>> ‘Nghĩa vụ quân sự thay thế’ là một ý tưởng hay
>> Không đặt vấn đề nộp tiền thay thế nghĩa vụ quân sự trong Hiến pháp
>> Quy định mới về nhập ngũ cho học sinh, sinh viên
Ý tưởng cho phép đóng một khoản tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự đã ngay lập tức gây tranh cãi khi nó được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Chuyện không mới lắm
Đầu tiên, tôi kể chuyện trong nhà. Gia đình nọ có mười người con cả trai lẫn gái. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, trong mười người cũng một hai người thành đạt, giàu có, người trung bình và có vài người eo hẹp về kinh tế.
Cha mẹ cao tuổi, ốm đau là chuyện không tránh khỏi. Một hôm, người cha đau nặng phải vào bệnh viện. Bệnh viện quy định chỉ một thân nhân được ở lại chăm ông, người thứ hai, nếu có, phải đóng tiền phòng. Không cho thuê người lạ, hoặc người lạ chăm sóc nhưng vẫn phải có thân nhân túc trực.
Mười người con tự phân công nhau trực thăm ông ba. Bà mẹ nói rằng thôi con Bảy với thằng Tám lương của bay hông bao nhiêu, ở nhà chăm ba, mấy anh chị kia tụi nó buôn bán với đi làm thu nhập cao, nó góp tiền cho bay an tâm ở bệnh viện.
Thật là có tình có lí, ai cũng nhất trí với bà, nhưng ông ba nằm bệnh lâu lâu, vài người trong số các anh chị đóng tiền có vẻ chây ỳ ỷ lại vào người khác. Chị Bảy và anh Tám nói đôi khi thấy tủi thân vì làm ra ít tiền.
Bà mẹ đành phải họp cả mười người con lại, quyết định, đứa nào không góp từng đó từng đó tiền, thì phải vào chăm ba. Đứa chăm ba thì phải được trả lương, để vợ/chồng con cái nó không bị thiệt thòi.
Câu chuyện trên là tôi chứng kiến trong bệnh viện, câu chữ có thể chỉnh sửa nhưng nội dung và sự kiện là có thật.
|
Bạn thấy sao, chăm cha mẹ ốm đau có phải là biểu hiện của lòng hiếu thảo không? Có phải là điều thiêng liêng không?
Quyết định của người mẹ như vậy có thiếu công bằng không? Có thực dụng không?
Và mười người con kia có quyền phản đối quyết định của bà mẹ không?
Hay họ có cách nào khác?
Tôi không biết họ đã quyết định ra sao, chỉ biết, sau đó chị Bảy với anh Tám chăm sóc ông ba rất chu đáo như vẫn từng chu đáo, nhưng tâm trạng họ vui vẻ, nhẹ nhõm hơn.
Quay lại chuyện đóng tiền để khỏi đi lính.
Ai cũng biết rằng số lượng thanh niên đạt chuẩn nhập ngũ hằng năm nhiều hơn số thật sự cần thiết (vì Việt Nam là cường quốc về dân số), vậy chắc chắn sẽ có không ít người đạt chuẩn mà không phải nhập ngũ, vậy số này là ai, sẽ làm gì? Vậy là đẻ ra vấn đề nộp tiền để mua suất dư ra này.
Thực ra việc đóng tiền để khỏi đi nghĩa vụ quân sự (gọi tắt là đi lính) đã diễn ra từ lâu nay, ít nhất là ở các tỉnh thành lớn. Có điều, đó là việc bán công khai. Gia đình có người đến tuổi và đủ điều kiện đi lính đều biết rằng có thể nộp một khoản tiền (bao nhiêu thì tùy nơi tùy lúc) cho phường đội hoặc quận đội để được ở nhà đi học hay đi làm. Để dễ coi và ít gây bức xúc cho người khác, người đóng tiền thỉnh thoảng phải đi làm lao động công ích hay dân quân tự vệ loanh quanh khu vực cư trú lấy lệ.
Vì bán công khai nên các gia đình này phải nộp tiền theo tùy hứng của cán bộ cấp phường và đương nhiên, chẳng có giấy tờ nào làm bằng chứng.
