Đồng ruộng thiếu nước, trạm bơm tiền tỉ bỏ hoang

05/04/2024 07:40 GMT+7

Các trạm bơm chống hạn và tiêu úng không phát huy tác dụng, bỏ hoang khiến hàng trăm héc ta ruộng lúa tại H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế rơi vào cảnh chết khô vào mùa nắng, ngập úng mỗi mùa mưa.

TRẠM BƠM TIỀN TỈ "XÂY ĐỂ… NGẮM"

Ông Lê Văn Sanh, 64 tuổi, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Trung Tiến (xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc), cho biết địa phương có gần 200 ha đất canh tác rơi vào cảnh phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới vào mùa khô. Nghịch lý là không phải địa phương thiếu kinh phí xây dựng các công trình thủy lợi để điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, mà tại xã này đã đầu tư 2 trạm bơm tiền tỉ, song hơn 10 năm nay chưa một ngày phát huy tác dụng.

Đồng ruộng thiếu nước, trạm bơm tiền tỉ bỏ hoang- Ảnh 1.

Trạm bơm được xây dựng với kinh phí gần 2 tỉ đồng tại thôn Trung Kiền (xã Lộc Tiến) trở thành nơi nuôi dê, bãi tập kết rác

ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN

Đó là công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn (tại thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc) xây dựng từ năm 2003 với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng, gồm các hạng mục: trạm bơm, trạm biến áp, nhà điều hành, hệ thống kênh mương bê tông dài 2 km. Trạm bơm có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 150 ha lúa của các HTX Trung Tiến, Phú Sơn. Thế nhưng trên thực tế trạm bơm chưa một lần dẫn được nước vào ruộng. PV Thanh Niên ghi nhận đường ống, máy móc hiện đã rỉ sét, đường mương dẫn nước bị vùi lấp hoàn toàn; trạm bơm được người dân làm chuồng nuôi dê, bãi rác…

Đồng ruộng thiếu nước, trạm bơm tiền tỉ bỏ hoang- Ảnh 2.

Trạm bơm tại thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến) “đắp chiếu” bên hàng trăm héc ta ruộng khô cháy

"Từ khi trạm bơm xây xong, tôi chưa bao giờ thấy nước được dẫn về ruộng. Không có nước, mỗi năm nông dân chỉ làm được 1 vụ, mà cũng chưa chắc đã thành công vì nhiều khi lúa đã trổ nhưng lại chết oằn, sâu bệnh hoặc khô cháy. Tổng cộng hơn 190 ha đất trồng lúa, nhưng vì thiếu nước nên vụ hè - thu nông dân chỉ sản xuất được khoảng 12 ha", ông Sanh nói. Cũng theo ông Sanh, việc nghiên cứu xây dựng trạm bơm rất thiếu tính toán: áp lực nước quá lớn, trong khi chất lượng mương dẫn nước quá yếu (so với dòng chảy) nên khi vừa đưa vào hoạt động đã xảy ra sự cố vỡ mương, tràn nước…

Cách trạm bơm này khoảng 3 km có thêm 1 trạm bơm tiền tỉ khác cũng không phát huy tác dụng khiến hàng trăm héc ta ruộng lúa của người dân tại thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến) đành bỏ hoang. Năm 2012, HTX Song Thủy (thôn Thủy Dương) được nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hiện đại với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng nhằm tiêu nước ngập úng và giúp nông dân sản xuất thêm vụ hè - thu. Thế nhưng trạm bơm xây xong chỉ để đó.

Theo ông Nguyễn Hàng (69 tuổi, trú thôn Thủy Dương), từ đầu năm 2010, khi nghe tin nhà nước xây dựng trạm bơm, nông dân trong thôn rất phấn khởi. Nhưng sau đó, do công suất của máy hút không đáp ứng được lượng nước lũ đổ về, trạm bơm đành phải "đắp chiếu".

TÍNH CHUYỆN XÂY HỒ CHỨA

Ông Phan Hữu Bình, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, cho biết 2 trạm bơm này đều do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Phú Lộc làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, công trình được giao cho các HTX Trung Tiến và Song Thủy vận hành, quản lý, tuy nhiên đã bỏ hoang hàng chục năm nay do không hiệu quả. Vào mùa nắng, hàng trăm héc ta ruộng bị bỏ hoang do nước đầu nguồn dần khô cạn, một phần ảnh hưởng từ việc Nhà máy nước Chân Mây hút nước các con sông, suối để sản xuất nước sinh hoạt.

Đồng ruộng thiếu nước, trạm bơm tiền tỉ bỏ hoang- Ảnh 3.

Vào mùa nắng, hàng trăm héc ta ruộng tại xã Lộc Tiến phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất

Những năm qua, để tránh việc quỹ đất nông nghiệp bị bỏ hoang, chính quyền xã Lộc Tiến kêu gọi người dân xây dựng một số mô hình chuyển đổi cây trồng như làm hồ sen, trồng rau, đậu. Đến nay quỹ đất xây dựng các mô hình trồng cũng đã cải thiện một phần, nhưng vẫn còn diện tích đất ruộng lớn bỏ hoang vì thiếu nước. UBND xã Lộc Tiến đã đề xuất cấp trên duyệt kinh phí xây dựng hệ thống tích nước, hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, lấy ý kiến đánh giá tác động môi trường xây một hồ chứa nước tại thôn Thủy Cam (xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc) để cấp nước cho các xã trong vùng; dự án này thuộc kinh phí của trung ương.

"Chúng tôi mong muốn khi đề án đưa lên sẽ được cấp trên phê duyệt. Với nguồn nước này, địa phương sẽ có hệ thống thủy lợi lâu dài, phục vụ bà con làm nông nghiệp", ông Bình nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.