể giờ vẫn còn tồn tại, ví dụ như các trại tạm giam. “Nhưng các trại đó nằm trong khu vực trụ sở công an và không tham gia vào đô thị nên nó không ảnh hưởng tới đô thị. Còn sử dụng việc thống nhất này cho các trụ sở công quyền là điều hết sức phi lý. Ngay cả các khu đất cũng đã khác nhau rồi. Khu đất khác nhau thì kiến trúc sẽ phải khác nhau, không thể dùng mẫu chung cho tất cả được”, ông Hưng nói.
Về tính sáng tạo của kiến trúc, theo ông Hưng: “Càng đại diện như cơ quan công quyền thì càng không được làm hàng loạt. Khi làm công trình có tính đại diện, chính nó là một điểm nhấn trong đô thị hay khu vực nào đó. Nếu làm điểm nhấn, nó sẽ phải mang đặc trưng của địa điểm đó, mang hơi thở, văn hóa của địa điểm đó. Làm “đồng phục” thế này thì bất cập”.
“Đồng phục” kiến trúc sẽ đi ngược lại xu hướng kiến trúc xanh, đô thị xanh hiện tại. “Công trình kiến trúc cũng còn phụ thuộc diện tích đất, cửa giả, quay hướng gì. Không thể nhà hướng nam làm giống nhà hướng tây được vì nó còn ánh nắng, gió. Thí dụ, hướng nam có thể mở rất rộng để đón gió, còn hướng tây thì phải đóng bớt lại không thì nắng vào. Hiện tại, xu hướng kiến trúc là kiến trúc bền vững, kiến trúc thích ứng với khí hậu, kiến trúc xanh… Nếu nhà nào cũng giống nhà nào thì không xanh được”, ông Hưng giải thích.
Trong khi đó, KTS Trần Huy Ánh, Viện Kiến trúc quốc gia, nhắc tới xu hướng số hóa các dịch vụ công: “Trong các xu thế số hóa 4.0, biết bao dịch vụ công đã được số hóa, trong khi một cơ quan công quyền vẫn được suy nghĩ như cách đây mấy chục năm rồi vẽ dọc vẽ ngang. Dịch vụ công số hóa và các cơ quan cũng được tích hợp với nhau để làm dịch vụ số. Thế thì các phòng ngang dọc đó thiết kế để làm gì”.
KTS Trần Huy Ánh, Viện Kiến trúc quốc gia, đặt câu hỏi về các mẫu được đưa ra có xứng đáng làm mẫu hay không. “Đề án đã phá sản ngay từ trong cách nghĩ đơn giản hóa và ngô nghê rồi. Tại sao lại bắt tất cả hát cùng một giọng? Trước đây chỉ đưa ra việc cùng làm một mẫu biển cho cửa hàng, người ta đã kêu ầm lên rồi”, ông Ánh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.