Giờ việc đó được gợi ý đưa vào luật khiến nhiều người không bằng lòng, thậm chí bức xúc.
Lý do gây tranh cãi
Những người phản đối đề nghị này cho rằng như vậy là phi đạo đức, rằng xã hội gì mà mọi nghĩa vụ hay giá trị đều quy ra tiền, rằng sự chênh lệch giàu nghèo sẽ đẩy con em những gia đình khó khăn ra làn tên mũi đạn đầu tiên. Có người lại cho rằng như vậy là đi ngược lại với lý tưởng XHCN được tuyên truyền giáo dục lâu nay rằng bảo vệ tổ quốc là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người. Giờ thì quyền và nghĩa vụ thiêng liêng ấy có thể thay bằng tiền.
Nghe thật mỉa mai nhưng sự thật nào mà chả cay đắng.
|
Ủng hộ việc luật hóa
Xã hội văn minh là xã hội luôn được điều chỉnh bằng luật.
Tôi ủng hộ việc luật hóa và công khai hóa điều này. Thứ nhất là để các cấp cán bộ phường đội, quận đội không thể nhũng nhiễu người dân nữa. Thứ hai, người dân sẽ phấn đấu làm giàu để có tiền lo cho con khỏi đi lính, không có tiền thì con phải gắng học giỏi, đậu đại học (thì có thể hoãn đi lính). Không tiền, không học giỏi thì đi lính là một tương lai không tồi lắm, vẫn hơn ở nhà thất nghiệp lông bông và nhàn cư vi bất thiện là điều không tránh khỏi. Mà tình hình kinh tế ảm đạm hiện thời thì thất nghiệp là khả năng cao, cứ nhìn lượng thanh niên ngồi các quán café buổi sáng thì biết.
Thôi thì ta không giàu có như chính phủ Mỹ, hoành tráng như quân đội Mỹ để mà cả đống thanh niên trai tráng đổ xô vào tình nguyện thì phải luật hóa vậy.
Vấn đề là luật phải chặt chẽ và công khai, từ khâu khám tuyển đến đóng tiền và tiền đó đi đâu, chi cho ai, bao nhiêu.
Làm sao đảm bảo tất cả thanh niên đến tuổi đăng lính đều phải dự tuyển (bất kể con nhà giàu nghèo, dân thường hay quan chức), ai đạt tuyển thì phải nhập ngũ, không muốn nhập ngũ thì phải nộp tiền. Toàn bộ tiền thu được phải công khai, và chi phần lớn cho những người phải nhập ngũ. Hoặc như bạn nào đó có comment rằng dùng tiền đó để mua vũ khí hiện đại hơn, sao cho trước đây 10 chú bắn 10 súng thì giờ chỉ cần 1 chú bắn 1 súng thôi.
Lương lính và chính sách ưu tiên phải làm sao thỏa đáng để người nhập ngũ và gia đình họ không thấy cay đắng và thiệt thòi. Làm sao để họ hài lòng thậm chí yêu mến và tự hào khi khoác màu áo lính, quả là một bài toán khó cho chính phủ. Quân đội cần có quá trình huấn luyện sao cho người lính nào cũng vạm vỡ về thể chất, mạnh mẽ về tinh thần. Chứ giờ nhìn những người lính trên ti vi toàn dong dỏng cao và chả tí cơ bắp nào thấy thật ít hy vọng.
Và câu chuyện bao giờ cũng bắt đầu từ câu hỏi tiền đâu. Đừng nghĩ tiền không thay thế được nghĩa vụ hay tình cảm thiêng liêng. Tiền cũng là mồ hôi công sức, hoặc phải đánh đổi điều gì đó nếu làm giàu mà khuất tất hay bất lương. Đừng ghét bỏ và từ chối đồng tiền như vậy.
Phạm Quy
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là thợ thủ công, blogger sống và làm việc tại TP.HCM. Thanh Niên Online đăng tải lại với sự đồng ý của tác giả.
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này, hãy chia sẻ với Thanh Niên Online!
, Phạm Quy
Bình luận (0)