Quyển sách dày 536 trang, gồm 3 chương. Trang viết, tỉnh như cái cách người ta ngồi bên hiên nhà, và kể chuyện. Đọc quyển sách này, bạn sẽ tìm thấy gì? Điều này tùy thuộc vào đối tượng và sự cảm nhận của mỗi người. Người làm việc trong ngành Truyền thông - Tiếp thị, có thể sẽ đón nhận nó như những bài học đắt giá mà người đi trước một chặng đường dài, bằng tư duy nhạy bén và niềm đam mê công việc đã viết ra. Người cận kề sinh tử, đối diện với những cơn bạo bệnh sẽ tìm thấy một niềm vui sống, một mặt trời ở cuối đường hầm, cũng như được gieo thêm một nghị lực tươi mới lạ thường.
Trong phần Khởi nguồn, Trang chia sẻ: Tuổi trẻ của tôi đã từng bị xoáy sâu, chìm nổi tơi bời trong cái vòng ám ảnh quyết liệt: Một dòng sông phải ra biển lớn, một con người phải sống cuộc đời lớn…
Lúc này đây, khi hoàn tất quyển sách này, trong tôi đã không còn khát khao biển lớn, không còn những cồn cào dữ dội của tuổi trẻ ngày đã có. Dòng sông tôi, ngày hôm nay, là một dòng sông không ra biển, nhưng đã được thỏa sức vẫy vùng, sống với tận cùng những gì mình lựa chọn. Có thể, điều tôi chọn không dẫn tôi đến nơi biển lớn, đại dương như tôi hằng mong muốn nhưng lựa chọn khiến tôi tự-do an trú trong điều mình thực sự được làm…
Với lối viết sắc sảo, khơi gợi, mãnh liệt và cũng đầy mẫn cảm, Trang viết như một nhà văn đã có bề dày trong sáng tác văn chương, từ những dòng tự sự đầu tiên, cho đến trang cuối cùng.
Đọc Trang, lúc sinh thời nhà thơ Du Tử Lê từng nhận xét rằng, những trang văn của cô có lẽ là sự cân bằng giữa tư duy chân thật, bất ngờ và, những con chữ hiện ra (cũng bất ngờ) tươm tất, mới mẻ…
Những dòng tự sự ở trang đầu, Trang chia sẻ: Con người ta thường hay bị dẫn dụ bởi những thứ gọi là đam mê, là lý tưởng, là ước mơ hoặc là đại dương, biển lớn. Khi tôi đặt tựa quyển sách là "Dòng sông không ra biển" thì nhiều người góp ý: Không nên, bởi nó gợi đến sự bế tắc và những thất lỡ của cuộc đời. Nhưng, tuyệt nhiên không phải thế!
Trong Chương I: Gieo mầm trên đất lạ, Trang kể về những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của mình khi cô đang học ngành Truyền thông - Tiếp thị trên nước Mỹ, tại một trường đại học ở tiểu bang Missouri. Những năm tháng trên đất nước này cô đã học tập, làm việc bằng tất cả khả năng và nghị lực của một cô gái trẻ vào đời.
Là một cô gái từ bé đã nhận được sự bảo bọc của người mẹ, đến một miền đất lạ, cô bắt đầu một đoạn đời hoàn toàn khác. Trong điều kiện gia đình, Trang có thể cho phép mình được đi trên con đường đã trải thảm. Nhưng cô vẫn chọn một đời sống khác: Một đời sống tự lập, tuyệt nhiên không có một bàn tay nào khác nhúng vào xô đẩy, chèo lái, với một tâm niệm rằng: Đời sống có thể tốt hoặc xấu, sung sướng hoặc khổ đau, thậm chí may mắn hoặc xui xẻo; nhưng định hướng cuộc đời thì chỉ có một: Đi về phía trước; và, lệnh vào-đời của mình, cất lên ở một nơi vừa xa vừa lạ. Hiệu lệnh đó nói rằng: Cuộc đời tôi từ nay sẽ do tôi quyết định.
Chương II: Kể trên đường làm nghề, Trang quyết định về nước và bắt đầu công việc truyền thông tại TP.HCM. Đi cùng tựa sách, Trang mở ra một sự khơi gợi với bạn đọc bằng những câu chuyện làm nghề truyền thông - những câu chuyện "bây giờ mới kể". Phía sau những câu chuyện này, bạn đọc (nếu là) người làm nghề truyền thông sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm mà với bề dày qua 20 năm cô đã thu nhận và đúc kết.
Những bài học đắt giá được Trang chia sẻ trong quyển sách này: Lúa không cao, sao phải cúi đầu?! là một thực tế, một cái nhìn khá mới mẻ và táo bạo của Trang trong công việc và dấn thân. Ý thức được vị trí nhân viên tập sự của mình, tôi không để bản thân bị "lừa phỉnh" bởi ý nghĩ: Còn trẻ nên phấn đấu, còn trẻ nên cống hiến, không nên tính toán. Tôi thì nghĩ ngược lại: Còn trẻ, dấn thân đúng hướng, đúng cách sẽ đi được đúng đường. Và, quan trọng nhất là trên con đường mình tin là đúng ấy, mình còn đủ sức mà đi đến cùng. Xả sức người ra chỉ để "thể hiện" sự phấn đấu, sự cống hiến cho đến sức cùng lực kiệt thì làm sao sau này có "cửa" mà nói chuyện đường dài.
