Đồng Tháp căng thẳng 'cuộc chiến' dịch tả lợn châu Phi

25/06/2019 21:18 GMT+7

Bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 25.6, toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 12.800 con lợn mắc bệnh chết với tổng khối lượng gần 1.000 tấn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 25.6, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trủ trì buổi họp trực tuyến chỉ đạo các ngành và các địa phương nhằm tăng cường các giải pháp để bảo vệ đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

Tiêu hủy lợn chết đến 9 - 10 giờ đêm

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 12/12 huyện, thị, thành phố của Đồng Tháp, với 50% số xã có lợn mắc bệnh. Thiệt hại nặng nề nhất là các huyện Châu Thành, Tân Hồng và TP.Sa Đéc…
Ông Phan Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, cho hay tính đến ngày 24.6, toàn huyện có 603 hộ chăn nuôi có đàn lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng đã tổ chức tiêu hủy gần 7.800 con lợn chết với tổng khối lượng hơn 670 tấn.
Ông Phan Thanh Dũng cho hay có ngày huyện phải xử lý chôn lấp hơn 70 tấn lợn bệnh chết, do số lượng lợn chết phát sinh quá cao so với phương án xử lý nên huyện gặp khó khăn rất nhiều trong việc xử lý dịch bệnh. Một số hố chôn lấp quá tải dẫn đến xì hố, bốc mùi hôi thối, gây phản ứng cho các hộ dân xung quanh.
“Việc thu gom xử lý lợn bệnh chết khó khăn. Hôm nào xử lý xong sớm cũng khoảng 9 -10 giờ đêm anh em mới về nhà… Thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh phát sinh rất lớn, ngoài kế hoạch và dự báo của địa phương”, ông Dũng cho biết.

Lực lượng chức năng phải căng sức xử lý số lợn chết do dịch tả lợn châu Phi vượt xa dự báo ẢNH: TRẦN NGỌC

Rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, cho hay tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nhiều hộ dân chăn nuôi, nhưng bệnh chưa xảy ra đối với các hộ chăn nuôi lợn theo hình thức an toàn sinh học và trại chăn nuôi có ý thức trong phòng, ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Võ Bé Hiền, hộ chăn nuôi của tỉnh không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học, như: không kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, sử dụng thức ăn thừa và mua các sản phẩm từ thịt lợn về tiêu thụ trong trại… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Việc các hộ chăn nuôi “bán chạy” lợn bệnh cho thương lái và vứt lợn bệnh chết xuống sông cũng sẽ khiến cho tình trạng dịch bệnh dễ bùng phát tại Đồng Tháp.
Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong nước ít nhất 3 tháng. Do điều kiện chăn nuôi của các hộ dân chủ yến nhỏ, lẻ và sử dụng nước sông tắm nên dịch bệnh sẽ lây lan. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của cơ quan chức năng, chúng tôi rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học”, ông Hiền nói.

Nhiều hố chôn bị quá tải do lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi chết quá nhiều ẢNH: TRẦN NGỌC

Ông Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương và ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa và bảo vệ số lượng đàn lợn hơn 170.000 con còn lại của tỉnh, tránh để dịch bệnh lan rộng.
Để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Tháp chi hỗ trợ cho người chăn nuôi 38.000 đồng/kg lợn bị tiêu hủy. Đến nay, chỉ riêng H.Châu Thành đã chi hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Các huyện còn lại của tỉnh Đồng Tháp cũng đang triển khai chi hỗ trợ cho các hộ dân có lợn chết bị tiêu hủy theo quy định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.