Đồng sáng lập Facebook kêu gọi chính phủ chia nhỏ hãng mạng xã hội

09/05/2019 21:19 GMT+7

Nhà đồng sáng lập Facebook Chris Hughes bất ngờ kêu gọi chính phủ chia tách hãng mạng xã hội Mỹ trong một bài viết đăng trên tờ The New York Times sáng nay 9.5.

Theo CNBC, ông Hughes viết: “Facebook tồn tại hôm nay không phải là Facebook mà chúng tôi tạo ra năm 2007. Facebook hôm nay theo tôi là quá lớn, quá mạnh và quan trọng nhất là CEO của hãng, ông Mark Zuckerberg, không chịu trách nhiệm”. Hughes là người khởi động Facebook cùng Zuckerberg trong khuôn viên Đại học Harvard. Đến nay, ông vẫn xem tỉ phú top 10 thế giới là “bạn”.
“Tôi đã làm bạn với Mark và rất nhiều người khác ở Facebook trong thời gian dài. Và bạn biết đấy, ai mà biết hết được? Chúng tôi có thể tiếp tục là bạn, có thể không. Có một số người bạn mà bạn có nhiều thứ không đồng tình với họ. Cũng có một số người bạn mà bạn không thể không đồng tình với họ”, Hughes chia sẻ.
Nhà đồng sáng lập Facebook là cái tên mới nhất góp giọng trong nhóm một loạt những người ủng hộ quyền riêng tư và chính trị gia lưỡng đảng Mỹ kêu gọi động thái chống độc quyền liên bang đối với Facebook. Trong số các chính trị gia không hài lòng với hãng mạng xã hội có thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Ted Cruz.
Quan điểm của Washington về Facebook tồi tệ hơn gần đây, sau nhiều bê bối rò rỉ thông tin cá nhân hàng triệu người dùng và tiết lộ cho hay Facebook bị các nhà tuyên truyền Nga thao túng để lan truyền thông tin sai lệch, làm yếu nền dân chủ. Trong nhiều phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Zuckerberg cùng các giám đốc điều hành và luật sư đã xin lỗi và cam kết ngăn chặn nhiều bê bối trong tương lai. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng Facebook đã đi quá xa và lạm dụng quyền lực.
Hồi tháng 3, thượng nghị sĩ Warren cho hay bà sẽ kêu gọi các nhà quản lý liên bang gắt gao hơn với các vụ sáp nhập chống cạnh tranh. Bà muốn Instagram và WhatsApp tách khỏi Facebook. Bà cũng kêu gọi tách Whole Foods và Zappos khỏi Amazon, tách mạng quảng cáo DoubleClick khỏi Google.
Theo ước tính của hãng tin Mỹ, Zuckerberg và một nhóm nhỏ các nhà đầu tư trong cuộc kiểm soát gần 70% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Facebook. Riêng ông Zuckerberg nắm gần 60%. Nếu rời khỏi vị trí giám đốc điều hành, tỉ phú này vẫn có quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua số cổ phiếu.
Song theo Hughes, Zuckerberg không thể sửa hãng mạng xã hội: “Tôi không cho rằng Mark Zuckerberg sửa được Facebook. Tôi nghĩ chỉ có chính phủ mới có thể làm điều này, bằng cách giúp thị trường cạnh tranh hơn, chia nhỏ Facebook và tạo ra nhiều hạn chế về quyền riêng tư”. Hughes cũng kêu gọi chính phủ trước hết thực hiện hành động quyết liệt như đảo ngược sự sáp nhập WhatsApp và Instagram vào Facebook và tạo cơ quan mới để quản lý công nghệ bên cạnh Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).
Nhà đồng sáng lập Facebook cho rằng vấn đề về Facebook không liên quan đến đảng chính trị và dẫn việc FTC chia tách hãng khổng lồ viễn thông AT&T dưới thời cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan làm ví dụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.