Từ những quy luật, nhận thức và những góc nhìn mới đầy tư duy, quyết đoán và mang tính "khai sáng", Trang đã rút ra những bài học cho công việc cô đã và đang theo đuổi.
Trong Chương III, cũng là chương cuối của quyển sách này: Cũng chỉ vậy thôi, bạn đọc sẽ bắt gặp một Zennie Trang Nguyễn với nghị lực đáng khâm phục khi đối diện với căn bệnh nan y. Có lúc tưởng chừng như gục ngã khi một ngày cô biết mình bị ung thư, và cô đã đón nhận nó như một điều gì đến sẽ phải đến, với một trạng thái hoàn toàn khác: Mọi sự thay đổi đến một cách âm thầm nhưng vô cùng quyết liệt. Và hóa trị lúc này cũng là một cuộc chiến quyết liệt, tôi và ung thư, một mất một còn. Cuộc chiến này không ai đánh thay cho tôi được. Đau đớn này không ai đau thay cho tôi được. Hơn bao giờ hết, trong bệnh tật, trong đau đớn, tôi thấy mình cô độc chưa từng có (Mặt trời đỏ).
Trong Bầu trời qua ô cửa rộng, Trang chia sẻ: Tôi không hỏi thêm bất cứ điều gì nữa. Chẳng có điều gì cần thêm khi đã biết mình bị bệnh ung thư. Tôi về phòng nằm im, buông bỏ. Bầu trời qua ô cửa rộng đang tối dần. Thế giới của tôi như có điều gì rất xa lạ đang xâm chiếm một cách mãnh liệt: Ung thư. Ung thư nghĩa là chết, mà chết thì đâu có gì đáng sợ, chết thì không-phải-sống đời sống phế nhân, lăn từng ngày trên chiếc xe chật vật. Chết thì không còn phải chịu đựng, không còn đau đớn, không còn tuyệt vọng… Chết đâu có gì là đáng sợ. Sức mạnh đương đầu với cái chết trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi.
Dòng sông không ra biển dày hơn 500 trang sách, từ trang đầu cô viết: Quyển sách này con viết tặng Mẹ... Bởi, không hiểu từ bao giờ, tôi có thói quen âm thầm tìm kiếm cho mình cái thứ sức mạnh vô hình có từ sâu trong ánh mắt ấy. Người mẹ của cô, người đàn bà dịu hiền và cũng đầy nghị lực. Không chỉ riêng Trang, mà tất cả chúng ta, khi đối diện với những cơn đau thể xác, tinh thần, đối diện với những bão giông của cuộc đời, thì điểm tựa bình yên nhất ta tìm về luôn là trái tim người mẹ, nơi an trú vĩnh cửu, kể cả khi, trong mắt mẹ cũng đong đầy một nỗi buồn ráo hoảnh, mẹ vẫn là nơi cho ta nỗi ấm áp, cho ta được trút bỏ muộn phiền.
Trong Nấm mồ bên ngực phải, Trang viết khi từ bệnh viện trở về: Mẹ chờ ở nhà để đón tôi về, sâu trong lòng Mẹ là sự đón nhận tràn đầy yêu thương dành cho đứa con nay đã khác, nó không còn nguyên vẹn như lúc Mẹ sinh ra. Tôi cố đọc từ trong mắt của Mẹ một chút tang thương, ủy mị để mà có cớ thương hại thân xác mình, nhưng hoàn toàn không thấy một mảy may nào của nỗi thương tâm. Tôi thèm được yếu đuối, thèm được khóc lóc, được vật vã với nấm mồ mới đắp trên cơ thể của mình, nó quá sức chịu đựng của tôi. Nhưng, ánh mắt Mẹ chỉ lặng lẽ nói với tôi rằng: Đã xong rồi, sẽ ổn thôi con à!
Dòng sông không ra biển không làm bạn thất vọng, cũng như Trang sẽ không làm bạn thất vọng, bởi văn của cô lôi cuốn người đọc từ những trang đầu. Và sau tất cả ta nhận ra rằng: Cuộc đời mỗi con người như một dòng chảy của sông, đổ ra biển lớn hay chọn ở lại với sông hồ đều là sự lựa chọn của mỗi người.
Khép lại Dòng sông không ra biển là những lời tự sự đẩy người đọc lên đến trạng thái xúc cảm tột cùng, khi "Tiếng Chúc Anh nói khẽ bên ngoài: Bố ơi! Trang khóc…".
Một cái kết tưởng như lửng, nhưng lại là một cái kết đóng, như một cánh cửa, một vách ngăn giữa khổ đau và hạnh phúc. Những giọt nước mắt của nỗi đau được tuôn ra sẽ là những giọt nước mắt hạnh phúc, hạnh phúc vì không phải cất giữ một mình, cả khi khổ đau đó chỉ mỗi mình gánh chịu. Phía sau cô gái giàu nghị lực này là một tâm hồn đầy yêu thương và mẫn cảm. Bạn đọc sẽ nghe như cô đang kể chuyện mình, chuyện nghề và chuyện đời. Không một tiếng thở dài.
Gấp sách lại, ta còn nhìn thấy một Zennie Trang Nguyễn kiêu hãnh giữa dòng sông xanh thẳm. Cô ngụp lặn và sải bơi bằng tất cả những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của mình.
Bình luận (0)