Sông Con khởi nguồn từ huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An). Sông chảy qua H.Nghĩa Đàn và TX.Thái Hòa mang tên sông Hiếu, chảy đến địa phận H.Tân Kỳ được gọi là sông Con.
Sông Con có trữ lượng cát, sạn khá lớn và chất lượng tốt nên đã trở thành tâm điểm khai thác vật liệu xây dựng ở Nghệ An. Chỉ vỏn vẹn khoảng 60 km, nhưng hiện nay sông Con qua H.Tân Kỳ có đến 16 doanh nghiệp (DN) được cấp phép khai thác cát, sạn với công suất gần nửa triệu m³ cát mỗi năm. Hoạt động khai thác khoáng sản này mang lại lợi ích kinh tế, nhưng nó cũng gây ra rất nhiều hệ lụy cho dòng sông. Tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Dũng… nhiều héc ta đất nông nghiệp đã biến mất do sạt lở. Dòng sông này đang ngày càng bị khoét sâu khiến nguồn nước bị tụt.
Trao đổi với người viết, một cán bộ của Công ty THHH MTV Thủy lợi H.Tân Kỳ cho biết khoảng 10 năm qua, sông Con đã bị tụt khoảng 3 - 4 m nước. Vào mùa kiệt (từ tháng 3 - 7), sông Con rất cạn, nhiều thời điểm bị trơ đáy, trở thành dòng sông chết khiến việc cung cấp nước tưới cho hàng chục ngàn héc ta cây trồng của huyện này trở nên rất khó khăn.
Trong các báo cáo của ngành chức năng tỉnh Nghệ An, hiện tượng sông Con bị tụt nước được đổ lỗi do… biến đổi khí hậu. Nhưng người dân địa phương sống hai bên con sông này thì khẳng định nguyên nhân là do khai thác cát, sạn quá nhiều và các thủy điện chặn dòng nước ở đầu nguồn…
Mới đây, cơ quan chức năng H.Tân Kỳ kiểm tra 14 DN khai thác cát, sạn và phát hiện nhiều sai phạm trong khai khoáng. Ở thượng nguồn sông Con qua H.Nghĩa Đàn, TX.Thái Hòa, rất nhiều DN đang ngày đêm khoét sâu lòng sông để lấy cát, sạn. Rõ ràng hoạt động khai khoáng đang là "con dao hai lưỡi" và nếu việc đánh giá tác động môi trường không được làm một cách bài bản, khoa học thì hậu quả của khai khoáng quá mức là không hề nhỏ.
Bình luận (0)