''Đông quy anh hùng truyện'' thua kiện ở Việt Nam

22/04/2012 03:26 GMT+7

Bán phim không giao đĩa Betacam (chất lượng cao) cùng hồ sơ pháp lý cho đối tác Việt Nam nhưng một hãng phim của Trung Quốc lại ngang ngược đưa vụ việc ra tòa đòi bồi thường hợp đồng.

Bán phim không giao đĩa Betacam (chất lượng cao) cùng hồ sơ pháp lý cho đối tác Việt Nam nhưng một hãng phim của Trung Quốc lại ngang ngược đưa vụ việc ra tòa đòi bồi thường hợp đồng.

Ngày 19.4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại bộ phim truyền hình nhiều tập giữa công ty Trung Quốc là Xian Hua International Video & Audio Co., Ltd. (gọi tắt là Xian Hua) với Công ty TNHH truyền thông Tiến Việt (trụ sở tại quận Phú Nhuận, gọi tắt là Tiến Việt).

Trong đơn khởi kiện, Xian Hua trình bày: Ngày 1.10.2010, Công ty Tiến Việt ký hợp đồng mua thương quyền bộ phim The returneast heroes (tên tiếng Việt: Đông quy anh hùng truyện) của Xian Hua với giá hơn 490 triệu đồng. Sau đó, Xian Hua chuyển giao 34 tập phim trong 4 DVD cùng bản sao giấy tờ pháp lý liên quan cho Tiến Việt. Tuy nhiên, đến nay Tiến Việt mới chỉ thanh toán được 40% giá trị hợp đồng (197 triệu đồng), chưa thanh toán khoản 60% còn lại. Xian Hua cho rằng Tiến Việt vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, do Tiến Việt cố ý kéo dài thời gian thanh toán nên Xian Hua không thể chuyển nhượng, mua bán thương quyền với đối tác khác, bị thiệt hại cho việc phải lưu trữ phim quá lâu nên Xian Hua yêu cầu tòa cho phép mình sở hữu 197 triệu đồng (tương đương 40% trị giá hợp đồng) mà Tiến Việt đã trả để “bù đắp phần nào thiệt hại”.


Một cảnh trong phim ''Đông quy anh hùng truyện''

Thế nhưng tại phiên tòa, đại diện Tiến Việt đã chứng minh một thực tế hoàn toàn ngược lại. Theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên, sau khi Tiến Việt thanh toán 40% giá trị hợp đồng thì Xian Hua phải chuyển giao 34 đĩa Betacam (đĩa chất lượng cao) cùng giấy tờ pháp lý để Tiến Việt tiến hành xin phép và cho lưu hành bộ phim. Tuy nhiên, Xian Hua chỉ cung cấp có 4 đĩa nén chất lượng thấp (đĩa này chỉ dùng để kiểm duyệt không thể phát hành) cùng với hồ sơ chưa đủ căn cứ pháp lý chứng minh bản quyền của loạt phim này. Do chưa được Xian Hua chuyển giao quyền được phổ biến, lưu hành bộ phim nên Tiến Việt chưa dám phát trên truyền hình. “Cả về mặt pháp lý và kỹ thuật đều không đảm bảo nên Tiến Việt không thể phổ biến, lưu hành, phát sóng bộ phim trên truyền hình, vì vậy không thể thanh toán tiếp 60% trị giá hợp đồng”, đại diện của Tiến Việt trình bày trước tòa.

Đến lúc này, đại diện Xian Hua cho rằng không chuyển đĩa Betacam và giấy phép vì Tiến Việt chưa thanh toán tiếp 60% và sợ Tiến Việt không thanh toán. “Theo tiền lệ những giao dịch trước đó Tiến Việt thanh toán hết giá trị hợp đồng mới được nhận đĩa Betacam và giấy phép”, đại diện Xian Hua giải thích nhưng không đưa ra bằng chứng, trong khi Tiến Việt không thừa nhận tiền lệ này.

Theo HĐXX, đây là tranh chấp nhượng quyền thương mại. Trong hợp đồng đã thỏa thuận giữa hai bên, Xian Hua phải chuyển giao đĩa Betacam và giấy phép có liên quan thì mới nhận được 60%. Vì không có đĩa đạt chất lượng, không có giấy phép nên mục đích phát sóng bộ phim không đạt được. Theo lý, Tiến Việt có quyền chấm dứt hợp đồng, đòi lại số tiền 40% đã đưa trước cho Xian Hua. Tuy nhiên, do hai bên chỉ yêu cầu chấm dứt hợp đồng, Tiến Việt không phản tố đòi lại tiền nên HĐXX chấp thuận cho hai bên chấm dứt hợp đồng. Còn việc Xian Hua đòi được sở hữu 197 triệu đồng là không có cơ sở nên HĐXX bác yêu cầu này, dành cho Tiến Việt quyền khởi kiện khi có nhu cầu.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.