Đồng USD trỗi dậy: Mừng hay lo?

11/03/2015 12:53 GMT+7

(TNO) USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế. Hãng tin CNN đánh giá điều này thể hiện điểm sáng của bức tranh kinh tế Mỹ so với sự ảm đạm của khu vực châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác.

(TNO) Đồng USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ quốc tế. Hãng tin CNN đánh giá điều này thể hiện điểm sáng của bức tranh kinh tế Mỹ so với sự ảm đạm của khu vực châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác.

Đồng USD hiện ở mức cao nhất trong 12 năm gần đây so với đồng EUR và ở mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây so với đồng Yen - Ảnh: Reuters

Mặc dù chưa từng ngang giá kể từ khi đồng EUR chính thức lưu hành vào cuối năm 2002 nhưng việc USD đuổi kịp EUR rất có thể sẽ không còn xa. 

Đồng USD hôm 10.3 lại tiếp tục tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch nâng lãi suất trong năm nay.

Cụ thể, 1 USD hiện đổi được 0,93 EUR, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Đây là con số lớn hơn nhiều so với tỷ giá USD/EUR ở mức 1,6 trong năm 2008. Năm nay, USD đã tăng 13% giá trị của mình so với EUR, theo CNN.

So sánh với đồng JPY (đồng Yen Nhật), USD cũng mạnh lên đáng kể khi 1 USD đang đổi được 121,2 JPY, mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, theo Bloomberg.

Người dân Mỹ tiếp tục hưởng lợi

USD tăng giá khiến du lịch nước ngoài trở thành lựa chọn của nhiều người dân Mỹ - Ảnh: Reuters
CNN cho biết USD mạnh lên là biểu hiện cho thấy nền kinh tế Mỹ, ở nhiều khía cạnh, có vẻ khỏe hơn châu Âu, Nhật Bản hay nhiều nước và khu vực khác trên thế giới.

Điều này trước hết mang lại tin vui cho người dân Mỹ. Không chỉ các sản phẩm ngành du lịch và lữ hành được điều chỉnh giá giảm, USD mạnh lên còn khiến giá thành sản phẩm các ngành hàng nhập khẩu khác vào Mỹ rẻ đi. CNN nhận xét đây là thời điểm thích hợp để người tiêu dùng Mỹ lựa chọn một chiếc ô tô Nhật hay một chiếc túi xách hàng hiệu Ý.

Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho hay giá các mặt hàng nhập khẩu đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mối lo từ phía nhà đầu tư

Hàng nhập khẩu vào Mỹ tăng tính cạnh tranh khi USD mạnh lên so với đồng tiền của các nước có sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ - Ảnh: Reuters

Song, không phải tất cả người Mỹ đều hưởng lợi từ việc đồng USD đang mạnh này. Bloomberg cho hay giới đầu tư Mỹ đã bán cổ phiếu của các doanh nghiệp đa quốc gia trong phiên giao dịch ngày 10.3.

Chỉ số Standard & Poor’s 500 (S&P 500) - một trong những thước đo tốt nhất của thị trường chứng khoán Mỹ - giảm 1,7% xuống đứng ở mốc 2.044,16, thấp hơn mức trung bình của chỉ số này kể từ ngày 9.2 năm nay.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones thì mất 332,78 điểm - tương đương 1,9% - xuống đứng ở 17.662,94 ở thời điểm đóng phiên giao dịch hôm 10.3.

Katie Nixon, giám đốc đầu tư quản lý tài sản tại Northern Trust, cho rằng với tình hình USD tăng giá như hiện tại, chỉ số S&P 500 sẽ chỉ tăng 3% trong năm nay, theo CNN.

Bloomberg thì dẫn lời Michael James, giám đốc điều hành giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities, cho biết: “Việc USD tiếp tục tăng và EUR tiếp đà giảm chắc chắn gây ra một số mối lo ngại. Các chỉ số thị trường rõ ràng cho thấy điều này gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư”.

CNN cho hay tỷ giá USD/EUR tăng cao khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng, gây khó cho các hãng sản xuất Mỹ khi tiếp cận cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài là lý do khiến giới đầu tư Mỹ lo ngại.

Tại Mỹ, ô tô của các hãng sản xuất Mỹ như GM hay Ford sẽ giảm tính cạnh tranh so với các dòng xe nhập khẩu từ châu Âu. Đơn cử, doanh số toàn cầu của hãng Hershey đã giảm đáng kể trong thời gian qua.

Điều tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp đa quốc gia khác có thị trường nước ngoài lớn. Microsoft, IBM, Procter & Gamble (PG), Johnson & Johnson hay Caterpillar là vài trong số các doanh nghiệp đang lo ngại doanh số và lợi nhuận của họ ở nước ngoài bị ăn mòn khi USD mạnh lên. 

Gây khó cho tiền tệ các nước

Đồng Rupiah của Indonesia đứng đầu danh sách tiền tệ châu Á chịu rủi ro khi USD mạnh lên - Ảnh: Reuters

CNN cho hay EUR suy yếu ảnh hưởng đến kinh tế châu Âu: tăng trưởng khu vực gần như chững lại, tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao trong tháng đầu năm 2015. Ở thời điểm tháng 1 năm nay, ngân hàng Goldman Sachs dự báo đồng EUR sẽ ngang giá USD vào cuối năm 2016, sau đó còn có thể yếu hơn nữa.

CNBC hôm 8.3 đưa tin giới phân tích hiện cảnh báo rằng tiền tệ của một số quốc gia châu Á sẽ phải chịu tác động tiêu cực nhất từ sự trỗi dậy của USD. 

Cụ thể, đồng Rupiah của Indonesia đứng đầu danh sách bị ảnh hưởng nặng khi số liệu các năm trước cho thấy đồng tiền này thường giảm giá vào thời điểm FED điều chỉnh chính sách.

Đô la Đài Loan cũng trong tình thế tương tự. Năm ngoái, đô la Đài Loan mất giá gần 6% so với USD và mới chỉ tăng lên 0,7% trong năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.