Riêng đối với tôi sông La Giang gắn liền với mảnh đất Tùng Ảnh, Đức Thọ mãi mãi là những ký ức thời thơ ấu, mãi mãi là dòng sông thơ mộng và đầy quyến rũ. La Giang tiếp nối sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố chảy về Linh Cảm (xã Tùng Ảnh) hết triền đê Đức Thọ gặp sông Lam (Nghệ An) rồi đổ ra biển Đông.
Dòng sông đã bồi đắp lên những bãi mía, nương dâu xanh mướt đầy thơ mộng. Một làng quê nghèo như bao làng quê khác nhưng người dân ở đây đã khai thác hết những thế mạnh của dòng sông để cho kinh tế địa phương phát triển, từ thời đó người dân đã biết kéo mía làm mật ong, dệt lụa ươm tơ với lụa Châu Phong một thời nổi tiếng.
Những buổi trưa hè, chúng tôi được ăn cơm với tô canh hến, ngọt lịm nấu với các loại rau. Ký ức với những chiếc đò nhỏ cào hến ở giữa dòng sông tạo thành một nghề cào hến và đãi hến - với tiếng rao “ai ăn hến không”, chắc ai đi xa quê vẫn không quên món hến của quê nhà. Một làng chài nhỏ bên dòng sông đánh bắt cá đủ loại tươi xanh để bán cho mọi người có bát canh cá ngọt cả vùng quê.
Thời xa xưa ở quê làm gì có phương tiện ô tô để giao lưu hàng hóa - dòng La Giang đã có những chuyến đò dọc, đò ngang, trên bến dưới thuyền tấp nập, vận chuyển những nông sản từ Hương Sơn, Hương Khê về chợ Hạ, chợ Đốn, chợ Thượng… và ngược lại chở hàng tiêu dùng vải, lụa, tơ tằm, hàng tạp hóa… cho các huyện vùng xa.
Sông La Giang trong ký ức của tôi có một nét văn hóa đặc biệt vùng quê sâu đậm - từ những chuyến đò dọc buôn bán giao lưu hàng hóa là những câu hò ví dặm, những câu thơ về Thúy Kiều - Kim Trọng, những ca trù ngọt lịm Kinh Bắc… trên các chuyến đò của các bà, các chị trong đó có mẹ tôi. Những giai điệu đó thường được mẹ tôi à ơi… cho các chị em tôi lúc còn nhỏ, từ đó chúng tôi đều thuộc các bài thơ: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, ca dao tục ngữ…
Những nét văn hóa đó đã giáo dục cho lớp người sinh ra và lớn lên trên đất Tùng Ảnh quê tôi đều hiếu học, có lòng yêu nước, yêu tổ quốc. Thời phong kiến đã có các vị học giỏi đậu quan to. Thời chống Pháp có Phan Đình Phùng khởi nghĩa. Có Trần Danh, Trần Phú… lớp lớp con cháu sinh ra trên dòng sông La đã luôn luôn tự hào về quê hương yêu dấu. Phấn đấu học tập lớp người đi trước, trưởng thành phục vụ cho đất nước, trở thành bộ trưởng, giáo sư, tiến sĩ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang chiến sĩ ở hải đảo, biên giới xa xôi… đều tham gia đóng góp cho công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, xây dựng nước nhà.
Dòng sông quê tôi là những buổi trưa hè, lũ nhỏ chúng tôi bơi lội qua bãi bồi hái trộm những trái dưa hồng, dưa hấu, mò hến, mò trai… đứa nào cũng biết bơi, các anh lớn tuổi hơn thì tổ chức thi bơi từ làng tôi xuống thị trấn Đức Thọ. Tôi nhớ anh trai tôi được giải nhất - dòng La Giang đã đào tạo những thanh niên bơi giỏi nhập ngũ vào binh chủng hải quân, trong đó có anh tôi và anh đã hy sinh khi đánh Mỹ ở bờ biển Hải Hậu - Nam Hà năm 1967.
Nước sông La vừa trong vừa mát, làng tôi chỉ có một cái giếng, còn lại đều ra sông gánh nước về để dùng ăn uống, tắm giặt, tưới cây, không bị ô nhiễm, chẳng ai bệnh tật gì khi uống nước sông La. Ở quê tôi buổi sáng có tục là mời nhau uống nước chè xanh, nước sông La nấu với chè xanh, sáng sáng nhà nọ mời nhà kia thấm đậm tình quê với bát nước chè xanh (đọi nác chè xanh) bàn chuyện làng chuyện nước.
Sông La Giang đã gắn với con đê đá được đắp từ thời xa xưa, mùa nước lũ về, nước sông dâng cao, nước từ nguồn về đục ngầu rất hung dữ, nhưng chưa bao giờ bị tràn đê, đê càng ngày càng được gia cố. Thích nhất là lũ về kéo theo rều (củi, rác) ở rừng - bọn trẻ chúng tôi theo người lớn ra sông vớt rều chất đống để phơi đun nấu thay củi quanh năm. Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ đã yêu mến con sông quê tôi, sáng tác những tác phẩm đáng yêu, đáng nhớ.
Sông La Giang trong ký ức của tôi còn nhiều, nó là một dòng sông thơ mộng, êm đềm trong xanh, góp phần xây dựng kinh tế cho làng quê, cho dù bây giờ có tác động phần nào về môi trường. Dù đã đi xa mấy chục năm rồi, nhưng những ký ức của tuổi thơ đối với dòng sông quê hương vẫn còn đọng lại trong tim tôi.
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La...”
|
Bình luận (0)