Đồng Tháp phát triển khởi nghiệp

14/11/2024 08:00 GMT+7

Phong trào khởi nghiệp đang phát triển rộng khắp tại Đồng Tháp. Từng ngành, từng địa phương trong tỉnh đều có hoạt động hỗ trợ về vốn, kỹ năng, khoa học kỹ thuật phù hợp… góp phần giúp chủ thể khởi nghiệp thành công.

"Ươm mầm" khởi nghiệp

Theo Tỉnh đoàn Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 14 CLB khởi nghiệp cấp huyện, 2 CLB sáng tạo khởi nghiệp và thanh niên với đặc sản Đồng Tháp; 162 CLB thanh niên làm kinh tế ở 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, hội viên, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức 6 cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, thu hút hơn 500 dự án (DA), ý tưởng dự thi. Nhằm khuyến khích thanh niên phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tỉnh có nhiều chương trình đồng hành như: "Chuyến xe khởi nghiệp đất sen hồng"; "Ươm tạo đàn sếu khởi nghiệp đất sen hồng"…

Sản phẩm khởi nghiệp của H.Lấp Vò được trưng bày tại một sự kiện tổ chức tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp). ẢNH: TRẦN NGỌC

Sản phẩm khởi nghiệp của H.Lấp Vò được trưng bày tại một sự kiện tổ chức tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp)

ẢNH: TRẦN NGỌC

Từ các cuộc thi và các chương trình đồng hành, đã có 72 DA khởi nghiệp thanh niên phát triển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã… Điển hình là DA "Kết nối con người với tự nhiên - Mr Mướp" của Công ty TNHH Thảo Minh (H.Thanh Bình) đạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp xanh năm 2023, với sản phẩm thân thiện môi trường là bông tắm, miếng lót giày, miếng rửa mặt, chà lưng, túi xách… từ xơ mướp. Mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… khoảng 50.000 - 60.000 sản phẩm. Hay như DA khởi nghiệp phân hữu cơ từ vỏ củ ấu của anh Nguyễn Trường An (H.Lấp Vò), doanh thu gần 250 triệu đồng/năm.

Nét đặc biệt trong các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Đồng Tháp là các DA, ý tưởng dự thi được mở rộng ra khu vực ĐBSCL và quốc gia, nhằm giúp các DA có điều kiện giao lưu, đúc kết kinh nghiệm và hoàn thiện, phát triển. Mới đây, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức Cuộc thi ý tưởng, DA khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững lần 10 - năm 2024, thu hút 36 DA/ý tưởng cả nước vào chung kết. Trong 3 DA của Đồng Tháp vào chung kết, DA "Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm" của nhóm thí sinh Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Nguyễn Ngọc Thanh Hà đoạt giải nhất.

Kinh tế xanh để phát triển bền vững

Quan tâm đến phong trào khởi nghiệp, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 1, với nhiều hoạt động ý nghĩa, thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành đến phong trào khởi nghiệp của khu vực.

Đóng gói sản phẩm khởi nghiệp mứt chuối phồng của một đơn vị khởi nghiệp tại H.Lai Vung, Đồng Tháp. ẢNH: TRẦN NGỌC

Đóng gói sản phẩm khởi nghiệp mứt chuối phồng của một đơn vị khởi nghiệp tại H.Lai Vung, Đồng Tháp

ẢNH: TRẦN NGỌC

Từ thành công này, Đồng Tháp tiếp tục tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2, với chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển bền vững". Theo đó, các hoạt động chính diễn ra trong 2 ngày 15 - 16.11 gồm: triển lãm, trưng bày, trình diễn công nghệ, mô hình, sản phẩm công nghệ giảm phát thải, chuyển đổi xanh, công nghệ số… của các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ diễn đàn, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức vòng chung kết cuộc thi "Sáng kiến Mekong 2024", với 10 DA xuất sắc được tuyển chọn từ 136 DA dự thi, nhằm tìm kiếm những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh, giảm phát thải (net zero) phù hợp với điều kiện khu vực ĐBSCL.

Ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết thông qua diễn đàn, từng bước hoàn thành mục tiêu tạo dựng Đồng Tháp là "Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL" trong tình hình mới. Diễn đàn lần 2 được tổ chức nhằm thúc đẩy khí thế, hành động của cả 2 khu vực công - tư, đặc biệt là doanh nghiệp, khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.